Xuân Son đã được phẫu thuật thành công, cần làm gì tiếp theo để hồi phục?

Chấn thương gãy xương chân là một trong những chấn thương nặng trong bóng đá mà các cầu thủ đều rất sợ, ngay cả khi y học đã tiên tiến, hiện đại như bây giờ. Tin vui là Xuân Son đã được phẫu thuật thành công, tiếp theo anh cần vượt qua những thử thách nào để hồi phục?

Chiến thắng chung cuộc của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2024 có sự đóng góp rất lớn của Nguyễn Xuân Son. Nhưng thật đáng tiếc là trong trận Chung kết lượt về, Xuân Son đã bị chấn thương nặng.

Theo những chẩn đoán ban đầu, Xuân Son bị gãy ống đồng (gãy cả xương mác và xương chày), phải phẫu thuật, cần ít nhất từ 8 tháng đến 1 năm mới có thể thi đấu trở lại.

Thực tế, những chấn thương nặng là điều mà các cầu thủ không lạ gì và rất sợ. Theo Reuters, Tiến sĩ Jason Dragoo, một bác sĩ thể thao ở ĐH Stanford (thành phố Redwood, bang California), cảnh báo, hậu quả của việc gãy chân ở các cầu thủ bóng đá có thể không giống với ở các môn thể thao khác, vì bóng đá là môn đòi hỏi rất nhiều không chỉ về sức mạnh mà cả về sự khéo léo của đôi chân, nên cầu thủ bị gãy chân thì sau khi phẫu thuật thành công cũng cần tập phục hồi kéo dài.

Xuân Son trong bệnh viện. Ảnh: TPO.

Xuân Son trong bệnh viện. Ảnh: TPO.

Tuy nhiên, các bác sĩ cũng nói, với y học và công nghệ hiện đại, có đến 83% cầu thủ khi trở lại sau chấn thương thì có thể chơi bóng ở mức độ bằng hoặc thậm chí hơn trước.

Có một chữ “tuy nhiên” nữa, theo các bác sĩ, đó là nhiều cầu thủ sau khi bị gãy chân thì quyết định giải nghệ sớm, hoàn toàn không đá bóng nữa, hoặc chỉ đá một thời gian ngắn nữa rồi nghỉ. Nhưng lý do không phải là họ không thể đá được nữa, mà 2/3 số người không quay lại với bóng đá sau khi gãy xương đều đưa ra những lý do cá nhân, chủ yếu là nỗi sợ bị tái chấn thương, chứ không phải do bị đau hay cứng chân.

Xuân Son giành 2 giải thưởng: Vua phá lưới và Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2024.

Xuân Son giành 2 giải thưởng: Vua phá lưới và Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2024.

Ngoài ra, nhiều cầu thủ có chơi bóng trở lại nhưng đá “nhát” hơn vì vẫn bị nỗi sợ chấn thương ám ảnh, theo hội chứng “chim sợ cành cong”.

Thật vậy, Gregor Robertson, cựu cầu thủ của CLB Nottingham Forest ở Anh, người cũng từng bị gãy chân cho biết, việc quay lại với bóng đá là một thử thách cả về thể chất lẫn tinh thần, theo trang Sky Sports.

Theo Robertson, cầu thủ bị chấn thương nặng, cụ thể là gãy chân, sẽ không thể không lo lắng đến việc chấn thương đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp và cả cuộc sống của mình. Đến mức, mỗi khi nghe tin về chấn thương, cầu thủ có thể vẫn rùng mình hoặc run lên. Những cơn đau sau phẫu thuật và khi tập đi lại có thể khiến cầu thủ không thể tưởng tượng ra việc mình chơi bóng được nữa. Nhưng rồi dần dần, nếu vượt qua được những trở ngại tâm lý, cầu thủ sẽ tập phục hồi hằng ngày và khi đó, cơ thể sẽ có những cải thiện rõ rệt.

HLV Kim Sang Sik đeo huy chương vàng AFF Cup 2024 cho Xuân Son. Ảnh: TPO.

HLV Kim Sang Sik đeo huy chương vàng AFF Cup 2024 cho Xuân Son. Ảnh: TPO.

Cho nên, cả các bác sĩ và các cầu thủ từng bị chấn thương đều nói, thử thách lớn nhất đối với một cầu thủ bị gãy chân chính là tâm trí, là tinh thần của anh ấy. Trên con đường phục hồi có rất nhiều bước, việc chinh phục từng bước cũng giống như ghép từng mảnh vào một bức tranh, cho đến khi bức tranh hoàn thành, tức là khi cầu thủ đó thực sự hoàn toàn hồi phục. Phải rất kiên trì, rất mạnh mẽ, rất chăm chỉ.

Với sự động viên và tình cảm của người dân cả nước ta, với tinh thần tích cực của bản thân, với tình yêu bóng đá, chắc chắn Xuân Son sẽ trở lại.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/xuan-son-da-duoc-phau-thuat-thanh-cong-can-lam-gi-tiep-theo-de-hoi-phuc-post1707262.tpo