Thứ trưởng Bộ Y tế: Đẩy nhanh xây dựng Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu Quảng Nam
Làm việc với tỉnh Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh nguồn dược liệu tại địa phương là tài nguyên quý cho công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội, do đó tỉnh cần đẩy nhanh xây dựng Đề án phát triển và hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu Quảng Nam.
Ngày 3/10, tại Quảng Nam, đoàn công tác liên Bộ do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan về phát triển dược liệu và công tác y tế trên địa bàn.
Tiềm năng dược liệu phong phú
Báo cáo của tỉnh Quảng Nam về kết quả thực hiện các chương trình, đề án phát triển dược liệu thời gian qua cho biết, tổng diện tích cây dược liệu được thống kê trên địa bàn là 2.471 ha, trong đó chủ yếu là các huyện miền núi của tỉnh. Do đó, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách để bảo tồn, khuyến khích phát triển ở khu vực này.
Đánh giá của Viện Dược liệu cho biết, Quảng Nam có trên 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó 36 loài cây thuốc hiện nằm trong "Sách đỏ Việt Nam". Những loại dược liệu quý được phát hiện như: Sâm Ngọc Linh, Ngũ vị tử, Ba kích, Đảng sâm, Giảo cổ lam, Sa nhân, Hoằng đắng, Cẩu tinh, Lan Kim tuyến, Đại hồi, Màng tang…
Về cây Sâm Ngọc Linh, ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, tỉnh đã quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh với diện tích 15.567 héc ta. Ngoài ra, đang nghiên cứu trồng di thực sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh. Các công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây sâm Ngọc Linh cũng được Quảng Nam rất quan tâm.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, Quảng Nam dự kiến ngày 15/10 tới đây sẽ có đề cương Đề án hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu Quảng Nam. Đề án tập trung vào việc phải xây dựng được cơ chế để đem lại sức bật cho doanh nghiệp và người dân.
Lãnh đạo Quảng Nam cũng cho biết, tỉnh có rất nhiều cơ chế ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển công nghiệp dược liệu, đặc biệt với sâm Ngọc Linh. Cùng với đó, logistics và cảng biển tại Quảng Nam là điều kiện phát triển thuận lợi đối với doanh nghiệp.
Gắn phát triển các vùng dược liệu với du lịch
Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện Cục Y Dược cổ truyền cho biết, trong thời gian qua, Cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh trong việc quy hoạch đánh giá vùng trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, về phía tỉnh cũng cần đẩy nhanh hơn việc triển khai các nội dung để sớm có đề cương Đề án hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu Quảng Nam.
Bà Phan Thúy Hiền, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu cho hay, thời gian qua, Viện đã phối hợp với Cục Y Dược cổ truyền, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Các Sở, ngành liên quan của Quảng Nam rà soát lại danh mục cây thuốc có giá trị y tế và kinh tế cao để có những định hướng phù hợp.
"Trên kinh nghiệm của Viện, chúng tôi cho rằng trong danh mục cây thuốc của Đề án nên chia thành 2 nhóm, trong đó nhóm 1 tập trung đến năm 2030 trong đó là các loại cây có thể phát triển quy mô thương mại luôn, nhóm 2 sau năm 2030 là những cây có thể bảo tồn, nuôi trồng... Trong đề án này cũng phải nêu rõ đầu ra để sản phẩm cây dược liệu trồng ra đều được thu mua, sử dụng…"- bà Hiền nói.
Tại cuộc làm việc này, đại diện Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng nhấn mạnh, việc tỉnh cần gắn phát triển các vùng dược liệu với du lịch, sử dụng dược liệu để xây dựng các sản phẩm kết nối chăm sóc sức khỏe bằng dược liệu với du lịch. Để làm được phải có sự gắn kết cả '4 nhà': Y tế, nông nghiệp phát triển nông thôn, văn hóa thể thao và du lịch, thông tin và truyền thông.
Chậm nhất đến 31/12 phải hoàn thiện, trình Đề án hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu Quảng Nam
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ trong thông báo 135 của Văn phòng Chính phủ có truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng về việc đồng ý chủ trương nghiên cứu Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam, trong đó lấy Sâm Ngọc Linh làm chủ lực, Bộ Y tế đã tổ chức đoàn công tác liên bộ để làm việc với Quảng Nam nhằm khẩn trương xây dựng và ban hành được Đề án này.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, tiến độ xây dựng Đề án hiện còn khá chậm, do đó yêu cầu Quảng Nam cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, tại danh mục các cây dược liệu chủ lực của tỉnh trong Đề án, phải lấy cây Sâm Ngọc Linh làm chủ lực, đồng thời tỉnh cũng cần nghiên cứu thêm ý kiến góp ý của PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm về việc đưa cây quế Trà Mi bổ sung vào danh mục cây dược liệu.
Tỉnh Quảng Nam đã giao Sở NN&PTNT làm đầu mối, về phía Bộ Y tế giao Cục Y dược cổ truyền làm đầu mối phối hợp để lập Ban Chỉ đạo, tổ biên tập, xây dựng đề cương Đề án, thảo luận, xin ý kiến chậm nhất đến ngày 31/12 phải hoàn thiện, trình Đề án hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu Quảng Nam.
Khi xây dựng Đề án phải lưu ý vấn đề quy hoạch sử dụng đất; Lưu ý nguồn lao động tại chỗ và vấn đề hỗ trợ về giống và khoa học kỹ thuật; đồng thời xác định phạm vi quy mô của Đề án, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên...
"Chúng tôi cũng nghe các ý kiến từ phía đoàn công tác và phía tỉnh cho rằng có những khó khăn trong thực hiện xây dựng và trình Đề án theo tiến độ, tuy nhiên khó cũng phải quyết tâm làm, trong quá trình triển khai cái gì khó thì các bên liên quan cùng tháo gỡ. Có quyết tâm thì chúng ta mới làm được"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.