Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đến Trung Quốc: Chuyến thăm 'giải mã' quan hệ song phương

Mỹ sẽ cử Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman tới Trung Quốc vào tuần tới - một bước đi cần thiết đầu tiên tiến tới hội nghị thượng đỉnh giữa hai cường quốc.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman. (Nguồn: Times of Israel)

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman. (Nguồn: Times of Israel)

Chuyến thăm "mở đường"

Theo South China Morning Post, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Tạ Phong tại Thiên Tân, nơi hai bên dự kiến thảo luận về triển vọng tiến hành một cuộc gặp cấp cao giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Cuộc gặp này là yếu tố cần thiết để “mở đường” cho những tiếp xúc cao hơn giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chuyến thăm của bà Sherman cũng là cơ hội giao thiệp Mỹ-Trung hiếm hoi trước khi chính sách Trung Quốc của ông Biden bước vào giai đoạn tiếp theo.

Điều phối viên phụ trách chính sách châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Kurt Campbell vừa hoàn thành bản đánh giá với những định hướng và đề xuất cho lộ trình chính sách của Mỹ trong tương lai.

Tổng thống Joe Biden sẽ tham dự hội nghị trực tuyến của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong ngày 16/7.

Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Biden có kế hoạch thảo luận bên lề với ông Tập Cận Bình vào thời điểm đó hay không, song một số ý kiến dự đoán cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung có thể sẽ diễn ra trong giai đoạn hội nghị G20 ở Rome vào tháng 10 tới.

Một nguồn tin giấu tên nói: “Sau những đánh giá của ông Campbell, đây là thời điểm hai bên cần nói chuyện và xác định rõ mối quan hệ đang đi tới đâu”.

Cuộc gặp giữa Thứ trưởng Wendy Sherman và quan chức ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong sẽ là cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên kể từ tháng 3 - thời điểm phái đoàn ngoại giao hai nước có những tranh cãi nảy lửa tại Alaska, Mỹ.

Sau đó, ông Tần Cương, quan chức dự kiến kế nhiệm vị trí Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ của ông Thôi Thiên Khải, sẽ tới Washington vào cuối tháng 7 này sau khi nhận bàn giao từ người tiền nhiệm – hiện đang trong giai đoạn cách ly y tế sau nhập cảnh.

Cạnh tranh và hợp tác

Đối đầu gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington vẫn tiếp diễn dưới thời chính quyền của Tổng thống Biden.

Căng thẳng liên tục leo thang trong mọi mặt của mối quan hệ, từ thương mại và công nghệ cho tới vấn đề nhân quyền, Đài Loan và Biển Đông.

Ngày 13/7, Washington đã có những phát biểu cứng rắn về Tân Cương khi cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ có lợi ích trong khu vực có nguy cơ vi phạm luật pháp Mỹ và sẽ phải đối diện với các hậu quả nghiêm trọng nếu tiếp tục hoạt động kinh doanh như thường lệ tại đây.

Tuyên bố có đoạn: “Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng và quy mô của những hành vi vi phạm nhân quyền kể trên, nếu các doanh nghiệp và cá nhân không rời bỏ chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp liên doanh hoặc các khoản đầu tư có liên hệ với Tân Cương, họ có nguy cơ sẽ vi phạm luật pháp Mỹ”.

Nhân kỷ niệm 5 năm phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague trong vụ Philippines kiện các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, theo đó không công nhận hầu hết các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này, ngày 11/7, Ngoại trưởng Blinken đã kêu gọi Bắc Kinh ngừng các hành vi khiêu khích tại vùng biển tranh chấp.

Ông Blinken cũng tái khẳng định hiệp ước tương trợ quốc phòng giữa Mỹ và Philippines, với cam kết đáp trả trong trường hợp Manila bị Bắc Kinh tấn công.

Tuần trước, ông Kurt Campbell khẳng định, Washington sẽ “đẩy mạnh cuộc chơi” tại Đông Nam Á, song không ủng hộ độc lập dành cho Đài Loan - một trong những “lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh.

Bất chấp những căng thẳng nêu trên, hai quốc gia vẫn mở ra một số kênh hợp tác trong vấn đề khí hậu. Đặc phái viên về khí hậu John Kerry đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa tại Thượng Hải hồi tháng 4/2021.

Ông Thời Ân Hoằng, nhà nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Trung cho rằng, liên lạc giữa hai nước đã khởi sắc sau hội nghị Alaska, một bước tiến so với giai đoạn lạnh nhạt đặc trưng trong những tháng cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump.

Ông nói: “Dù vậy, điều này không có nghĩa rằng hai quốc gia đã trở về trạng thái đối thoại ngoại giao thường xuyên như trong quá khứ. Trong thế đối đầu vốn đã rất căng thẳng, Mỹ thậm chí còn tăng cường yêu sách trong những lĩnh vực mới, chẳng hạn như công nghệ an ninh mạng…

Trong bối cảnh sự kình địch song phương tiếp tục leo thang, hai bên càng cần phải chú trọng tới việc ngăn chặn khủng hoảng và kiểm soát xung đột. Không kỳ vọng vào khả năng đảo ngược tình trạng đối đầu trong bất kỳ khía cạnh chính nào của mối quan hệ song phương này, dù đối thoại được diễn ra ở những cấp cao hơn trong tương lai”.

Thứ trưởng Sherman, người nổi tiếng với vai trò trong đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran, đã được bổ nhiệm vào vị trí quyền lực số 2 tại Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 4/2021.

Bà đã tới Đông Nam Á và châu Âu trong tháng 5, với chương trình nghị sự trọng tâm là Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6 với tờ The New York Times, trước câu hỏi về chiến lược Trung Quốc của Tổng thống Biden, bà Sherman bình luận: “Đây không phải mối quan hệ dựa trên lòng tin.

Đây là mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng. Người ta sẽ nhận được sự tôn trọng nếu tôn trọng lợi ích của đối phương và đảm bảo rằng lợi ích của bản thân cũng được đáp ứng”.

(theo SCMP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-truong-ngoai-giao-my-den-trung-quoc-chuyen-tham-giai-ma-quan-he-song-phuong-151550.html