Thử thách cho thầy Park sau lời phản biện từ bầu Hiển
Oman không phải là đối thủ mạnh nhất, nhưng đây sẽ là thử thách lớn cho huấn luyện viên Park Hang-seo bởi lần đầu tiên, ông vào trận với những lời phản biện.
Tròn 4 năm làm việc tại Việt Nam, huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo có hành trình xuôi chèo mát mái. Ông đi đến đâu cũng để lại dấu ấn chiến công và lịch sử. Sự hồ nghi và phản biện, nếu có, chỉ thực sự đến ở điểm khởi đầu và ngay lúc này.
Ngày đặt chân đến Việt Nam (10/10/2017), nhà cầm quân người Hàn Quốc chỉ mang theo hồ sơ khiêm tốn. Đỉnh cao nhất là giai đoạn làm trợ lý cho Guus Hiddink dự World Cup 2002 trôi qua đã rất lâu, Park đương thời chỉ là HLV hạng 3 không còn danh tiếng.
Khi bầu Hiển lên tiếng
Những trận đấu đầu tiên của ông Park với tuyển Việt Nam vì thế trở nên áp lực. Giới chuyên môn soi xét, người hâm mộ hoài nghi, các cầu thủ mà ông vừa tiếp xúc cũng không hẳn đã có niềm tin ở ông thầy như từ trên trời rơi xuống. Sau này, chính ông tâm sự: "Tôi không biết liệu mình có phải xách vali về nước chỉ sau vài trận hay không".
Nhưng các giải đấu mà HLV Park kinh qua đã nhanh chóng biến ông thành vị thánh trong lòng người hâm mộ. Á quân vòng chung kết U23 châu Á trong bão tuyết, Top 4 ASIAD, Top 8 Asian Cup, vô địch AFF Cup, HCV SEA Games, và đặc biệt là thành tích vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 đã trải thảm đỏ trên mỗi bước chân thầy Park.
Đã là thảm đỏ thì chỉ có tung hô, xưng tụng. Những ý kiến ngược chiều không phải là không xuất hiện, nhưng lập tức chìm nghỉm trong ánh hào quang mà ông Park mang đến cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam khao khát chiến công.
Mặt trái chỉ lộ ra từ thất bại. Khi tuyển Việt Nam thua liên tiếp 4 trận ở sân chơi hàng đầu châu lục, những vấn đề của ông Park và các học trò mới nghiêm túc được mang ra bàn luận. Và sự nghiêm túc trở thành nghiêm trọng khi bầu Hiển bình luận: Ông Park thiếu sự phản biện nên dẫn đến bảo thủ.
Bầu Hiển, dù ở góc độ người hâm mộ hay nhà đầu tư bóng đá, thì tiếng nói của ông cũng thể hiện quan điểm chính đáng rằng HLV Park Hang-seo cần thêm những góp ý để cải thiện cách cầm quân. Cải thiện không nhất thiết phải là mang về những chiến thắng hay điểm số ở sân chơi hiện tại, mà cải thiện là để đội tuyển vận hành hợp lý hơn, tạo cơ hội cho nhiều cầu thủ hơn.
Đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận đội hình quen thuộc mà thầy Park quen dùng đã đạt đến giới hạn về trình độ. Đội hình ấy sinh ra để chinh phục những đối thủ Đông Nam Á. Thực tế, tuyển Việt Nam vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup cũng là ở bảng đấu có 4 trong 5 đội thuộc nhóm “ao làng”.
Tuy nhiên, bước vào nhóm “ông kẹ” của châu lục là câu chuyện hoàn toàn khác. Ở đó, những thất bại cay đắng đã chỉ ra đội quân của thầy Park khó lòng có thể tiến xa hơn, nếu không thay đổi lối chơi, hoặc thay đổi lực lượng, và lý tưởng nhất là thay đổi cả hai.
Không còn thực tế nữa để nói về tấm vé đến Qatar ngay mùa hè 2022. Nhưng tuyển Việt Nam đừng nên phí phạm những cơ hội học hỏi, cọ xát ở đẳng cấp cận kề World Cup, chỉ để mài lại những bài vở cũ, những con người cũ. Đấy mới là thứ tồn tại ở HLV Park Hang-seo, mà bầu Hiển đại diện cho nhóm người cấp tiến đang lo lắng.
Vốn dĩ, chúng ta không đặt câu hỏi cho ông Park về những trận thua. Chúng ta chỉ băn khoăn về cách mà tuyển Việt Nam thua.
Thua vì đội hình không có gì đột biến, dù đối thủ đã nghiên cứu thuộc nằm lòng. Thua trong tình thế vài cầu thủ đã mờ nhạt đến mỏi mòn, đã vơi cạn tự tin nhưng vẫn ra sân đá chính. Thua trong bối cảnh một trung vệ dày dạn bị rút ra, để đồng đội non trẻ vào thay mắc lỗi dẫn đến 2 bàn thủng lưới giống hệt nhau.
Chúng ta đang nói đến Nguyễn Thanh Bình, “nạn nhân” của phép thử có lẽ là không đúng thời điểm của thầy Park. Chúng ta lật lại vấn đề, trận gặp tuyển Trung Quốc, ông thay 5 vị trí, 4 vị trí vào sân đều chơi ở mức tròn vai (Lương Xuân Trường, Nguyễn Văn Toàn) đến tốt (Hồ Tấn Tài, Nguyễn Công Phượng). Tuy nhiên, “tai nạn” duy nhất lại đến với Thanh Bình và phải trả giá bằng trận thua chung cuộc 2-3.
Thầy Park đã nhận trách nhiệm về sai lầm của Thanh Bình, nhưng ngay sau đó, ông chuyển trung vệ Viettel xuống đội U22. Cứ cho đó là mục đích ban đầu của ông Park, bởi Thanh Bình là hạt nhân của đội trẻ và đá chính luôn ở trận giao hữu với U22 Tajikistan, nhưng cách “điều động” nhạy cảm liệu có khiến cầu thủ này bị “sốc”, hoặc gây ra tình trạng sợ trách nhiệm ở các thành viên còn lại của tuyển Việt Nam?
Thầy Park trước thử thách Oman
Từ Muscat, HLV Park Hang-seo đáp trả chiến thuật trên đội tuyển không phải việc của CLB Hà Nội, cũng như cách bình luận của bầu Hiển là thiếu lịch sự. Đây là những lời gay gắt nhất mà chúng ta từng được nghe từ ông thầy người Hàn trước những luồng dư luận trong nước.
Ông Park đang căng thẳng. Ngay cả khi tuyển Việt Nam xác định trước khó khăn ở vòng loại thứ 3 World Cup, những thất bại liên tiếp, đặc biệt trước tuyển Trung Quốc đã khiến tinh thần của ông bị ảnh hưởng.
Công bằng mà nói, ông Park không phải người bảo thủ. Ông có những mục tiêu riêng cho từng chặng. 2 trận với Saudi Arabia và Australia, ông chủ động chơi tử thủ hòng kiếm những điểm số đầu tiên, vừa để duy trì cơ hội, vừa dung dưỡng sự tự tin cho toàn đội.
Không thành công, ông đã dịch chuyển dần sang “nuôi cấy” những gương mặt không xuất hiện thường xuyên, những thành tố cho tương lai mà Tấn Tài, Thanh Bình là ví dụ, nhưng đáng tiếc, tuyển Trung Quốc lại là đối thủ mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam mong mỏi thắng. Những sai số trước tuyển Trung Quốc, vì vậy gây ra những hệ lụy lớn hơn thất bại thông thường.
Tuyển Việt Nam hành quân sang Oman trong tâm trạng vừa buồn bã vừa mệt mỏi. Chấn thương nhỏ như vừa xảy ra với Quế Ngọc Hải cũng khiến tất cả hoang mang. Ông Park không còn vui vẻ như vốn có, và ai cũng hiểu đâu đó bên tai ông văng vẳng lời bầu Hiển.
Nhưng sống trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp, đội bóng không thể cứ vương mãi dư âm tiếc nuối. Chính ông Park người xốc dậy các học trò để hướng đến trận đấu tiếp theo. Đội trưởng Ngọc Hải kêu gọi người hâm mộ chung tay ủng hộ đội tuyển, thay vì trách móc.
Liều thuốc tinh thần là thứ quý giá nhất lúc này, để đối phó với Oman toàn thắng trước tuyển Việt Nam trong các cuộc đối đầu. Dù đã để thua 2 trận gần nhất trước Australia và Saudi Arabia, Oman vẫn là đối thủ trên tầm khi giành 3 điểm ngay ở vòng đầu tiên (thắng Nhật Bản 1-0).
HLV Branko Ivankovic thừa nhận không dễ đánh bại tuyển Việt Nam, nhưng hơn ai hết, chúng ta hiểu những tồn tại của mình. Hàng phòng ngự vốn là thế mạnh, bây giờ đã để thua 7 bàn sau 3 trận. Bộ ba ưa thích của thầy Park là Đỗ Duy Mạnh - Quế Ngọc Hải - Bùi Tiến Dũng sẽ trở lại nhưng khắc chế Oman - bản sao của Saudi Arabia kỹ thuật, nhanh nhẹn và đa dạng quả thực là thử thách.
Lối chơi phòng ngự lùi sâu có lẽ không còn được triển khai, khi thầy Park hiểu khả năng cầm bóng và phản công từ cặp tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh - Nguyễn Hoàng Đức mới là chìa khóa cân bằng thế trận. Ở 2 biên, ngoài Vũ Văn Thanh, Nguyễn Phong Hồng Duy, thầy Park đã có thêm lựa chọn chất lượng là Hồ Tấn Tài.
Trong khi đó, ở tuyến trên, Công Phượng, Văn Toàn xứng đáng có nhiều đất diễn hơn nếu tuyển Việt Nam cởi bỏ tấm khiên xù xì, thô ráp để tìm đến những pha phối hợp nhỏ, ngắn và tinh tế như đã thể hiện trước UAE hay tuyển Trung Quốc. Cùng với Quang Hải, Tiến Linh, thầy Park rõ ràng không thiếu mảng miếng để tấn công.
4 năm nay chỉ lo phòng ngự trước những đối thủ lớn hơn mình, liệu bây giờ có phải thời điểm HLV Park Hang-seo mạnh dạn thử nghiệm lối chơi tích cực hơn, cống hiến hơn? Phá được cái dớp Oman trong trận thứ 4 ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 diễn ra lúc 23h ngày 12/10 (giờ Hà Nội), đó sẽ là cách thầy Park đáp trả hùng hồn nhất những lời phản biện.