Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị: Tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả

Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta hưởng ứng tích cực và trở thành truyền thống, thể hiện nét đẹp văn hóa, giàu tính nhân văn của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Vậy Tết trồng cây xuân Quý Mão có điểm gì mới? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Quốc Trị xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, để chuẩn bị cho Tết trồng cây năm nay, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo ngành lâm nghiệp và các địa phương như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị. Ảnh: NGUYỄN KIỂM

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị. Ảnh: NGUYỄN KIỂM

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Ngày 23-12-2022, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã ban hành Chỉ thị số 8733/CT-BNN-TCLN về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng năm 2023. Theo đó, Bộ đã chỉ đạo ngành lâm nghiệp và các địa phương thực hiện tốt việc tổ chức phát động Tết trồng cây thiết thực, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, LLVT và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Cùng với đó, Bộ NNPTNT cũng tham mưu, phối hợp với TP Hà Nội để tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” cấp quốc gia Xuân Quý Mão 2023.

PV: Chất lượng cây chúng ta đã trồng trong nhiều năm qua, đặc biệt là những năm gần đây ra sao, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Tết trồng cây đã trở thành truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta hàng chục năm qua và được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mỗi dịp xuân về. Để thực hiện hiệu quả phong trào Tết trồng cây, hằng năm Bộ NNPTNT đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trên cả nước tích cực tổ chức trồng cây, trồng rừng và đặc biệt quan tâm đến chất lượng của cây sau khi trồng. Có thể khẳng định, chất lượng trồng rừng, trồng cây phân tán ngày càng được nâng cao, cây trồng được bảo vệ và phát triển tốt.

PV: Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, kết quả như thế nào và kế hoạch năm 2023 chúng ta sẽ thực hiện ra sao, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 (690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất), trong hai năm 2021 và 2022 cả nước đã trồng mới được 450 triệu cây xanh, bao gồm: 227 triệu cây rừng trồng tập trung (tương đương 130.000ha rừng trồng mới) và 223 triệu cây xanh trồng phân tán, vượt 7,6% so với kế hoạch. Trong đó, nguồn kinh phí thực hiện từ xã hội hóa chiếm tỷ lệ tới 50%. Đây là kết quả rất tích cực, đáng khích lệ, cần được phát huy và nhân rộng trong những năm tới.

Kế hoạch năm 2023 chúng ta dự kiến trồng 216 triệu cây xanh, trong đó có 90 triệu cây trồng rừng tập trung và 126 triệu cây xanh trồng phân tán. Để thực hiện kế hoạch này, Bộ NNPTNT đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, bảo đảm tổ chức triển khai hiệu quả.

PV: Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết giảm phát ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp nói chung và lâm nghiệp nói riêng sẽ triển khai những gì để thực hiện cam kết này, thưa ông?

Cán bộ, chiến sĩ Quân khu 2 tham gia Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần 2022 tại Khu di tích Đền Hùng, Phú Thọ. Ảnh: NGUYỄN DIỆP ANH

Cán bộ, chiến sĩ Quân khu 2 tham gia Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần 2022 tại Khu di tích Đền Hùng, Phú Thọ. Ảnh: NGUYỄN DIỆP ANH

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Triển khai cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngành nông nghiệp đang xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí metan) giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2050, trong đó có mục tiêu cụ thể về giảm phát thải lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) và lâm nghiệp, sử dụng đất.

Riêng đối với ngành lâm nghiệp cần tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp, Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia, các chương trình, đề án của ngành, đồng thời thúc đẩy triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, như: Tổ chức triển khai Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng kế hoạch giảm phát thải ngành NNPTNT, trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp với mục tiêu giảm phát thải, tăng hấp thụ carbon rừng, đồng thời đưa ra các giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện. Lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp nhằm giảm phát thải và tăng hấp thụ carbon rừng trong triển khai chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Đồng thời, xây dựng và triển khai một số dự án giảm phát thải và tăng hấp thụ carbon rừng để huy động nguồn tài chính bổ sung cho ngành lâm nghiệp đầu tư vào bảo vệ, phát triển rừng; hạn chế tình trạng lấn chiếm đất rừng; góp phần tăng thu nhập; xóa đói, giảm nghèo; ổn định sản xuất; góp phần hình thành thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon thế giới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thu-truong-bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-nguyen-quoc-tri-to-chuc-tet-trong-cay-phai-thiet-thuc-hieu-qua-717342