Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Nếu không có hồ chứa cắt lũ, Thừa Thiên Huế sẽ ngập thêm gần 1m
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã chia sẻ như trên bên lề cuộc họp với các thành viên Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai tổ chức ngày 19/10.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên hiện có 2.332 hồ chứa, trong đó có 250 hồ chứa thủy điện, còn lại là hồ chứa thủy lợi. Nguyên tắc của các hồ chứa là tích nước vào mùa lũ để cũng cấp nước vào mùa khô. Các hồ chứa chỉ xả lũ khi lưu lượng nước về lớn.
“Về nguyên tắc, nếu nói các hồ chứa thủy điện xả lũ sẽ là không đúng nếu các hồ xả ít hơn lưu lượng về. Đó chính xác là các hồ chứa đang cắt lũ. Trong trường hợp lượng xả nhiều hơn lưu lượng về thì mới gọi là xả lũ” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Thực tế hiện nay, có 11 lưu vực sông cần thực hiện điều hành liên hồ chứa khi có lũ. Tại khu vực miền Trung có hai lưu vực sông Hương và Vu Gia - Thu Bồn. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, nếu thời gian qua các cơ quan chức năng không điều hành cắt lũ thì Thừa Thiên Huế sẽ bị ngập thêm gần 1m. Ngập lụt tại Thừa Thiên Huế được kéo giảm có một phần từ hiệu quả điều hành liên hồ chứa.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, phát triển thủy điện ở mức độ nào đó là tốt vì đây là nguồn năng lượng sạch, hiện vẫn chiếm khoảng 1/3 nguồn cung điện năng cho cả nước. Tuy nhiên, hệ quả của thủy điện có thể bị đặt dấu hỏi trong trường hợp lũ lụt. Do đó, cần có nghiên cứu khách quan khi nói về thủy điện.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định thủy điện có ảnh hưởng đến môi trường, nhưng nếu đến mùa lũ, các hồ chứa phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc quy trình tích nước - xả nước thì sẽ có ý nghĩa lớn trong cắt lũ, giảm lũ.
“Hiện nay, các thủy điện lớn đang thực hiện khá nghiêm túc quy trình vận hành, nhưng thủy điện nhỏ thì thực hiện chưa thực sự nghiêm túc. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị để khắc phục tình trạng hồ chứa nhỏ xả lũ gây ảnh hưởng đến vùng hạ du…” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.