Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Khó khăn đến mấy, đăng kiểm cũng phải vượt qua
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị các Sở GTVT phải quan tâm đến lĩnh vực đăng kiểm, nhất định không được để tạo ra các điểm nóng, vấn đề phức tạp đến mấy cũng phải tháo gỡ.
Cùng vào cuộc, tương trợ nhau vượt qua khó khăn
Tại Hội nghị đánh giá tình hình hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đề xuất giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định vào những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 30/2023/NĐ-CP do Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) tổ chức chiều 19/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, đầu tuần tới, thứ trưởng sẽ chủ trì họp với Cục ĐKVN về việc dự báo khó khăn thách thức của lĩnh vực đăng kiểm thời gian tới, từ đó, có phương án các giải pháp cụ thể để triển khai tháo gỡ.
Nhấn mạnh tinh thần lĩnh vực đăng kiểm khó khăn mấy cũng phải vượt qua để phục vụ nhân dân, thứ trưởng cho biết, theo Nghị định 30/2023, nhiệm vụ của Sở GTVT rất quan trọng. Từ đó, thứ trưởng yêu cầu giám đốc các sở GTVT phải quan tâm đến lĩnh vực đăng kiểm, để không tạo ra các điểm nóng, phức tạp đến mấy cũng phải tháo gỡ.
Thời gian tới, nhóm phương tiện được gia hạn kiểm định sẽ bắt đầu quay trở lại kiểm định khi đến hạn làm tăng nhu cầu kiểm định xe cơ giới, thứ trưởng đề nghị các Sở GTVT địa phương, các hiệp hội vận tải tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp chủ động đưa xe đi đăng kiểm mà không nhất thiết phải chờ đến ngày hết hạn kiểm định để hạn chế tình trạng ùn tắc,
Đối với vấn đề nhân lực đăng kiểm viên, thứ trưởng đề nghị Cục ĐKVN chủ động xây dựng nguồn nhân lực mới bù cho số đăng kiểm viên bị khởi tố, nghỉ việc. Đồng thời, yêu cầu các địa phương, các trung tâm đăng kiểm phải hỗ trợ nhau trong điều tiết nhân sự.
"Tôi rất tâm đắc và thấm thía câu nói của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: "Các trung tâm đăng kiểm bình thường có thể cạnh tranh nhau khốc liệt nhưng khi khó khăn phải cùng chia sẻ, đoàn kết, hỗ trợ nhau". Chúng ta cần nhất quán quan điểm chỉ đạo này để cùng hành động, vượt khó khăn, thử thách", thứ trưởng nhấn mạnh và cho biết: Kể cả phải làm ngày, làm đêm; ba ca bốn kíp cũng phải quyết tâm tháo gỡ.
Thứ trưởng cũng lưu ý cần xem xét lại quy trình tuyển dụng, tập huấn đăng kiểm viên theo hướng rút gọn thời gian tập huấn, nhất là đối với các kỹ sư ô tô, cơ khí ô tô để nhanh chóng có được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của hệ thống kiểm định. Quy định nào ở thông tư, quy chuẩn cần sửa đổi để thực hiện phải nghiên cứu đề xuất bộ.
Đối với việc nâng cao trách nhiệm quản lý, thứ trưởng cho biết, Nghị định 30/2023 đã phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cần xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của Cục ĐKVN, của Sở GTVT để thực hiện cho sát, cho hiệu quả.
Các Sở GTVT phải nhận thức được trách nhiệm của mình trong quản lý hoạt động đăng kiểm trên địa bàn, không thể đưa ra các lý do để chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ.
Cục ĐKVN cần xem xét quy trình kiểm định phương tiện sao cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam, tạo thuận lợi trong công tác kiểm định của đăng kiểm viên cũng như cho người dân, doanh nghiệp.
Cần nhanh chóng ban hành giá dịch vụ kiểm định mới
Trước đó, trình bày tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng cần nhanh chóng điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới bởi giá dịch vụ kiểm định hiện nay đã ban hành được 10 năm, các chi phí cấu thành lên giá đã thay đổi rất nhiều.
"Nếu không kịp thời điều chỉnh sẽ rất khó thu hút nguồn nhân lực để gia tăng khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định. Tôi cho rằng với mức phí tăng từ 100 – 200 nghìn đồng tùy từng phương tiện, người dân và doanh nghiệp rất ủng hộ bởi so với thiệt hại về kinh tế khi phải chờ đợi kiểm định do ùn tắc thì mức tăng này rất nhỏ", ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, song song với ban hành giá dịch vụ kiểm định mới, cần nghiên cứu cho phép các TTĐK làm thêm giờ trong ngày, làm cả ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật tùy theo nhu cầu đăng kiểm của người dân ở mỗi giai đoạn, mỗi địa phương và xây dựng cơ chế tài chính để các TTĐK thu mức phí riêng đối với các phương tiện kiểm định ngoài giờ làm việc, có thể tăng thêm khoảng 20% so với mức phí thông thường.
Điều này cũng giúp tăng tính hấp dẫn đối với nguồn nhân lực và giảm bớt các tiêu cực trong thời gian vừa qua.
Đồng quan điểm, tại hội nghị, hầu hết các Sở GTVT đều kiến nghị xem xét đẩy nhanh việc ban hành giá dịch vụ kiểm định mới để tháo gỡ khó khăn cho các TTĐK tiếp tục duy trì hoạt động phục vụ người dân.
Đối với yêu cầu các trung tâm phải trang bị dụng cụ kiểm tra, đánh giá thiết bị kiểm tra, ông Quyền cho rằng không thể giao cho các TTĐK tự đầu tư, tự kiểm tra vì sẽ thiếu tính khách quan và tăng gánh nặng cho các đơn vị đăng kiểm.
"Việc này nên do cơ quan quản lý Nhà nước mà cụ thể là Cục ĐKVN đầu tư thực hiện và có thể thu phí", ông Quyền nêu ý kiến.
Về vấn đề này, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cũng cho rằng, việc các trung tâm đăng kiểm phải trang bị bộ dụng cụ có giá từ 90 đến hơn 100 triệu đồng nhưng chỉ dùng 1 lần 1 năm là lãng phí. Thay vào đó, xem xét cho phép Sở GTVT trang bị bộ thiết bị này để phục vụ kiểm tra cho các TTĐK trên địa bàn.
Liên quan đến vấn đề giá dịch vụ kiểm định, ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch đầu tư (Cục ĐKVN) cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định cho phép Bộ GTVT ban hành giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành theo hình thức giá tối đa. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sớm ban hành thông tư điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TTĐK hiện nay.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phản hồi từ Chính phủ. Trong lúc chờ ban hành giá dịch vụ kiểm định mới, Cục ĐKVN đã đề xuất Bộ GTVT xem xét nội dung dự thảo thông tư quy định giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận và Tem kiểm định để sớm được ban hành.
Nói thêm về vấn đề này, đại diện Vụ Tài chính - Bộ GTVT cho biết, để xây dựng mức giá mới phải dựa trên các định mức kinh tế kỹ thuật của đăng kiểm xe cơ giới, song hiện nay, chưa có các định mức này.
Theo vị này, nếu Chính phủ đồng ý sửa Nghị định thì nhanh nhất cũng phải sang năm 2024 mới có thể ban hành giá dịch vụ kiểm định mới do các thủ tục triển khai mất rất nhiều thời gian.
Trường hợp đến tháng 12/2023 nếu Chính phủ không phản hồi, sẽ xoay phương án nghiên cứu xây dựng thông tư ban hành giá dịch vụ kiểm định theo Luật Giá mới ban hành.
Đối với khó khăn trong trang bị dụng cụ kiểm tra, đánh giá thiết bị kiểm tra xe, ông An cho biết, Cục ĐKVN đã trao đổi với các đơn vị cung cấp và hiện giá bộ dụng cụ chỉ còn khoảng 50 triệu đồng.
Theo ông An, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm đã quy định các trung tâm đăng kiểm phải có trách nhiệm duy trì tính năng kỹ thuật, độ chính xác của thiết bị. Để thực hiện quy định này, các TTĐK phải trang bị bộ dụng cụ kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, thời gian qua, các TTĐK chưa làm đúng theo quy chuẩn; quên đi trách nhiệm quan tâm, chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị theo hướng dẫn của nhà sản xuất, do đó, cần phải bổ sung để thực hiện đúng, đi vào nền nếp.
Việc kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên chứ không phải mỗi năm một lần như nhận định của các Sở GTVT để đảm bảo độ hiệu quả làm việc của các thiết bị, độ chính xác của kết quả kiểm định.