Thu thuế bất động sản có giúp chặn giá đất tăng đột biến?

Thời gian gần đây tại nhiều địa phương giá bất động sản tăng 'đột biến' gây nên tình trạng 'sốt đất'. Theo các chuyên gia, để ngăn chặn việc này cần phải có chính sách thu thuế bất động sản thứ 2, 3…

Theo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản vừa qua của Bộ Xây dựng, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn có xu hướng tăng hơn so với năm 2019. Tuy nhiên biên độ tăng giá rất khác nhau giữa các địa phương cũng như tại từng khu vực cụ thể của mỗi địa phương. Nếu tính theo mức giá bình quân trên địa bàn cấp tỉnh/thành phố hoặc cấp huyện thì mức độ tăng giá nhà ở riêng lẻ, đất nền tại các địa phương chỉ khoảng 3-5%. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường tại một số địa phương có hiện tượng tăng giá cục bộ tại một số dự án, khu vực với mức tăng mạnh.

Đáng chú ý, tại Hà Nội, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì một số khu vực đất đai người dân quản lý trong làng xã các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức có mức giá 25 – 30 triệu/m2 tăng 50% so với năm 2019; các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 – 30% so với năm 2019.

Mới đây nhất, trong công văn của Bộ Xây dựng gửi các địa phương nhấn mạnh: tại một số địa phương đã, đang xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn tại các địa phương… để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản (quyền sử dụng đất, nhà ở chưa đảm bảo điều kiện pháp lý đưa vào kinh doanh, giao dịch,…) gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để lợi dụng trục lợi.

 Nhiều chuyên gia cho rằng cần đánh thuế bất động sản để ngăn tình trạng "sốt đất". (Ảnh minh họa)

Nhiều chuyên gia cho rằng cần đánh thuế bất động sản để ngăn tình trạng "sốt đất". (Ảnh minh họa)

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng có 4 nguyên nhân tạo nên cơn sốt đất hiện nay. Thứ nhất, các nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng tương đối thấp so với mong đợi của họ nên họ chuyển dịch kênh đầu tư sang bất động sản.

Thứ hai, trong thời gian vừa qua một số nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có lời. Khi đó, họ bắt đầu bán chứng khoán và bắt đầu sử dụng nguồn tiền đó để tìm kênh đầu tư trung dài hạn là đất đai.

Thứ ba, thời gian vừa qua có một số tỉnh, thành công bố công bố quy hoạch. Người Việt Nam từ xưa tới đây đều suy nghĩ thấy có quy hoạch đất đai sẽ tăng giá. Vì vậy họ chuyển sang đầu tư bất động sản.

Thứ tư, mặc dù dịch Covid-19 nhưng những dòng tiền của thế giới và Việt Nam đều tăng. Đáng chú ý là lượng kiều hối từ nước ngoài về Việt Nam tăng đột biến như ở Tp.HCM. Nguồn tiền đó lại sử dụng đầu tư bất động sản.

Theo ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, môi trường lãi suất thấp cũng khuyến khích các hoạt động đầu cơ vào thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và có thể tạo ra các bong bóng tài sản, tiềm ẩn bất ổn trong tương lai. Do đó, cùng với các chính sách duy trì lãi suất thấp, Chính phủ cũng cần phải có các giải pháp đồng bộ để thực hiện kiểm soát thị trường bất động sản, tránh để thị trường phát triển quá nóng.

Để ngăn chặn cơn “sốt đất”, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần tính toán đánh thuế bất động sản.

GS. Đặng Hùng Võ phân tích, tại các nước phát triển, người ta sử dụng công cụ thuế chuyển quyền theo đánh lũy tiến ở mức cao vào những trường hợp mua nhanh, bán nhanh mang tính “lướt sóng”. Họ cũng có sắc thuế riêng đánh vào giá trị đất đai tăng thêm do đầu tư của người khác mang lại. Hiện nay hệ thống thuế bất động sản của Việt Nam chưa được đổi mới, do đó chưa thể dùng công cụ thuế để cắt sốt đất. Việc người dân chuyển quyền sử dụng đất vẫn phải xác nhận đăng ký giao dịch.

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng, về đánh thuế tài sản là giải pháp lâu dài. “Chúng tôi đã kiến nghị phải có thuế điều tiết thị trường bất động sản trong đó có thuế với tài sản bất động sản thứ 2, 3. Tuy nhiên để có luật đó thì phải vài năm nữa trong khi đất thì vẫn sốt”, ông Lực nhấn mạnh.

Vì vậy theo ông Lực, trước mắt, chính quyền địa phương phải vào cuộc để chuẩn hóa thông tin về quy hoạch. Cùng với đó phải có biện pháp xử lý đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi thổi giá đất đai đặc biệt với các dự án chưa có pháp lý chắc chắn, hạn chế gây ảnh hưởng lâu dài cho các nhà đầu tư.

Ông Lực khuyến cáo các nhà đầu tư phải thận trọng, tỉnh táo xem quy hoạch có đúng không, tính pháp lý của dự án đó như thế nào để tránh rủi ro khi đầu tư.

T. Phương

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thu-thue-bat-dong-san-co-giup-chan-gia-dat-tang-dot-bien-d19929.html