Thứ trưởng Bộ Y tế: Nghiên cứu cải tiến bộ đồ bảo hộ để nhân viên y tế làm việc tốt hơn
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Bộ Y tế cũng đã yêu cầu cụ thể về thời gian tiến hành lấy mẫu và có hướng nghiên cứu để cải tiến bộ đồ bảo hộ, để các nhân viên làm việc hiệu quả hơn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế vẫn đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu để bảo vệ các lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19. Chứng kiến các lực lượng lấy mẫu xét nghiệm mặc bộ đồ bảo hộ kín dưới điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu cụ thể về thời gian tiến hành lấy mẫu và có hướng nghiên cứu để cải tiến bộ đồ bảo hộ, để các nhân viên làm việc hiệu quả hơn.
PV: Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài tại tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh thành lân cận, việc đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt là các lực lượng y tế thực hiện nhiệm vụ ở ngoài trời phải mặc quần áo bảo hộ theo đúng quy định phòng dịch đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vất vả khi đi làm nhiệm vụ. Vậy Bộ Y tế có đề ra những giải pháp nào để bảo đảm an toàn cũng như sức khỏe cho đội ngũ y tế này không thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt ở tỉnh Bắc Giang đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cá nhân viên y tế, các em học sinh, sinh viên làm việc trực tiếp ngoài cộng đồng. Đây là quan ngại hết sức lớn của Bộ phận thường trực, làm sao để đảm bảo sức khỏe cho các lực lượng đang tham gia phòng chống dịch COVID-19 tại Bắc Giang.
Chúng tôi đã có một số chỉ đạo với các đoàn công tác. Thứ nhất, phải đảm bảo sức khỏe, bồi dưỡng dinh dưỡng và sẵn sàng một số loại nước uống để lực lượng y tế nâng cao sức khỏe. Bên cạnh đó, về thời gian lấy mẫu ở cộng đồng, chúng tôi đã yêu cầu các đoàn bố trí thực hiện từ sáng sớm đến 9h và từ 19-21h đêm. Các điểm lấy mẫu cũng phải được bố trí ở những vùng râm mát, có thông khí, có quạt và đầy đủ ánh sáng vào ban đêm, để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho công tác lấy mẫu.
PV: Vừa qua, có một số ý kiến trao đổi rằng liệu nhân viên y tế, đặc biệt đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm, làm việc ở tại cộng đồng có nhất thiết phải mặc bộ quần áo bảo hộ như vậy không? Ý kiến của Ông như thế nào? Và liệu Bộ Y tế có những sáng kiến, ứng dụng công nghệ giải quyết vấn đề giảm nhiệt khi mặc các đồ bảo hộ này không?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Quan điểm của Bộ Y tế đến giờ phút này vẫn là đặt tiêu chí an toàn cho người đi lấy mẫu lên hàng đầu. Từ trước đến nay, tất cả các nhân viên đi lấy mẫu xét nghiệm đều được trang bị bộ đồ bảo hộ, đảm bảo an toàn. Với các ý kiến cho rằng không cần thiết phải mặc bộ bảo hộ này, thì chúng tôi sẽ lưu ý và sẽ có nghiên cứu.
Tuy nhiên, trong diễn biến dịch hiện tại, nếu bỏ bộ bảo hộ thì chúng ta sẽ mất vũ khí bảo vệ cho các nhân viên y tế. Bên cạnh đó, chúng tôi đã đề nghị với Viện Vệ sinh lao động nghiên cứu để có thể có bộ thổi khí từ bên ngoài vào trong bộ đồ bảo hộ, để giúp làm giảm nhiệt bên trong trang phục. Trong ngày hôm nay (1/6), chúng tôi sẽ triển khai một số thử nghiệm, sau đó sẽ triển khai rộng rãi trong công tác lấy mẫu, đặc biệt đảm bảo cho các nhân viên y tế tại các khu vực thu dung điều trị và bộ phận hồi sức.
PV: Xin Thứ trưởng thông tin cụ thể về hoạt động của lực lượng y tế được điều động về hỗ trợ tại tỉnh Bắc Giang cho đến hôm nay?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Từ đầu mùa dịch tại tỉnh Bắc Giang, từ 7/5/2021 đến nay, Bộ Y tế và các địa phương đã ngay lập tức điều động các lực lượng y tế đến hỗ trợ ngành y tế tỉnh Bắc Giang trong công tác giám sát, thu dung điều trị và kiểm soát dịch tại các KCN và trên toàn tỉnh Bắc Giang.
Đến nay, Bắc Giang là một trong những tỉnh được huy động lực lượng y tế đến hỗ trợ lớn nhất kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, với 4 làn sóng dịch. Đến nay, chúng tôi đã đón 2.200 y bác sĩ, các sinh viên và tình nguyện viên tới hỗ trợ Bắc Giang. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã được thành lập từ ngày 18/5/2021 đến nay và chúng tôi rất tự hào vì đã góp phần giúp Tỉnh ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Sở Y tế tỉnh Bắc Giang trong các hoạt động chỉ đạo điều hành, đặc biệt liên quan đến các vấn đề giám sát dịch tễ. Bộ cũng đã cữ những chuyên gia giỏi nhất về điều trị tới Bắc Giang, để xây dựng những khu hồi sức. Bên cạnh đó, lực lượng y tế các tỉnh cũng tới chi viện và tham gia vào công tác thu dung, điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó, một công tác vô cùng quan trọng và phải thực hiện thần tốc là lấy mẫu xét nghiệm, chúng tôi cũng đã điều phối được các lực lượng sinh viên, học sinh và các lực lượng y bác sĩ đến các khu vực cần khoanh vùng, dập dịch sớm.
Tôi đánh giá rất cao sự hợp tác của UBND tỉnh Bắc Giang thông qua các Tiểu ban đã thành lập, theo đó, đã có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế. Sự phối hợp này đã đem lại hiệu quả làm việc và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch tại Bắc Giang đã nâng lên một bước rõ rệt./.