Thử thách mục tiêu kép

Bước sang năm 2021, Sóc Trăng cùng các tỉnh, thành trên cả nước tiếp tục triển khai các giải pháp để hoàn thành mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế có hiệu quả. Một nhiệm vụ không hề dễ dàng chút nào khi mục tiêu đầu tiên đang gặp thử thách bằng đợt bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19, còn mục tiêu thứ hai đang đối mặt tình trạng tăng giá chi phí đầu vào và sức tiêu thụ đang chậm lại của một số mặt hàng, lĩnh vực.

Các doanh nghiệp tôm của tỉnh đã tìm thấy cho mình cơ hội trong khó khăn. Ảnh: TÍCH CHU

Các doanh nghiệp tôm của tỉnh đã tìm thấy cho mình cơ hội trong khó khăn. Ảnh: TÍCH CHU

Trao đổi với người viết về những khó khăn trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm đều cho rằng khó hơn so với cùng kỳ mà nguyên nhân chủ yếu đến từ tác động của dịch Covid-19 trong nước và thế giới. Ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá các nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến, như: bao bì (nhựa, carton…), dầu công nghiệp, chất phụ gia, nhân công… đều tăng mạnh. Đặc biệt là cước tàu biển tăng gấp 6 - 7 lần so với cùng kỳ và tình trạng thiếu container rỗng trong những tháng đầu năm khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn trong việc xuất hàng và đảm bảo lợi nhuận”. Ngay cả ngành lúa gạo, dù giá xuất khẩu đầu năm khá cao nhưng cũng gặp khó khăn do cước tàu biển tăng mạnh.

Tác động của dịch Covid-19 ngày càng lan rộng đến các ngành nghề, lĩnh vực khác mà biểu hiện rõ nét nhất chính là làm tăng chi phí đầu vào, dẫn đến giá thành sản xuất tăng, sức tiêu thụ giảm. Tính đến thời điểm hiện nay, giá các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như: bắp, đậu nành, bột cá… cộng chung lại đã tăng khoảng 30% so với thời điểm cuối năm 2020. Không còn cách nào khác, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi buộc phải điều chỉnh tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay, trong khi giá nhiều sản phẩm chăn nuôi, như: trứng và thịt gia cầm, heo hơi, tôm nước lợ… lại có xu hướng giảm dần từ đầu năm đến nay. Không nói đâu xa, giá tôm thẻ loại 30 con/kg vào đầu năm còn ở mức 178.000 đồng/kg đến nay chỉ còn 145.000 đồng/kg, còn tôm thẻ loại 100 con/kg cũng giảm từ mức 105.000 đồng/kg xuống còn 95.000 đồng/kg. Điệp khúc giảm giá do tác động từ dịch Covid-19 rõ nét nhất chính là việc giá hành tím từ mức trên 50.000 đồng/kg ở vụ hành sớm giảm xuống còn 5.000 – 8.000 đồng/kg ở vụ hành chính, dẫn đến tồn kho 50.000 tấn và lãnh đạo tỉnh phải kêu gọi giải cứu.

Các doanh nghiệp và người sản xuất đang nỗ lực vượt qua những khó khăn về chi phí đầu vào và giá bán sản phẩm bằng nhiều giải pháp, như: tiết kiệm chi phí, gia tăng năng suất, chất lượng để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh… nhưng điều mà họ lo lắng nhất vẫn chính là dịch Covid-19. Ông Phục chia sẻ: “Khó khăn về thị trường thì doanh nghiệp có thể tìm kiếm được trong đó những cơ hội để vượt qua như đã từng vượt qua ở năm 2020, nhưng điều mà chúng tôi lo nhất hiện nay vẫn là dịch Covid-19. Chỉ cần 1 công nhân dương tính với Covid-19 là nhà máy bị đóng cửa, khách hàng không dám mua, công nhân sẽ bỏ đi, ngân hàng sẽ thắt chặt vốn vay...”.

Lo lắng là tâm lý chung, nhưng tất cả đều không hoang mang mà ngược lại luôn cố gắng tìm kiếm cho mình những cơ hội, những giải pháp hữu hiệu nhất để vượt lên đại dịch, cùng nhau hoàn thành mục tiêu kép là chống dịch và phát triển kinh tế một cách hiệu quả như chỉ đạo của Chính phủ. Cũng theo các doanh nghiệp ngành tôm, tuy có khó khăn, lo lắng nhưng nếu nhìn toàn cục thì cơ hội vẫn rất lớn do một số đối thủ cạnh tranh chính của con tôm Việt Nam đang chật vật trong việc chống dịch, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng là rất cao. Vì vậy, chỉ cần vùng trọng điểm tôm của cả nước là đồng bằng sông Cửu Long được giữ vững an toàn trước dịch thì mục tiêu xuất khẩu tôm, gạo… sẽ đạt được, thậm chí vượt xa so với kế hoạch đề ra.

Trên bình diện chung của tỉnh có thể thấy, lãnh đạo tỉnh đã rất quyết liệt và kiên định mục tiêu kép để đảm bảo an toàn dịch và thúc đẩy kinh tế phát triển. Các dự án điện gió trọng điểm của tỉnh đang được đẩy nhanh tiến độ, trong đó, một số chủ đầu tư cho biết sẽ đưa dự án vào hoạt động ngay trong năm nay là một trong những tín hiệu tích cực cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 như đã đề ra. Đối với 2 lĩnh vực lớn của tỉnh là con tôm và cây lúa, bên cạnh kinh nghiệm và sự nhạy bén của doanh nghiệp, sự chỉ đạo quyết liệt của ngành nông nghiệp và các địa phương cũng cho thấy nhiều khả năng thành công cao. Chúng ta đã thành công lớn với vụ lúa Đông – Xuân trúng mùa, trúng giá và đang xuống giống vụ Hè – Thu trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, còn vụ tôm, tiến độ thả nuôi cũng nhanh hơn và tỷ lệ thành công đến hết tháng 5 này cũng cao hơn so với cùng kỳ.

Trong khó luôn có cơ hội và chẳng những vậy, chúng ta đã nhìn thấy, một số đã nắm bắt được cơ hội này, nên thách thức còn lại là làm sao phòng, chống dịch hiệu quả nhất để tạo sự an tâm trong sản xuất, kinh doanh và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh, như là một điểm đến an toàn và hiệu quả nhất.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/thu-thach-muc-tieu-kep-49137.html