Thử thách nằm ngoài văn chương

Kỳ thi HS giỏi quốc gia THPT 2020 vừa kết thúc. Trong đó, 489 thí sinh dự thi môn Ngữ văn làm bài trong vòng 180 phút, hình thức thi tự luận.

Đề thi gồm một câu nghị luận xã hội (8 điểm) và một câu nghị luận văn học (12 điểm). Nội dung đề thi hiện được rất nhiều giáo viên Ngữ văn trên cả nước quan tâm và bàn luận.

Theo cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), đề thi Ngữ văn năm nay hay nhưng vẫn là thử thách với không ít học trò.

Nhìn tổng thể, đề thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2020 – 2021 có một “tứ” hay: câu nghị luận xã hội khẳng định vai trò sâu xa, cội nguồn, gốc rễ của các giá trị (đặc biệt là giá trị văn hóa, tinh thần) thuộc về dân tộc; câu nghị luận văn học đặt ra vấn đề về giá trị phổ quát lớn lao mang tầm nhân loại của văn chương (cũng là một giá trị thuộc bình diện văn hóa, tinh thần).

Hình dung tâm trí học trò khi làm bài , các em có thể nghĩ tới một cây lớn, bám chắc vào đất mẹ và vươn cành, xòe tán, hứng gió và mang gió tới muôn phương! Và thực chất, câu nghị luận xã hội sẽ là một trong số rất nhiều yếu tố quan trọng giúp đạt được những giá trị mà câu nghị luận văn học đặt ra - bởi như chính nhà văn Nguyễn Minh Châu đã nói: “Hãy đi đến tận cùng của cái ta, ta sẽ gặp được nhân loại”.

Đề bài hoàn toàn có thể giúp học trò mở ra những suy ngẫm tích cực và mới mẻ về điểm giao cắt, thậm chí tương đồng của các giá trị, từ dân tộc, truyền thống tới quốc tế, hiện đại và tìm ra hướng đi cho mình.

Vấn đề đặt ra trong đề bài là hay, là muôn đời, nhưng học trò cần xử lý vấn đề như thế nào cho khỏi rơi vào sự nhàm chán muôn đời, triển khai hệ thống ý như thế nào để vượt thoát khỏi khuôn mẫu lý thuyết, đưa bài văn của các em chạm vào được thực tế “cây đời” của văn chương bây giờ, lúc này, đó sẽ là những khó khăn không hề nhỏ.

Bởi kể cả người lớn, khi cố gắng phân loại minh bạch các khái niệm về tính dân tộc, tính nhân loại, thậm chí tính giai cấp… cũng có thể còn e ngại “động chạm”.

Số phận những tác phẩm đề cập tới những chủ đề mang nhân tính, hay nhân loại tính như tình yêu, nỗi đau, sự cô đơn, cái chết, những ảo giác, những khát khao… (Màu tím hoa sim - Hữu Loan, Tây Tiến - Quang Dũng, Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh…) có thể là minh chứng cho sự nhận thức hạn chế về tính nhân loại của văn học.

Cô Tuyết chia sẻ: Tôi cho rằng đề văn năm nay, rằng hay thì thật là hay, nhưng xem ra vẫn là thử thách với không ít học trò, và oái oăm là những thử thách có thể nằm ngoài văn chương…

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thu-thach-nam-ngoai-van-chuong-548103.html