Thư tay - tài sản tinh thần còn mãi

Ngày nay, sự phát triển mạnh của công nghệ và những dịch vụ đa phương tiện, những lá thư viết bằng tay đã trở nên xa xăm và dường như ít được biết đến, đặc biệt là giới trẻ. Thế rồi bỗng một lúc nào đó, những ký ức, vẻ đẹp và những câu chuyện xúc động về thư tay lại ùa về xao xuyến lạ, như một giá trị tinh thần đẹp đẽ ấm áp…

Trong giới nghệ thuật, cặp đôi lừng danh Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và những lá thư tình họ dành cho nhau luôn khiến người ta say đắm. Năm 1976 khi Xuân Quỳnh đi công tác miền Nam, hai người thường xuyên gửi thư cho nhau. Những bức thư đầy chất tình, lãng mạn ấy là tư liệu để họ viết nên những tác phẩm văn học để đời. “...Mùa đông này, về với anh, đi bên anh, nằm bên anh trong căn phòng đầy tranh của chúng ta. Và với Mí tuyệt vời của chúng ta. Và chúng ta sẽ viết chứ, sợ gì em nhỉ?” – thư tay Lưu Quang Vũ gửi Xuân Quỳnh ngày 5/6/1976.

Còn nữ thi sĩ tài hoa Xuân Quỳnh lại biên thư cho chồng: “Em thương anh nhiều lắm. Anh vất vả chẳng có phút nghỉ ngơi. Làm sao mà đỡ đần sự nhọc nhằn được cho anh!”, hoặc “Em thương nhớ anh muốn khóc nhưng đành phải cười nhạt nhảy lên xe. Em không còn nhớ được em đã nhìn thấy gì cuối cùng trên đất ta ngoài anh và con...”. Bởi thế, bất cứ ai sau khi đọc được những lá thư đầy cảm xúc của nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà viết kịch Lưu Quang Vũ gửi cho nhau, đều sẽ thấy nhịp đập yêu thương nóng bỏng trong từng câu chữ.

Vợ chồng nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

Vợ chồng nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

Còn nhớ, tại một chương trình “Quán thanh xuân” của Đài truyền hình Việt Nam, gần 500 bức thư của nhà văn Vũ Tú Nam gửi cho nhà báo Thanh Hương đã chia sẻ tới khán giả. Ít ai biết, từ những lá thư không đề người gửi ban đầu, rồi dần dần họ trở thành người yêu, chồng vợ trong suốt thời chiến. Có bức thư nhà văn Vũ Tú Nam viết: “Mỗi lần xa nhau là một lời hứa, mỗi lần gặp nhau là một món quà”. Trao lại, bà Thanh Hương viết: “Thương anh, yêu anh - lấy nhau lâu, nhưng sao em không hề thấy tình yêu già đi, hay bớt lãng mạn đi trong em...”. Theo nhà báo Phùng Huy Thịnh, trong chiến tranh, thư tay vô cùng quan trọng, là sợi dây nối tiền tuyến với hậu phương. Mỗi một bức thư của gia đình hoặc bạn gái gửi cho ông khi đang ở mặt trận như một sức mạnh. “Những lá thư tay đối với tôi là thứ tài sản tinh thần, tình cảm dù hiện giờ tôi không thể lưu giữ đầy đủ tất cả nhưng với tôi luôn đầy ắp trong tâm trí” – nhà báo Phùng Huy Thịnh chia sẻ.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải hồi ức về một trận đánh ác liệt vào tháng 5/1984 ở Vị Xuyên, Hà Giang: “Hàng trăm đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Tôi và các chiến sĩ đã tẩm liệm các anh và tình cờ tôi bắt gặp trong túi áo của một đồng đội đã hy sinh, bức thư viết trên vỏ bao thuốc lá Sa Pa ướt đẫm, màu mực Cửu Long và máu nhòe vào nhau, chỉ còn 3 chữ “Mẹ kính yêu”. Đó là cảm hứng để sau này nhạc sĩ sáng tác bài Thư về với mẹ. Theo nhạc sĩ Trương Quý Hải, đối với người lính ở biên giới khi ấy nói riêng, lá thư là tài sản lớn nhất của người lính bên cạnh vũ khí. “Thư tay chứa đựng sự ấp ủ, chờ đợi và nhiều giá trị” – nhạc sĩ Trương Quý Hải đánh giá.

Ở một góc độ khác, nhà thơ Hữu Việt tuổi 18 đã du học ở Liên Xô (nay là Liên bang Nga). Một chàng trai trẻ đã đến với một quốc gia hoàn toàn xa lạ nên rất cô đơn. Vì thế, mối liên hệ duy nhất với gia đình của Hữu Việt khi ấy là những bức thư. Thời gian đó, những bức thư đi cũng rất lâu, có thể vài tháng, thậm chí có tháng nhà thơ này nhận được cả chục bức thư. Cách gửi thư lúc bấy giờ là các du học sinh mua rất nhiều phong bì, sau đó gửi người quen từ bên Liên Xô về Việt Nam. “Tôi nhận được lá thư đầu tiên của mẹ gửi sang, phần cuối nhòe nước mắt của mẹ”. Theo nhà thơ Hữu Việt, những bức thư tay lưu giữ cho chúng ta quá khứ, làm cho chúng ta trong cuộc sống vốn nhiều bất trắc này hồi ức về một thời thanh xuân, tuổi trẻ nhiều niềm vui cũng như sự bồng bột.

Trong khi đó, lần đầu tiên NSƯT Minh Vượng lại chia sẻ về một tình yêu “không có hậu” qua những lá thư, mà kết thúc là một lá thư với chỉ có ba dấu chấm than (!), ba dấu hỏi (?) và ba chấm lửng (...). Lá thư ấy thay cho lời muốn nói về một sự tan vỡ...

Hiện tại, người thời nay liên lạc qua thư điện tử (email), tin nhắn... chứ chẳng mấy ai cặm cụi ngồi biên thư tay theo kiểu “cổ điển”. Vì thế, những câu chuyện của các văn nghệ sĩ về thư tay kể trên, cho thấy đó là ký ức khó quên của nhiều thế hệ với sức mạnh từ những câu từ giản dị. Những lá thư tay chính là báu vật thời gian để thế hệ sau biết thế hệ trước đã sống, yêu và thương nhớ nhau như thế nào. Và đó là sức sống của những lá thư tay trong đời sống hôm nay.

Đến đây, lại nhớ cái tâm trạng này vô cùng:

“Bác đưa thư, có thư ai đấy?

Bác đưa thư kéo chuông

Ti-gôn hoa nhỏ

Rơi đầy trước hiên…”

(Lưu Quang Vũ)

Trung Kiên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/thu-tay-tai-san-tinh-than-con-mai-93436.html