Thứ trưởng Bộ Y tế nói gì về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học?

Công tác bảo vệ sức khỏe của học sinh và bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung, bảo đảm an toàn thực phẩm trong các trường học luôn được Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo...

Công tác bảo vệ sức khỏe của học sinh và bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học luôn được quan tâm

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ Chính phủ tháng 11/2022 diễn ra cuối giờ chiều ngày 1/12, trả lời câu hỏi "Vừa qua vụ việc ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang đã dấy lên nỗi lo lắng về chất lượng thực phẩm trong các trường học. Xin cho biết các cơ quan chức năng đã tiến hành rà soát, kiểm soát chất lượng bữa ăn trong các cơ sở giáo dục chưa? Kết quả thế nào? Giải pháp để bảo đảm an toàn dinh dưỡng cho học sinh?" PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết:

Công tác bảo vệ sức khỏe của học sinh và bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung, bảo đảm an toàn thực phẩm trong các trường học luôn được Chính phủ, Quốc hội quan tâm chỉ đạo.

Năm 2010 Quốc hội đã ban hành Luật An toàn thực phẩm và Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn để thi hành Luật; Năm 2016 Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 13 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó đã quy định trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm là người đứng đầu đơn vị, cụ thể là hiệu trưởng nhà trường.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương -Thứ trưởng Bộ Y tế làm rõ những vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học - Ảnh: VGP/Quang Thương

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương -Thứ trưởng Bộ Y tế làm rõ những vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học - Ảnh: VGP/Quang Thương

Năm 2020, Thủ tướng Ban hành Chỉ thị số 17 về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại các tuyến cơ sở.

Đối với các Bộ, ngành, từ năm 2008 Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư liên tịch số 08 hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở giáo dục; Năm 2016 tiếp tục ban hành thông tư Liên tịch số 13 quy định về công tác y tế trường học.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1246 năm 2017 về hướng dẫn thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống, cũng như hướng dẫn chuyên môn khác. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng luôn yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, thanh tra theo hướng dẫn của Bộ.

"Như vậy, chúng ta thấy đã có những quy định rất rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể; quy định về điều kiện vật chất, trang thiết bị, người thực hiện chế biến, nguồn nước, thực phẩm… Căn cứ vào những quy định này, Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương triển khai, kiểm tra, đánh giá"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.

Hàng năm Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn về phòng, chống ngộ độc đối với bếp ăn nhà trường với sự tham gia của các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm địa phương, đại diện ngành giáo dục và đại diện các trường học có bếp ăn tập thể.

Các địa phương hàng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát trong nhà trường. Ví dụ như Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội từ đầu năm 2022 đến nay đã tiến hành kiểm tra hơn 200 bếp ăn tập thể; Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM trong năm 2021-2022 đã tiến hành kiểm tra 3.939 bếp ăn tại trường học.

Giải pháp nào để đảm bảo an toàn thực phẩm trường học trong thời gian tới?

Đối với vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường iSchool Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đã khẩn cấp cử những chuyên gia đầu ngành về chống độc, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân; Bộ Y tế cũng đã có công văn chỉ đạo Sở Y tế tập trung cứu chữa bệnh nhân, đình chỉ bếp ăn, điều tra xác định nguyên nhân…

Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra hồ sơ và phác đồ điều trị bệnh nhân ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường iSchool ngay trong đêm 21/11

Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra hồ sơ và phác đồ điều trị bệnh nhân ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường iSchool ngay trong đêm 21/11

Đồng thời, Bộ Y tế cũng có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát đối với bếp ăn tập thể tại trường học; Yêu cầu kiên quyết không để các bếp ăn không đảm bảo trong trường học; xử lý nghiêm các sai phạm.

Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học trong thời gian tới cụ thể như sau:

- Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo ngành giáo dục, các đơn vị chức năng liên quan trên địa bàn tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc chấp hành Luật, Nghị định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; các quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.

- Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm với ngành giáo dục và hội cha mẹ học sinh trong việc giám sát việc thực hiện các quy định, bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn trường học, giám sát ngay từ nguồn cung cấp nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm an toàn cho các trường học cũng như giám sát quá trình chế biến tại các bếp ăn trường học; kiên quyết không sử dụng nguyên liệu, sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc nghi ngờ không bảo đảm an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

- Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật.

Thái Bình - Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thu-truong-bo-y-te-noi-gi-ve-cong-tac-dam-bao-an-toan-thuc-pham-trong-truong-hoc-169221201200550685.htm