Thủ phủ vải thiều Bắc Giang: Cảnh giác với gian lận mã số vùng trồng
Hiện nay, một số địa phương đã xuất hiện tình trạng sử dụng mã số vùng trồng cũng như mã số đóng gói không đúng quy định, không phải vải thiều của Lục Ngạn (Bắc Giang) để xuất khẩu hoặc mang tiêu thụ tại thị trường khác.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, diện tích vải thiều năm 2023 của toàn tỉnh là 29.700 ha, tăng so với năm trước 1.600 ha; nhận định năm nay thời tiết tốt sẽ được mùa vải, sản lượng ước đạt từ 180.000 - 200.000 tấn.
Xây dựng mã số vùng trồng chuẩn chỉnh
Trong đó, vải thiều chín sớm là 7.700 ha, dự kiến 60.000 tấn; vải chính vụ 22.000 ha, sản lượng dự kiến trên 120.000 tấn. Việc sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP được duy trì và mở rộng, với tổng diện tích là 15.682 ha, sản lượng ước đạt trên 100.000 tấn. Huyện Lục Ngạn vẫn là “thủ phủ” vải thiều của tỉnh Bắc Giang và cả nước với diện tích năm nay khoảng 17.357 ha; sản lượng 98.000 tấn, trong đó vải sớm 25.000 tấn, vải chính vụ 73.000 tấn.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhận định, năm nay, thời tiết tốt sẽ được mùa vải, tỉnh đang chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện các biện pháp chuẩn bị thu hoạch và tiêu thụ vải, nhất là các biện pháp để xuất khẩu. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chuyên môn của tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố trong tỉnh hướng dẫn các hộ sản xuất vải đẩy mạnh việc chăm sóc, chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thu hoạch. Rà soát, đánh giá tất cả mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vải thiều bảo đảm các quy định của các nước nhập khẩu. Đẩy mạnh số hóa vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để phục vụ xuất khẩu; rà soát, thiết lập hồ sơ đánh giá vùng trồng vải xuất khẩu.
Đối với mặt hàng vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã phát triển thương hiệu, tem nhãn sản phẩm hàng hóa theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Kể từ ngày 1/1/2019, Trung Quốc quy định các lô hàng rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc này phải có tem nhãn ghi đầy đủ thông tin như tên hàng hóa, nguồn gốc, quy cách đóng gói, công ty xuất khẩu, mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng...
Tại các vùng được cấp mã số, ngoài sản lượng xuất khẩu đi Mỹ, Australia… theo định hướng, các doanh nghiệp và thương lái Trung Quốc ưu tiên thu mua để xuất khẩu đi Trung Quốc vì chất lượng tốt hơn và được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cụ thể, tại huyện Lục Ngạn - "thủ phủ" vải thiều của tỉnh Bắc Giang, đã có 36 vùng trồng vải thiều được mã hóa; thông qua hệ thống tem nhãn QR code, Hải quan Trung Quốc có thể dễ dàng tra cứu nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Ví dụ, tra sản phẩm mang mã số VN - BGOR - 0010 trên điện thoại thông minh sẽ cho ra kết quả vải thiều được sản xuất tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang). Trong khi đó, huyện Lục Nam (Bắc Giang) xây dựng được hơn 100 mã số vùng trồng vải thiều, với những địa chỉ cụ thể đến tận thôn, bản.
Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc chủ động liên hệ, đặt hàng, thu mua nguồn nguyên liệu ở các vùng trồng đã được cấp mã số; chủ động lựa chọn và sử dụng bao bì, tem nhãn dán lên sản phẩm theo yêu cầu của phía Trung Quốc...
Phòng nguy cơ thật giả lẫn lộn
Ngày 18/6, ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, hiện đã xuất hiện một số trường hợp trộn vải vùng khác với vải Lục Ngạn và sử dụng mã số vùng trồng của Lục Ngạn để bán hàng.
Do vậy, huyện đã thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, rà soát, cảnh báo đến các hộ dân, tiểu thương, thậm chí đề nghị thu hồi mã số.
Bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng một số địa phương sử dụng mã số vùng trồng cũng như mã số đóng gói không đúng quy định, không phải của Lục Ngạn để xuất khẩu hoặc mang tiêu thụ tại thị trường khác.
"Chúng tôi đã thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, rà soát, cảnh báo đến các hộ dân, tiểu thương. Đồng thời, tuyên truyền cho bà con hiểu, cam kết giữ thương hiệu, uy tín của vải Lục Ngạn vì nếu không giữ được mã số, thương hiệu thì thiệt hại rất lớn", Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết.
Về biện pháp xử lý, ông Thi khẳng định "Không những bằng xử phạt hành chính mà phải xử lý hình sự". Đồng thời, cần có quy định nghiêm ngặt hơn như thu hồi, cắt các mã số.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết thêm, giá vải thiều ngày 18/6 khoảng 17.000 - 33.000 đồng/kg. Đến nay, huyện đã tiêu thụ được trên 34.000 tấn.
Với việc vải thiều đang vào chính vụ (từ ngày 5/6 - 25/7), huyện đã triển khai nhiều biện pháp kết nối tiêu thụ vải thiều, kể cả trên các kênh thương mại điện tử.
Cùng trao đổi về vấn đề này, Trung tá Trịnh Quang Hưng - Đồn trưởng Đồn biên phòng Tân Thanh, Lạng Sơn cho biết, vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều năm, song vẫn xảy ra trường hợp có xe hàng bị trả lại.
"Cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm tra rất kỹ từ lạt buộc, thùng xốp cho tới từng quả vải, đảm bảo không có sâu. Nếu phía Trung Quốc kiểm tra xác suất, phát hiện chất lượng không đều thì sẽ mất niềm tin, trả lại hàng. Vì vậy, quy trình đóng gói vải thiều xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn và thực hiện ngay tại tỉnh Bắc Giang", Trung tá Trịnh Quang Hưng nói.
Được biết, UBND huyện Lục Ngạn vừa thành lập 2 tổ liên ngành hỗ trợ, kiểm tra, xử lý vi phạm về an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông và gian lận thương mại trong vụ thu hoạch, tiêu thụ vải thiều năm 2023.
Đặc biệt, để bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc, các tổ liên ngành cũng đã tuyên truyền người dân khi bó vải phải được xử lý hoàn toàn sạch lá, cắt cuống các bó vải với chiều dài cuống không quá 10 cm. Các tổ công tác sẽ hoạt động liên tục từ ngày 6/6 đến hết ngày 31/7/2023, khi hết vụ vải thiều.