Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi lan tỏa thông điệp 'hiến giác mạc - hành động nhỏ mang giá trị lớn lao'
Hôm nay, 13/6, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 ra mắt Ngân hàng mô và chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người và trở thành cơ sở y tế tư nhân đầu tiên thành lập Chi hội. Dịp này, Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi lan tỏa thông điệp 'Hiến giác mạc - một hành động nhỏ nhưng mang giá trị lớn lao'.
Đây là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ phát động "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" vừa qua.
Hoạt động kịp thời nâng cao nhận thức người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của hiến tặng mô, tạng, giác mạc
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn biểu dương và đánh giá cao tinh thần hưởng ứng của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã tổ chức Lễ ra mắt Ngân hàng mô, thành lập Chi hội vận động hiến tạng thuộc Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Lễ phát động đầy nhân văn này.
"Đây là những hành động hết sức đúng đắn và kịp thời, nhằm đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hiến tặng mô, tạng, giác mạc"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói và cho biết: Hàng ngàn người bệnh đang chờ đợi một cơ hội để được nhìn thấy ánh sáng trở lại, để có thể tự mình đọc sách, ngắm nhìn gương mặt người thân, hay đơn giản chỉ là thấy được những sắc màu của cuộc sống.
Trong số đó, có không ít trẻ em, những mầm non tương lai của đất nước, đang ngày ngày mong mỏi một phép màu để có thể được học tập, vui chơi như bao bạn bè đồng trang lứa.
GS.TS Trần Văn Thuấn nhận định, hiến giác mạc là một hành động cao cả, mang lại ánh sáng và hy vọng cho những người không may mất đi thị lực.
Khi một người qua đời, nếu giác mạc của họ được hiến tặng, có thể sẽ mang lại ánh sáng cho hai người khác. Đây là một hành động nhân ái, góp phần mang lại sự sống mới cho những người bệnh. Bằng cách hiến giác mạc, chúng ta không chỉ giúp đỡ người bệnh, mà còn để lại một di sản quý giá cho cuộc đời, biến sự ra đi của mình trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết"- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Nhân sự kiện này, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn kêu gọi mọi người hãy lan tỏa thông điệp Hiến giác mạc – một hành động nhỏ, nhưng mang lại giá trị lớn lao, để mỗi người trong chúng ta đều trở thành một tấm gương sáng, góp phần mang lại ánh sáng và niềm hy vọng cho những người bệnh đang cần được ghép giác mạc.
Thêm cơ hội cho người mù lòa được ghép giác mạc sớm
Với việc thành lập Ngân hàng Mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2 được tiếp nhận, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển giác mạc, màng ối; Cung ứng giác mạc, màng ối cho các cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học; Cung ứng trao đổi mô mỡ, mô dây rốn và các ngân hàng mô khác; Hợp tác với các cơ quan quản lý, tổ chức cá nhân nước ngoài trong việc trao đổi giác mạc, màng ối, nhằm mục đích khám bệnh, chữa bệnh, đào tạo và nghiên cứu y học.
Bên cạnh đó, ngay sau khi được thành lập, Chi hội vận động hiến mô, tạng Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2 đã tổ chức phát động trong cán bộ, nhân viên y tế và kêu gọi người dân đăng ký online qua địa chỉ www.eyebank.vn. Đây cũng là chi hội vận động hiến mô tạng có nhiều hội viên nhất hiện nay với 136 người.
Thống kê của Bộ Y tế, hiện nay chuyên khoa mắt có 10 đơn vị có ngân hàng mô/giác mạc trên cả nước. Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 là bệnh viện tư nhân đầu tiên được Bộ Y tế cho phép thực hiện công tác tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ và tiến tới điều phối mô/giác mạc.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết: "Kỹ thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đã đạt trình độ tiên tiến, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo, nhưng lượng hiến giác mạc chỉ đáp ứng số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.
Tại Bệnh viện Mắt TW, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc gần 1.000 người, con số này ngày càng tăng. Vì vậy, việc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 ra mắt Ngân hàng mô và Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng số giác mạc được hiến, giúp cho nhiều người bệnh tìm được ánh sáng.
Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã đi đầu trong những lĩnh vực mang tính nhân văn cho xã hội đó là thành lập Ngân hàng Mô cũng như thành lập Chi hội vận động hiến mô tạng để cứu người".
Đây là một hoạt động vừa mang tầm nhìn xa và rộng của ban lãnh đạo bệnh viện để phát triển ngang tầm với khu vực và thế giới trong lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật cao của ghép giác mạc, đồng thời cũng mang ý nghĩa nhân văn, vận động mọi người cho đi là còn mãi, hiến giác mạc nói riêng và hiến mô, bộ phận cơ thể người nói chung theo như lời phát động của Thủ tướng Chính phủ"- PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
PGS.TS. Hoàng Thị Minh Châu - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết hiện nước ta có khoảng hơn 30.000 người bị mù do các bệnh về giác mạc, trong đó một nửa bị mù cả 2 mắt.
Tại Việt Nam, phẫu thuật ghép giác mạc được thực hiện lần đầu tiên từ năm 1950 nhưng số lượng rải rác do nguồn giác mạc hiếm hoi. Mới đây, Ngân hàng mắt tại Bệnh viện Mắt TW ra đời đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển của phẫu thuật ghép giác mạc, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu cần ghép giác mạc của hàng vạn người bệnh.
"Nhằm san sẻ sự quá tải trong hệ thống công lập, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã mạnh dạn đầu tư xây dựng phát triển lĩnh vực ghép giác mạc để góp phần cứu chữa những người bệnh giác mạc" - PGS.TS. Hoàng Thị Minh Châu thông tin.
Đặc biệt, buổi lễ có sự xuất hiện của chị Nguyễn Trần Thùy Dương - mẹ bé Nguyễn Hải An (7 tuổi) qua đời năm 2018 vì bệnh ung thư và đã hiến giác mạc để 2 người mù tìm lại được ánh sáng.
Trong niềm xúc động, chị Dương chia sẻ: "Con gái tôi, bé Hải An đã ra đi 6 năm. Trước khi mất, tâm nguyện của Hải An là hiến tặng một phần cơ thể của mình cho những bệnh nhân đang cần, đang chờ được cấy ghép. Nhờ nguyện ước của con, hai người mù đã tìm thấy ánh sáng, đồng thời, bản thân tôi cũng đã tìm thấy món quà con để lại chính là được gặp lại con theo một cách đặc biệt nhất.
Điều đó đã thay đổi cuộc sống của tôi từ trong nỗi đau đến niềm hạnh phúc, khiến tôi tin rằng con vẫn đang ở bên mình và cảm nhận được sự sống hồi sinh nếu chúng ta có thể vượt qua nỗi đau để chấp nhận cho đi".
Chị Dương bây giờ đã trở thành một cán bộ của Ngân hàng mô và chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người- Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 say mê công việc truyền thông, vận động mọi người cùng hành động cao đẹp: đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người với thông điệp "cho đi là còn mãi"...