Thử thách lớn đầu tiên với chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Hàn Quốc

Mỹ bày tỏ mong muốn Hàn Quốc tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) - 1 sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác với các đối tác về kinh tế và thương mại. Điều này đang đặt ra phép thử ngoại giao khó khăn đối với tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và chính quyền của ông.

Việc Tổng thống Joe Biden thúc đẩy một sáng kiến kinh tế chiến lược mới do Mỹ dẫn dắt, được nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá là sáng kiến nhằm làm đối trọng với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và chống lại tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này đang đặt ra một phép thử Ngoại giao khó khăn đối với tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và chính quyền của ông.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: Tân Hoa xã.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: Tân Hoa xã.

Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ tuyên bố khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF) ngay trong chuyến công du đến Đông Bắc Á vào cuối tháng này. Theo đó, từ ngày 20-22/5 ông Joe Biden sẽ đến Hàn Quốc để hội đàm với Tổng thống Yoon Suk-yeol và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Hàn. Tiếp đó từ ngày 22-24/5, ông Joe Biden sẽ đến Nhật Bản gặp Thủ tướng Kishida Fumio và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh nhóm "Bộ tứ" (Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ).

Ông Kim Heung-kyu, Giám đốc Viện Chính sách Mỹ-Trung Quốc tại trường Đại học Ajou, Hàn Quốc cho biết, Trung Quốc coi việc Hàn Quốc tham gia IPEF là một bước tiến trong mặt trận chống Trung Quốc. Thách thức Ngoại giao lớn nhất dưới thời Tổng thống Yoon có thể đến từ mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc cho đến nay vẫn duy trì lập trường có thể tham gia một diễn đàn khu vực cởi mở, toàn diện và minh bạch. Giới chức Hàn Quốc đang xem xét, thảo luận, đánh giá liệu có nên tham gia vào sáng kiến của Mỹ hay không. Nếu tham gia IPEF thì sự hợp tác với các đồng minh trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu như chất bán dẫn, pin dung lượng cao và các mặt hàng công nghiệp quan trọng khác có thể tăng tốc. Đến khi đó, sự phụ thuộc kinh tế của Hàn Quốc vào Trung Quốc có thể giảm dần, và như vậy đồng nghĩa với việc quan hệ song phương Hàn-Trung cũng sẽ bị ảnh hưởng, vì Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng của Hàn Quốc về thương mại.

Trước đó hôm 10/5, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã có cuộc điện đàm xã giao với tân Tổng thống Hàn Quốc sau lễ tuyên thệ nhậm chức. Trong cuộc điện đàm ông Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh đến bản chất bổ sung lẫn nhau của hai nên kinh tế Hàn-Trung cũng như chuỗi cung ứng công nghiệp của hai nước khó có thể tách rời. phát biểu này được coi như lời nhắc nhở đối với Seoul không tham gia sáng kiến của Mỹ.

IPEF phản ánh sáng kiến Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế được thúc đẩy dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong nỗ lực phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, sự tham gia của Hàn Quốc vào IPEF nếu thành hiện thực, sẽ báo hiệu một sự thay đổi rõ ràng trong cách tiếp cận chính sách Ngoại giao mới của Hàn Quốc trước sự cạnh tranh Mỹ-Trung đang ngày càng gia tăng.

IPEF được đưa ra khi Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng kinh tế của mình đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương thông qua nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm RCEP- một thỏa thuận thương mại tự do mà Mỹ không có mặt.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang hướng tới mục tiêu trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - hiệp định mà Mỹ đã rút khỏi năm 2017 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Joe Biden tăng cường thúc đẩy khởi động sáng kiến IPEF với các đối tác, đồng thời xoa dịu lo ngại rằng Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống đối với chính sách ngoại giao "Nước Mỹ trên hết" của cựu Tổng thống Donald Trump để lại./.

Hồ Hải/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thu-thach-lon-dau-tien-voi-chinh-sach-doi-ngoai-cua-tan-tong-thong-han-quoc-post943292.vov