Thử tìm lời giải

Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 (1949 - 2020), anh bạn trao đổi với tôi để viết một tiểu luận về đề tài thiếu nhi trong văn học, gợi tôi nhớ đến hình ảnh trẻ con gần như vắng bóng trong văn học viết trung đại Việt Nam. Tôi nói với anh điều ấy rồi tìm cách lý giải.

Thử tìm lời giải

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khinh trọng cổ kim

Một trong những đặc trưng thi pháp văn học viết trung đại Việt Nam là xu hướng sùng cổ, cảm hứng thẩm mỹ của người sáng tác thường tìm về quá khứ, lấy quá khứ làm chuẩn mực cho cái đẹp, đến mức xem quá khứ là lẽ phải – chân lý, là đạo đức tỏa sáng muôn đời, lấy kinh nghiệm của cổ nhân, của lịch sử quá khứ xa xưa làm cơ sở sáng tác, nên trong tác phẩm của họ đậm đặc những điển tích, điển cố. Họ có đối tượng công chúng độc giả riêng – những người có học, đọc sáng tác của họ phải biết những điển tích, điển cố thì mới hiểu được nội dung ý nghĩa mà người sáng tác biểu đạt, gửi gắm. Những tác phẩm của những người nổi tiếng thời trước được xem là thi tiên, thi thánh, thi thần, những người đi sau thường “tạp cổ”, lấy đó làm mực thước để học tập, vay mượn; vay mượn càng nhiều thì được xem là trình độ kiến thức uyên thâm, trước tác sang trọng. Cho nên khi đọc câu thơ trong Truyện Kiều: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” người đọc biết ngay đó là hình bóng trong câu thơ của Thôi Hộ đời Đường: “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (1), khen Nguyễn Du vận dụng thơ Thôi Hộ (2) vào câu thơ Nôm một cách tài tình, rất hay, để nói lên hoàn cảnh nỗi lòng của Kim Trọng khi trở về đến vườn Thúy. Ngày nay, vay mượn như vậy trong sáng tác mà không có chú thích xuất xứ cụ thể, rõ ràng, thì quy tội ăn cắp, đạo văn, xem đó là hành vi tồi tệ, xấu bẩn nhất.

Từ quan niệm sùng cổ, khi sống ở hiện tại, cái nhìn của họ luôn kính cẩn, tôn trọng người lớn tuổi, coi thường trẻ con. Tìm trong những tác phẩm văn học viết thời kỳ này – từ các bậc vua chúa đến các nho sĩ, ít thấy tác giả viết về trẻ con, có chăng, cũng chỉ thoáng qua, chúng là những mục đồng (đứa trẻ chăn trâu, chăn bò) trên rừng, trên ruộng, đôi khi để làm đẹp cho cảnh làng quê thêm phần thanh bình yên ả, họ gắn cho chúng cái ống sáo, cánh diều. Ngay trong tiểu thuyết thơ trứ danh đậm tính dân tộc như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Thúy Vân có chồng 15 năm vẫn không thấy nhắc đến con. Trong khi muốn làm tăng thêm nét sang trọng “đề huề lưng túi gió trăng” cho Kim Trọng, tác giả đưa vào hình ảnh mấy chú tiểu đồng, “sau chân theo một vài thằng con con”, đi theo hầu hạ, phục vụ cho anh chàng thư sinh phong lưu quý phái kia.

Chưa biết thì hỏi

Trao đổi đến đây, tôi nhớ chuyện vui hồi học lớp 11 (1972), anh bạn đưa cho tôi một bài báo, bảo đọc đi, đoán xem có phải Thúy Kiều sẩy thai không. Ngỡ anh nói đùa, không ngờ mở xem, thấy cái tít bài báo vô cùng ấn tượng, hấp dẫn, kích thích sự tò mò: Đứa con nàng Kiều. Người viết dẫn dắt để làm rõ nội dung nhan đề bài báo, nói chuyện Thúy Kiều sau bao năm lưu lạc, sống trong cảnh “Biết bao bướm lả ong lơi/ Cuộc say đầy tháng, trận cười thâu đêm/ Dập dìu lá gió, cành chim/ Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh” đến “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa”, là thực trạng sống tủi nhục của cô gái lầu xanh. Đến khi gặp và được chung sống “vợ chồng” với Thúc Sinh, nhưng nỗi lòng vẫn cứ nơm nớp không yên. Lúc Thúc Sinh về nhà thăm Hoạn Thư, chưa biết khi nào trở lại, một chuyện bất ngờ đột ngột xảy ra, là người phụ nữ, Kiều tự cảm nhận được hiện sinh lý bất thường của bản thân, “thất kinh”, dấu hiệu mang thai, tức nàng đang có chửa (Thất kinh nàng chửa biết là làm sao – câu 1644), lại không có Thúc Sinh ở bên cạnh, nên vô cùng lo lắng, “biết là làm sao” bây giờ! Anh bạn nói, rõ ràng có chửa, nhưng có thấy nhắc đến đứa con của Kiều đâu, chắc là sẩy thai. Tôi đem chuyện hỏi thầy dạy văn, thầy cười, bảo đọc hết Truyện Kiều đi. Hóa ra, Kiều “thất kinh” là hoảng sợ khi bọn tay chân của Hoạn Thư nhân lúc vắng Thúc Sinh đã đến khủng bố đốt nhà, bắt người áp tải. Bài báo ấy sau này cũng có số người nhắc lại.

Anh bạn bảo, chắc cũng cần nói điều gì đó để cho các cháu bây giờ thấy toàn thế giới đang nâng niu, bảo vệ, có một nền văn học, âm nhạc thiếu nhi riêng cho chúng.

Võ Nguyên

(1) Nguyên tác: 桃花依舊笑春風, trích bài Đề Đô thành Nam trang (題都城南莊) hay còn gọi Đề tích sở kiến xứ (題昔所見處); (2) Thôi Hộ sống ở thế kỷ VIII đời Đường – Trung Quốc, Nguyễn Du sống ở thế kỷ XVII – XVIII triều Nguyễn – Việt Nam, cách nhau 10 thế kỷ.

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/thu-tim-loi-giai-128029.html