Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: 'Nhiệm vụ của Tư pháp Bình Định rất quan trọng trong sự phát triển của Tỉnh'
Ngày 3/6, Đoàn Công tác Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Bình Định về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác Tư pháp 5 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện công tác tư pháp trong những tháng tiếp theo cuối năm 2022 ...
Nhiều nỗ lực từ công tác chuyên môn, thi đua và xây dựng ngành
Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể Đảng ủy Sở, Lãnh đạo Sở Tư pháp trong việc triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chuyên môn, công tác thi đua, công tác xây dựng ngành được đánh giá là thực hiện một cách thống nhất, tập trung, xuyên suốt; quan tâm, đổi mới cách làm hay, sáng tạo; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn ở cơ sở, phát huy dân chủ và giữ vững kỷ cương, kỷ luật lao động…
Qua kết quả theo dõi cũng như báo cáo, Đoàn Công tác ghi nhận những nỗ lực mà Sở Tư pháp Bình Đình đã làm được. Trong đó, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch, chỉ thị, kết luận triển khai các nhiệm vụ công tác tư pháp bám sát chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và 9 nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2022 của Bộ.
Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL tiếp tục được quan tâm, thực hiện đồng bộ; thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành đúng trình tự, thủ tục theo quy định, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội; Nội dung tham mưu, thẩm định đạt chất lượng, nhiều ý kiến của cơ quan thẩm định được đánh giá cao, được các sở, ban ngành tin tưởng, tìm đến tham khảo ý kiến pháp lý (Trong 05 tháng đầu năm đã tham mưu ban hành 142 VBQPPL, thẩm định 53 dự thảo VBQPPL, góp ý 67 dự thảo VBQPPL).
Về công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực tư pháp liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp được chú trọng, tăng cường; thường xuyên có kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc cho đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp xử lý các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được duy trì tốt.
Công tác PBGDPL, TGPL có nhiều đổi mới, sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa lý, dân cư của Tỉnh. Công tác TGPL được UBND quan tâm, triển khai thực hiện đạt hiệu quả, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được TGPL (trong 06 tháng đầu năm đã thực hiện được số lượng lớn với 639 vụ việc).
Công tác quản lý nhà nước về XLVPHC được quan tâm, chú trọng phối hợp liên ngành để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về XLVPHC trên địa bàn tỉnh; kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý đối với nhiều vụ việc vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nổi cộm, được dư luận quan tâm (như đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường…).
Riêng về kết quả thực hiện Đề án 06, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu UBND tỉnh Bình Định kịp thời trang bị máy tính có cấu hình phù hợp trang bị cho 11 Phòng Tư pháp cấp huyện và 159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định để trước khi triển khai phần mềm hộ tịch dùng chung và việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, số hóa Sổ hộ tịch, triển khai thực hiện Đề án 06. Sở Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo Phòng Tư pháp cấp huyện, Công chức Tư pháp - Hộ tịch các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định trong công tác phối hợp với cơ quan Công an và các cơ quan khác có liên quan trong việc đăng ký, thống kê hộ tịch (đặc biệt là khai sinh, khai tử), trong đó tập trung vào công tác phối hợp giữa cơ quan Tư pháp, công an trong quá trình thu thập dữ liệu xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia; phối hợp xác minh, thực hiện các việc đăng ký hộ tịch có liên quan (đăng ký lại khai sinh, bổ sung hộ tịch…); việc rà soát, đối chiếu dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch và Cơ sở dữ liệu dân cư.
Đặc biệt, tại buổi làm việc, Thứ trưởng cũng như các thành viên Đoàn công tác đã gợi mở, khuyến khích cán bộ Sở Tư pháp cùng thảo luận, trao đổi thẳng thắn về những điểm còn hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các mặt công tác Tư pháp trên địa bàn Tỉnh…
Tập trung làm tốt vai trò, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của Tỉnh
Trước khi giải đáp những ý kiến cũng như kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh có những chia sẻ đầy thấu hiểu. Thứ trưởng cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của công tác tư pháp của Bình Định đã có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, bám sát chương trình hành động của Bộ, ngành Tư pháp, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, qua đó đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của Tỉnh. Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng xin ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Sở Tư pháp tỉnh Bình Định trong thời gian.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh khẳng định, trong bối cảnh Bình Định là tỉnh đang có sự phát triển về mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, thu hút nhiều dự án đầu tư, nhiệm vụ của các cơ quan Tư pháp Bình Định vô cùng quan trọng. Chính vì thế, Thứ trưởng đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Bình Định tập trung làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể, tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, kết luận của Đảng liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Sở Tư pháp cần chủ động rà soát những quy định có nội dung mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn địa phương để đề xuất sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp…
Tiếp tục chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế, tham mưu, giúp UBND, HĐND chú trọng các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu xử lý các vấn đề pháp lý, kể cả các quyết định hành chính, việc xử lý các sự kiện pháp lý ở địa phương nhất là các lĩnh vực liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư kinh doanh, phòng ngừa các tranh chấp quốc tế khi trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Bình Định là tỉnh thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước về XLVPHC. Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác này, Thứ trưởng đề nghị Sở cần chủ động tham mưu, giúp UBND tỉnh tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính và chùm hơn 30 Nghị định sửa đổi, bổ sung gần 80 Nghị định quy định chi tiết về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là trong hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên, đấu giá viên; nâng cao trách nhiệm, vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực luật sư, công chứng; nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân, không để xảy ra sai sót.
Sở Tư pháp cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp. Chủ động hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở trong quá trình đăng ký hộ tịch. Thực hiện tốt Đề án cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính. Chú trọng phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động với các cơ quan tố tụng tại địa phương, chủ động phối hợp các cơ quan liên quan bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật và nhân lực tham gia phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Về tổ chức thực hiện Đề án 06, cần mạnh công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Quyết định số 06/QĐ-TTg, nhất là những nhiệm vụ được giao cho ngành Tư pháp trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số. Tăng cường kiểm tra, rà soát, bảo đảm tất cả các sự kiện hộ tịch (đặc biệt đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử) được đăng ký đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật hộ tịch và cập nhật kịp thời trên Phần mềm dùng chung của Bộ. Việc số hóa, điều chỉnh, sửa chữa, hủy bỏ thông tin, dữ liệu hộ tịch điện tử phải được thực hiện theo quy định pháp luật về hộ tịch.
Ngoài ra, Sở Tư pháp cần tích cực tham mưu cho Tỉnh quan tâm kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ tư pháp, pháp chế; tăng cường biên chế cho Sở, Phòng Tư pháp và Tư pháp hộ tịch cấp xã, đáp ứng được yêu cầu công việc. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã (tham mưu UBND chỉ đạo các cấp chính quyền chỉ bố trí cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công tác tư pháp, hộ tịch).