Thứ trưởng Mỹ sắp thăm Trung Quốc, khả năng xúc tiến thượng đỉnh Biden – Tập

Washington sẽ cử một nhà ngoại giao cấp cao đến Trung Quốc trong tuần tới. Đây có thể là bước đi đầu tiên để xúc tiến một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai siêu cường.

Ông Joe Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2013. (Ảnh: Reuters)

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Tạ Phong để thảo luận về khả năng tổ chức cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, SCMP dẫn nguồn tin cho biết.

Cuộc gặp đó được đánh giá là bước đi quan trọng để mở đường cho tiếp xúc cấp cao hơn giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chuyến thăm của bà Sherman sẽ tạo cơ hội hiếm hoi để hai bên trao đổi trước khi Mỹ bước sang giai đoạn mới trong chính sách với Trung Quốc. Điều phối viên Mỹ của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương Kurt Campbell gần đây cho biết đánh giá mới của ông sẽ đưa ra những khuyến nghị về phương hướng chính sách cho chính quyền Mỹ sau này.

Ông Biden sẽ tham dự cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn APEC vào ngày 16/7. Chưa rõ nhân dịp này ông có kế hoạch thảo luận với ông Tập hay không, nhưng có một số ý kiến cho rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra nhân thượng đỉnh G20 tại Rome.

“Sau đánh giá của Campbell, đã đến lúc phải cứng rắn và cả hai bên đều hiểu quan hệ này sẽ đi đến đâu”, nguồn tin nói.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman

Cuộc gặp giữa bà Sherman và ông Tạ là tiếp xúc cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa hai nước kể từ tháng 3, khi các nhà ngoại giao cấp cao của Washington và Bắc Kinh có màn đối đáp nảy lửa ở Alaska. Ông Tần Cương, người dự kiến sẽ thay thế ông Thôi Thiên Khải làm đại sứ tại Mỹ, sẽ lên đường vào cuối tháng này, các nguồn tin cho biết.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục đến thời chính quyền Biden. Hai bên mâu thuẫn trong hầu hết các lĩnh vực, từ công nghệ, thương mại, Đài Loan, Biển Đông đến nhân quyền.

Mới hôm qua, Mỹ tiếp tục lên tiếng về vấn đề Tân Cương, cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ có thể vi phạm pháp luật và gánh hậu quả nghiêm trọng nếu tiếp tục các quan hệ làm ăn với Tân Cương.

Nhân kỷ niệm 5 năm Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết về Biển Đông, Ngoại trưởng Blinken cuối tuần qua ra tuyên bố kêu gọi Bắc Kinh dừng những hành động khiêu khích ở khu vực tranh chấp này. Ông cũng tái khẳng định hiệu lực của hiệp ước quốc phòng tương hỗ với Philippines nếu nước này bị Trung Quốc tấn công.

Tuần trước, ông Campbell nói rằng Mỹ sẽ “tăng cuộc chơi lên đáng kể” ở Đông Nam Á, nhưng cũng khẳng định Washington không ủng hộ Đài Loan độc lập, điều Bắc Kinh coi là giới hạn đỏ, dù tiếp tục thúc đẩy quan hệ phi chính thức với hòn đảo tự trị này.

Dù căng thẳng như vậy, hai bên đã một số kênh hợp tác trong lĩnh vực khí hậu. Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry đến Thượng Hải hồi tháng 4 để gặp đồng cấp Trung Quốc Tạ Chấn Hoa.

GS Shi Yinhong, một nhà nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Trung, cho rằng quan hệ giữa hai nước bắt đầu được nối lại từ thượng đỉnh Alaska, sau nhiều tháng gián đoạn dưới thời chính quyền Trump, nhưng điều đó không có nghĩa là hai bên khôi phục đối thoại bình thường như trước đây.

“Khi sự cạnh tranh tiếp tục tăng, cả hai bên cần coi trọng việc quản lý và ngăn ngừa khủng hoảng. Nhưng tôi cho rằng dù hai bên có đối thoại ở cấp cao hơn thì cũng khó đảo ngược thế đối đầu trong bất kỳ vấn đề lớn nào của quan hệ song phương”, GS Shi nói.

Bà Sherman, 71 tuổi, là người có nhiều kinh nghiệm về đàm phán hạt nhân với Iran. Hồi tháng 5, quan chức này có chuyến thăm một số nước Đông Nam Á.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo New York Times hồi tháng 6, bà Sherman khi được hỏi về chiến lược của chính quyền Biden với Trung Quốc đã nói: “Đây không phải mối quan hệ để tin tưởng. Đó là những mối quan hệ để tôn trọng nhau. Bạn có thể được tôn trọng vì lợi ích của nhau, và bạn bảo đảm các lợi ích của mình được giữ vững”, bà nói.

Bình Giang

Theo SCMP

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thu-truong-my-sap-tham-trung-quoc-kha-nang-xuc-tien-thuong-dinh-biden-tap-post1355301.tpo