Thử thách 90 ngày giữ chân nhân viên

3 tháng đầu được coi là khoảng thời gian quyết định sự phù hợp với nơi làm. Trong bối cảnh khan hiếm lao động, nhiều công ty đang cố gắng giữ nhân viên sau 90 ngày.

 Nếu nhân viên làm được hơn 90 ngày, họ sẽ ở lại lâu dài. Ảnh: Workify.

Nếu nhân viên làm được hơn 90 ngày, họ sẽ ở lại lâu dài. Ảnh: Workify.

Theo các giám đốc điều hành và chuyên gia nhân sự, nếu nhân viên tiếp tục công việc sau 3 tháng, người đó thường sẽ làm lâu dài, tức ở lại công ty hơn một năm.

Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp treo khoản thưởng đặc biệt cùng các khóa đào tạo nâng cao và phúc lợi khác để ngăn nhân viên mới nghỉ việc trong 3 tháng đầu tiên.

McDonald’s và một số chuỗi cửa hàng thưởng người mới hàng trăm USD nếu ở lại sau 90 ngày, theo WSJ.

Marissa Andrada, giám đốc nhân sự của chuỗi nhà hàng Chipotle Mexican Grill, cho biết: “Nếu nhân viên đã làm được hơn 3 tháng, họ sẽ ở lại ít nhất một năm”. Chipotle tập trung vào việc lập lịch trình nhất quán cũng như giải thích rõ ràng về hoạt động và phúc lợi của công ty. Những điều này giúp nhân viên thoải mái tại nơi làm và có động lực ở lại.

3 tháng thử việc

Mùa hè năm nay, thị trường lao động Mỹ rơi vào tình trạng khan hiếm nhất trong nhiều thập kỷ. Bởi vậy, các công ty ngày càng có động lực giữ chân nhân sự mới.

Theo truyền thống, 3 tháng được coi là thời gian đủ để nhân viên thể hiện bản thân, các giám đốc nhân sự kỳ cựu cho biết. Nhiều công ty vẫn áp dụng thời gian thử việc 90 ngày. Trong lúc đó, nhân viên không được nhận những phúc lợi như bảo hiểm y tế.

 3 tháng là thời gian nhân viên mới quyết định có nên gắn bó lâu dài với công ty. Ảnh: WSJ.

3 tháng là thời gian nhân viên mới quyết định có nên gắn bó lâu dài với công ty. Ảnh: WSJ.

Các nhà tuyển dụng nhận thấy 90 ngày là đủ để người lao động bắt đầu ổn định công việc mới. Điều này đặc biệt quan trọng đối với nhân viên làm việc theo giờ trong các ngành có tỷ lệ chuyển việc cao như khách sạn hoặc sản xuất, nơi người lao động có nhiều lựa chọn.

Một số dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt, đặc biệt với nhóm làm công ăn lương. Các công ty như Tesla và Netflix công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự. Một số nơi hủy bỏ thư mời làm việc đối với nhân viên mới. Tuy nhiên, với các công việc theo giờ, nhu cầu về nhân lực vẫn ở mức cao.

Người lao động nói rằng họ có thể nhận thấy công việc có phù hợp hay không sau vài tuần làm. Aliyah Abbott (23 tuổi), sinh viên năm cuối, cho biết cô đã bỏ công việc thực tập ở vị trí marketing sau khoảng một tháng.

Dù do dự trước quyết định, cô nghĩ rằng những gì mình trải nghiệm khác với các cam kết công ty đặt ra ban đầu. Cô được trả ít hơn và một số khoản thu nhập là nhờ vào tiền hoa hồng.

“Vào khoảng tuần thứ 3, tôi tự hỏi liệu đây có phải nơi phù hợp”, cô nói. Không lâu sau, cô tìm được công việc mới ở vị trí điều phối viên marketing.

Nỗ lực giao tiếp với nhân viên

Một yếu tố lớn quyết định liệu nhân viên có ở lại sau 3 tháng chính là mối quan hệ với công ty, các giám đốc điều hành cho biết.

Tại công ty phần mềm Intercom ở San Francisco (Mỹ), các nhân viên mới được yêu cầu tham gia một chuyến tham quan để hiểu hoạt động của công ty và gặp gỡ nhiều đồng nghiệp nhất có thể.

L. David Kingsley, giám đốc nhân sự của Intercom cho biết: “90 ngày đầu tiên giống như cuộc phỏng vấn kéo dài đối với nhân viên của công ty. Đó là những thời điểm quan trọng để thực sự đưa ra quyết định".

 Mối quan hệ tốt với công ty là lý do nhiều nhân viên ở lại sau 3 tháng. Ảnh: Primepay.

Mối quan hệ tốt với công ty là lý do nhiều nhân viên ở lại sau 3 tháng. Ảnh: Primepay.

Công ty xử lý rác thải Waste Management triển khai một công cụ cho phép quản lý nhận phản hồi từ nhóm họ phụ trách. Cả nhân viên mới và người đã làm lâu năm đều có thể để lại bình luận ẩn danh.

Qua nghiên cứu dữ liệu về sự chuyển việc của nhân viên, Waste Management nhận thấy 120 ngày đầu tiên là đặc biệt quan trọng để giữ người mới trong khi họ làm quen với công việc.

John Morris, giám đốc nhân sự của công ty, cho biết có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc giữ chân một nhân viên mới, bao gồm phúc lợi, đào tạo và lương.

Ngoài ra, công ty muốn đảm bảo rằng quản lý của họ cũng được trang bị để phản hồi vấn đề theo nhiều kênh khác nhau.

“Chúng tôi đều nhận được rất nhiều lời góp ý. Nhưng nếu nó dài 800 trang, sẽ không ai muốn đọc cả. Làm thế nào để đưa các quản lý từng mẩu gợi ý nhỏ hoặc những đầu việc họ có thể thực hiện?”, ông Morris nói.

 Quản lý cũng cần học cách tiếp nhận các góp ý. Ảnh: Unsplash.

Quản lý cũng cần học cách tiếp nhận các góp ý. Ảnh: Unsplash.

Vào cuối tháng 2, Jennifer Sick (29 tuổi), sống tại Ohio (Mỹ), đã đảm nhận công việc mới ở vị trí đại diện kinh doanh. Công ty cô có thời gian thử việc 90 ngày với các mục tiêu được vạch ra rõ ràng, điều mà Sick chưa từng trải qua trước đây.

Sick cho biết quản lý yêu cầu cô thực hiện 300 cuộc gọi mỗi tuần và đến thăm 2 doanh nghiệp nhỏ. Nếu muốn nhận tiền thưởng sau 90 ngày, cô có thể nâng lên 375 cuộc gọi và 4 doanh nghiệp. Các quản lý liên tục hỏi thăm, hỗ trợ cô.

Sick đã hoàn thành ngày thứ 90 vào đầu tháng 6 và nhận được tiền thưởng khi vượt chỉ tiêu.

“Tôi đã làm việc chăm chỉ trong 90 ngày vì nhìn thấy tương lai tại công ty này”, cô nói.

Mai Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-thach-90-ngay-giu-chan-nhan-vien-post1368128.html