Thứ trưởng GD&ĐT: 'Tuyệt đối không được ép tiến độ chấm thi'
Theo Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, các hội đồng chấm thi cần kiểm soát tiến độ một cách chặt chẽ nhưng tuyệt đối không được ép tiến độ, không làm qua loa, đại khái gây ra sai sót.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu chấm thi nghiêm túc, công bằng, ghi nhận nỗ lực của thí sinh. Ảnh: Moet.
Ngày 3/7, Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại tỉnh Ninh Bình - đơn vị mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam từ ngày 1/7.
Sau khi kiểm tra, thứ trưởng ghi nhận công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Ninh Bình được triển khai kịp thời, sâu sát. Công tác tham mưu chủ động, đúng ngày 1/7 đã hoàn tất việc kiện toàn Ban Chỉ đạo và Hội đồng chấm thi.
“Lãnh đạo tỉnh đã thể hiện sự quan tâm rất lớn, nhất là trong bối cảnh khối lượng công việc nhiều, áp lực cao, song vẫn dành sự ưu tiên, chăm lo cho công tác tổ chức chấm thi”, thứ trưởng nói.
Trong đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác chấm thi được chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo chất lượng. Hệ thống máy chấm thi đã được bổ sung mới, hiện đại, kịp thời, đáp ứng yêu cầu tiến độ chấm thi...
Về công tác chuyên môn, thứ trưởng đánh giá quá trình tổ chức chấm thi được thực hiện nghiêm túc, bài bản. Tất cả lực lượng tham gia, nhất là cán bộ chấm thi, đều được tập huấn đầy đủ, nắm chắc quy trình, quy chế.
Thứ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo thi tỉnh Ninh Bình tiếp tục duy trì sự chỉ đạo toàn diện, thống nhất giữa 3 ban chấm thi. Phân công rõ ràng đầu mối, chế độ thông tin báo cáo minh bạch, đồng bộ, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất về tiến độ và nội dung chấm thi.
“Kiểm soát tiến độ một cách chặt chẽ nhưng tuyệt đối không được ép tiến độ, không làm qua loa, đại khái gây ra sai sót. Cần bám sát kế hoạch đề ra, phát huy tối đa vai trò điều tiết của tổ trưởng từng tổ chấm, tránh tình trạng làm quá nhanh dẫn đến thiếu cẩn trọng”, thứ trưởng yêu cầu.
Lưu ý với cán bộ làm công tác chấm thi tại tất cả hội đồng chấm thi, đặc biệt là môn tự luận như Ngữ văn, ông Thưởng cho biết đề thi theo hướng mở nhưng không xa lạ với giáo viên và học sinh.
Hướng dẫn chấm cũng theo hướng mở để đánh giá đúng năng lực của học sinh. Bộ đã gửi hướng dẫn cho các hội đồng chấm thi để nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung, thống nhất đáp án và hướng dẫn chấm. Trong đó có tỷ lệ chấm chung để đảm bảo độ đều tay. Sau khi hoàn thiện, các hội đồng phải có tỷ lệ chấm kiểm tra ít nhất 5%.
Ông Thưởng cũng lưu ý nếu quá trình chấm có vấn đề gì bất thường, cần xem xét để đảm bảo tính công bằng và quyền lợi cho thí sinh. Đặc biệt, cán bộ chấm thi phải phải ghi nhận những nỗ lực, sáng tạo, chủ động, suy nghĩ riêng của thí sinh, đương nhiên phải đảm bảo theo chuẩn đầu ra, theo tiêu chí của quá trình giáo dục cũng như theo hướng dẫn chấm.
“Nguyên tắc, mục tiêu chung đó là phản ánh đúng năng lực của các em, hướng tới kết quả thật của thí sinh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của thí sinh trong tổ chức kỳ thi và đảm bảo công bằng trên toàn quốc. Công tác chấm thi phải được thông tin nhanh, xử lý kịp thời, hiệu quả ngay”, thứ trưởng yêu cầu.
Năm nay, Ninh Bình có hơn 46.600 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 1.141 thí sinh tự do. Các ban, các tổ, thành viên chấm thi là 376 người, thực hiện theo đúng quy trình và quy chế thi.
"Chúng tôi dự kiến hoàn thành công tác chấm thi vào 10/7, với tinh thần không ép tiến độ, chấm thi nghiêm túc, công bằng, đúng quy chế và đặt quyền lợi của thí sinh lên hàng đầu”, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.