Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp thực chất, hiệu quả hơn

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp cần tập trung vào xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế...

Sáng 28/8, Diễn đàn "Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản" đã được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững và hiệu quả chuỗi giá trị nông sản - một yếu tố cốt lõi trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam.

Xanh hóa nông nghiệp không phải gánh nặng

Phát biểu tại sự kiện, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết: "8 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trong cả nước tiếp tục có nhiều điểm sáng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu".

Tuy nhiên, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng cần nhìn nhận một thực tế là vẫn còn nhiều mặt hạn chế và thách thức nhất định cho việc phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản. Và một trong những hạn chế lớn nhất liên kết trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo.

Để khắc phục lỗ hổng trên, bà Vân cho rằng cần liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, cùng cố và phát triển các tổ chức sản xuất tập thể và các mối liên kết dọc giữa các tác nhân trong chuỗi.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam.

Ngoài ra, trước xu hướng tiêu dùng nông sản xanh và sạch của thị trường trong và ngoài nước như hiện đang đặt ra yêu cầu chuỗi giá trị nông sản phải hướng tới thúc đẩy các nông dân, HTX, doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động chuỗi của mình nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh để đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường.

Bà Vân nhận định: "Để thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp".

Về tính cấp thiết phải chuyển đổi sang hệ thống nông sản thực phẩm xanh, phát thải thấp, đồng thời, bà Vân khẳng định: "Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội. Điều này đặt ra yêu cầu cho chuỗi giá trị nông sản Việt cần góp phần tạo ra những thay đổi bền vững trong quy trình canh tác và chế biến".

Chia sẻ tại sự kiện, ông Hoàng Trọng Thủy - chuyên gia nông nghiệp chỉ ra một thực tế hiện nay, dù xuất khẩu nhiều nhưng nông dân không vui. Lý do là dù giá trị nông sản Việt Nam đóng góp cho xuất khẩu thì lớn nhưng phần thu nhận lại chưa tương xứng so với công sức người nông dân bỏ ra.

Ông Thủy cũng chỉ ra rằng, trong thời gian tới, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn phải đối diện với năm thách thức lớn như giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận tải, logistics tăng cao; chính sách nhập khẩu của các nước liên tục thay đổi; người tiêu dùng nước ngoài có xu hướng thắt chặt chi tiêu do áp lực lạm phát; thách thức đối với việc bảo đảm an ninh lương thực và suy giảm giá trị thặng dư.

Trước những thách thức nêu trên và đảm bảo sự bền vững trong chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu toàn cầu, ông Hoàng Trọng Thủy đề xuất Việt Nam cần tăng cường xuất khẩu 10 nông sản chủ lực vốn đã có thị trường ổn định. Song song với đó là cải thiện quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững, sự minh bạch trong truy xuất nguồn gốc nông sản đáp ứng yêu cầu của bên nhập khẩu.

"Đồng thời, triển khai việc thực hiện nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu nuôi sang thị trường Trung Quốc. Phát triển mạnh cơ sở hạ tầng kho bãi và hệ thống logistics, vận chuyển bằng đường sắt, đường biển. Qua đó, tăng thêm cơ hội xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường chủ lực Trung Quốc, và kết nối chặt chẽ với hệ thống thương mại biên mậu với các quốc gia trong khu vực…", ông Thủy nói.

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa hợp lý

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT một lần nữa khẳng định: "Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, mà còn đóng góp lớn vào xuất khẩu thu ngoại tệ cho đất nước".

Mặc dù vậy phát triển nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại và thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh ngày càng cao cùng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Do vậy, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, việc tiếp tục cơ cấu lại và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản là một nhiệm vụ cấp bách và cần thiết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Thứ trưởng Tiến chỉ ra rằng, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa hợp lý; năng suất và chất lượng nhiều nông sản chưa cao trong khi xu hướng tiêu dùng xanh và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.

Bên cạnh đó, phương thức sản xuất còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Hệ thống logistics và chuỗi cung ứng còn yếu kém, dẫn đến tình trạng thất thoát sau thu hoạch và chi phí sản xuất cao.

"Đặc biệt, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, gây ra nhiều hiện tượng thiên tai như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, đất đai và nước ngọt ngày càng khan hiếm và bị suy thoái. Việc sử dụng quá mức và không bền vững tài nguyên đất và nước đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp", ông Tiến nói.

Chỉ đạo các giải pháp chủ yếu phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo cần tập trung thực hiện các nội dung chủ yếu.

"Cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp thực chất, hiệu quả hơn. Trong đó, đổi mới cơ cấu cây trồng và vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chúng ta cần tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản. Các công nghệ mới như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa trong sản xuất và quản lý nông nghiệp sẽ giúp tăng năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, cần mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và quốc tế là một giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

"Chúng ta cần tập trung vào việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường", ông Tiến nói.

Xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh. Thương hiệu mạnh sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị gia tăng.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản Việt Nam. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu nông sản.

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thu-truong-bo-nnptnt-co-cau-lai-nganh-nong-nghiep-thuc-chat-hieu-qua-hon-204240828104156583.htm