Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc làm việc với tỉnh Tiền Giang

(ABO) Chiều 17-11, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đến làm việc với tỉnh Tiền Giang.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; đồng chí Phạm Công Hùng, Giám đốc Sở Tư pháp; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiến Giang Phạm Công Hùng cho biết: Trong năm 2023, công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ, HĐND tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh và Chương trình công tác tư pháp của Bộ Tư pháp, đặc biệt là các nhiệm vụ được xác định trong Quyết định 48/QĐ-BTP ngày 17-1-2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Kế hoạch hành động 20/KH-UBND ngày 19-1-2023 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6-1-2023 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023.

Quang cảnh buổi làm việc.

Ngay từ những tháng đầu năm 2023, Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang đã chủ động tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề về công tác pháp chế (các lĩnh vực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL); quản lý vi phạm hành chính) nhằm làm rõ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, nhất là các hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, PBGDPL, quản lý vi phạm hành chính trong thời gian tới.

Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đúng quy định. Qua đó, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn địa phương. Ngành Tư pháp cũng tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tập trung vào lĩnh vực phức tạp. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật, đảm bảo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.

Các sở, ngành tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi làm việc.

Tiền Giang tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình PBGDPL đã có như lồng ghép Ngày Pháp luật với các hoạt động góp vốn xoay vòng, sinh hoạt đờn ca tài tử, sinh hoạt dưới cờ ở các trường học, các hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, sinh hoạt văn nghệ, sinh hoạt cơ sở thờ tự... Ngoài ra, Hội đồng phối hợp PBGDPL còn hướng dẫn nhân rộng thêm một số mô hình như “Mô hình PBGDPL qua máy phát thanh di động; Mô hình “Hòm thư nhà trọ nói không với ma túy”; Mô hình “Tuyên truyền, cảm hóa, phổ biến pháp luật cho người chưa thành niên (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) vi phạm pháp luật”.

Công tác hòa giải ở cơ sở được Sở Tư pháp, các địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.036 tổ hòa giải, với 6.650 hòa giải viên được bố trí đều khắp các địa bàn ấp, khu phố, cụm dân cư trong tỉnh. Trong năm 2023, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 683 vụ việc, trong đó hòa giải thành 635 vụ việc, đạt 92,97% (tăng 1,2% so với cùng kỳ).

Các sở, ngành tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi làm việc.

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, đăng ký giao dịch bảo đảm. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 19.507 trường hợp (cấp huyện: 89 trường hợp; cấp xã: 19.418 trường hợp), giảm 52.908 trường hợp so với cùng kỳ; khai tử cho 10.973 trường hợp (cấp huyện: 16 trường hợp, cấp xã: 10.957 trường hợp), giảm 3.124 trường hợp so với cùng kỳ; đăng ký kết hôn cho 12.112 trường hợp (trong đó có 325 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài), giảm 1.206 trường hợp so với cùng kỳ. Phòng Tư pháp và UBND cấp xã đã thực hiện chứng thực 336.435 việc.

Bên cạnh những thành tích đạt được, công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng còn những hạn chế nhất định. Từ đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp công tác tư pháp địa phương đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Thành viên Đoàn công tác Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh cũng trình bày nhiều ý kiến liên quan đến việc phối hợp thực hiện các mặt công tác của ngành Tư pháp tại địa phương. Đồng thời nêu rõ những khó khăn thực tế tại địa phương để nhờ Bộ và các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ phối hợp tháo gỡ. Các thành viên trong đoàn công tác đánh giá cao những kết quả công tác tư pháp của tỉnh đã đạt được. Đồng thời, có những thông tin phản hồi, giải thích và cung cấp thêm thông tin đối với những vấn đề địa phương kiến nghị.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đến công tác tư pháp vì công tác tư pháp có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền. Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị 07 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp. Công tác này góp phần rất lớn trong việc ổn định xã hội và phát triển kinh tế địa phương, trong đó, vai trò nòng cốt, quan trọng nhất là Sở Tư pháp.

Thành viên Đoàn công tác Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc.

Qua đó, nhiều năm qua kết quả hoạt động của ngành Tư pháp Tiền Giang đạt được những kết quả ấn tượng. Đặc biệt, Sở đã làm tốt công tác tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh trong việc thẩm định các văn bản pháp luật. Đối với những khó khăn, vướng mắc của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp hỗ trợ tháo gỡ, đồng thời phối hợp, tác động với các bộ, ngành, tham mưu Trung ương có biện pháp tháo gỡ kịp thời để góp phần thúc đẩy hiệu quả công tác tư pháp tại địa phương…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả đạt được của tư pháp Tiền Giang trong thời gian qua. Để đạt được kết quả đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đồng thời có sự cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hơn nữa đối với công tác tư pháp, đặc biệt là công tác cán bộ, nâng cao năng lực, chuyên môn, đạo đức, trách nhiệm của cán bộ tư pháp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tặng quà cho 3 công chức Tư pháp - Hộ tịch của tỉnh Tiền Giang có hoàn cảnh khó khăn.

Đối với các ngành cần phối hợp thực chất, hiệu quả, tạo điều kiện cho ngành Tư pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với các ngành nghề tư pháp cần đảm bảo công tác hành nghề; Hội Luật gia, Đoàn Luật sư… nâng cao vai trò, trách nhiệm, cần phối hợp tốt với Sở Tư pháp. Đối với ngành Tư pháp cần tiếp tục vượt khó, nâng cao nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị… Các bộ, ngành trung ương sẵn sàng hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp ghi nhận các kiến nghị của Tiền Giang sẽ có đề xuất, tham mưu với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ.

Chụp ảnh lưu niệm.

Dịp này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã trao tặng 3 phần quà cho cán bộ, công chức Tư pháp - Hộ tịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có hoàn cảnh khó khăn.

LÊ PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202311/thu-truong-bo-tu-phap-nguyen-khanh-ngoc-lam-viec-voi-tinh-tien-giang-996060/