Thủ thân!
Cha mẹ sống an nhiên không quỵ lụy con cái về kinh tế sẽ giúp các con đỡ nặng gánh về tinh thần và tài lực. Cha mẹ sống không lo âu về kinh tế, sống an nhàn sẽ giúp tinh thần người già được thoải mái.
Cuộc sống hiện đại diễn ra không ít sự việc đau lòng về lễ hiếu đạo: con cái không chăm sóc cha mẹ lớn tuổi bị bệnh tật, tranh giành tài sản, anh chị em phân chia ngày tháng nuôi dưỡng cha mẹ… khiến nhiều “phụ huynh” từ tuổi U50 đã có tâm lý tích lũy để thủ thân. Sự tích lũy đó có thể giúp người già an tâm nghỉ ngơi, tự chăm sóc sức khỏe, giải quyết các vấn đề bệnh tật ốm đau, giảm bớt áp lực tâm lý.
Nhẹ gánh tuổi già
Bà Sáu Minh (quận 10, TPHCM) mất chồng khi mới hơn 30 tuổi. Dù khi đó còn trẻ nhưng bà vẫn quyết tâm ở vậy nuôi dạy 3 đứa con, 2 trai 1 gái. Hàng chục năm qua, chỉ với gánh bánh canh nhỏ mà bà lo được cho cả 3 con ăn học đến nơi đến chốn, ai cũng có công ăn việc làm đàng hoàng, gia đình ấm êm. Về nhà cửa, tuy có đứa còn phải đi thuê để ở, có đứa đang mua trả góp, nhưng cũng có thể gọi là ổn định. Chạm ngưỡng tuổi 60, bà Sáu Minh vẫn hàng ngày ra đầu hẻm buôn bán tất bật với gánh bánh canh nhỏ để lo cho cuộc sống bản thân. Khi dư chút đỉnh thì tích cóp, dành dụm, để có thêm chút tiền dưỡng già, sau này khỏi làm phiền con cháu.
Bà Sáu Minh chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi buôn bán kiếm chút lời, tích lũy riêng cho bản thân một khoản tiết kiệm để chuẩn bị cho mình một cuộc sống về già. Tôi không có của cải gì nhiều để chia cho các con, chỉ ráng lo cho tụi nhỏ yên bề gia thất, có việc làm và cuộc sống ổn định là mừng rồi. Tụi nhỏ cũng hiếu thảo lắm. Thi thoảng lại cho mẹ chút tiền tiêu vặt. Lúc rảnh cũng chạy qua phụ mẹ bán hàng. Tiền tụi nhỏ cho, tôi cũng để dành, có ghi chép lại cẩn thận. Số tiền này, tôi dự định khi nằm xuống thì con cháu lấy ra lo ma chay cho tôi luôn, không cần tụi nhỏ phải nặng gánh chi phí. Còn khoản tiền thu nhập tôi buôn bán có lời hàng ngày, tôi cứ gom lại nhiều nhiều rồi thêm vào sổ tiết kiệm ngân hàng. Hàng tháng cũng có lãi thêm chút đỉnh. Đó là tiền thủ thân, chẳng may bệnh đau, phải nằm viện thì sẽ lấy ra dùng, đỡ phiền con cháu bươn chải lo toan. Cuộc sống của tụi nhỏ cũng không dư giả gì”.
Tư tưởng tích lũy để có tiền chăm lo cho bản thân khi về già được bà Sáu Minh rút kinh nghiệm từ cuộc đời tuổi xế chiều nhiều buồn thương của anh chị ruột. Vợ chồng ông Tư Trung, anh ruột bà, có 2 con, 1 trai 1 gái, đều làm ăn kinh doanh buôn bán hàng quán lớn. Sau khi nghe lời 2 con, ông Tư Trung quyết định bán hết mấy miếng đất ở quê, chỉ chừa lại căn nhà nhỏ 2 vợ chồng ông đang ở. Sau khi cầm tiền tỷ trong tay, ông chia cho 2 con, hỗ trợ tụi nhỏ làm ăn.
Ông bà Tư Trung thuộc mẫu cha mẹ thương con hết mực. Từ nhỏ đến lớn chưa để tụi nhỏ vất vả cực khổ bao giờ. Khi con lớn, 2 vợ chồng lại tiếp tục lo bảy lo ba, để mong các con hạnh phúc, sung sướng. Ông Tư Trung cứ nghĩ mình lo cho con cái đầy đủ, cho tụi nhỏ tiền làm ăn, thì tụi nó yêu thương và sẽ chăm sóc lại cho ông bà khi già yếu. Thế nhưng, đó chỉ là suy nghĩ của riêng ông.
Có thời điểm, bà Tư Trung ngã bệnh, ông Tư Trung gọi điện thoại kêu 2 con về thăm và chăm lo cho mẹ thì đứa nào cũng chạy về. Nhưng ở với ông bà mới nửa buổi, 2 đứa đã vội trở lên thành phố với lý do không bỏ bê cửa hàng kinh doanh được, con cái còn nhỏ không ai chăm.
Khi ông mở lời ướm hỏi, ông bà lên thành phố ở chung chơi với cháu, các con cũng tiện bề chăm sóc lúc tuổi già bệnh đau, thì cô chị đùn đẩy qua em trai, bảo “giàu út ăn, khó út chịu”, cha mẹ là phải do con trai chăm sóc. Người em vội trả lời đốp chát, “làm chị lớn trong nhà thì chăm sóc cha mẹ già là bổn phận”…
Cảm nhận được suy nghĩ sợ nặng gánh lo cho cha mẹ của 2 đứa con, ông Tư Trung nhẹ lời bảo, chỉ nói cho vui thôi chứ không có ý định rời xa nơi “chôn nhau cắt rốn”, không muốn xa mái nhà mà ông bà đã sống mấy chục năm cuộc đời… Từ ngày đó, tuổi già của ông bà Tư Trung cứ thế mà lủi thủi, con cháu ngày càng xa dần khoảng cách tình yêu thương.
Cả nhà đều vui
Cha mẹ nào lại chẳng thương yêu con của mình. Dành mấy chục năm thanh xuân làm việc, tích cóp, có bao nhiêu của cải, tiền bạc cha mẹ làm ra, dành dụm cả đời, cũng chỉ để mai sau trao lại con cái, với khát vọng và mong muốn cuộc sống của các con sau này đỡ vất vả, khổ cực, bôn ba, bươn chải như cha mẹ.
Nhưng từ thực tế cuộc sống cho thấy, cha mẹ cũng không nên vì tình yêu thiêng liêng luôn dành cho con mà không tính toán kỹ lưỡng đường dài cho riêng bản thân mình. Một khi tuổi già dần đến, khi bệnh tật ốm đau, khi bậc sinh thành đã không còn khả năng mưu sinh, thì kinh tế có sẵn sẽ là nguồn sống, đáp ứng cho những nhu cầu rất cơ bản của con người lúc tuổi xế chiều. Vậy nên, việc chủ tâm “thủ thân”, dự trữ nguồn kinh tế riêng cho bản thân người làm cha mẹ, sẽ là giải pháp tối ưu cho cuộc sống về già, đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề của cuộc sống, tình cảm và các mối quan hệ thân thuộc trong gia đình.
Cha mẹ sống an nhiên không quỵ lụy con cái về kinh tế sẽ giúp các con đỡ nặng gánh về tinh thần và tài lực. Cha mẹ sống không lo âu về kinh tế, sống an nhàn sẽ giúp tinh thần người già được thoải mái. Khi các mối quan hệ không bị phụ thuộc vào tiền bạc, thì tình cảm sẽ dễ lên ngôi, thâm tình thêm thân thuộc, quyến luyến, cả nhà đều vui.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thu-than-post710831.html