Boeing đạt thỏa thuận nhận tội

Boeing đạt thỏa thuận nhận tội với Bộ Tư pháp Mỹ trong 2 vụ tai nạn của dòng máy bay Boeing 737 MAX rơi ở Indonesia và Ethiopia khiến ít nhất 346 người thiệt mạng.

 Boeing có nửa đầu năm đầy sóng gió khi liên tiếp vướng vào các bê bối. Ảnh: David McIntosh.

Boeing có nửa đầu năm đầy sóng gió khi liên tiếp vướng vào các bê bối. Ảnh: David McIntosh.

Phát biểu với báo giới, người đại diện của Boeing cho biết: "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về mặt nguyên tắc, liên quan các điều khoản giải quyết với Bộ Tư pháp".

Hồ sơ tòa án nộp tại bang Texas trước đó một ngày cho thấy Boeing đã đồng ý nhận tội "âm mưu lừa dối chính phủ Mỹ" trong quá trình cấp phép dòng máy bay MAX.

Theo thỏa thuận với Bộ Tư pháp, Boeing chịu khoản tiền phạt hình sự 243,6 triệu USD, đồng thời phải đầu tư tối thiểu 455 triệu USD trong 3 năm tới để tăng cường các chương trình an toàn theo quy định của Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA). Bộ Tư pháp Mỹ sẽ chỉ định một cơ quan giám sát độc lập để kiểm tra các hoạt động tuân thủ và an toàn của Boeing trong 3 năm.

Bên giám sát này sẽ phải nộp báo cáo thường niên công khai lên tòa án về tiến độ của hãng hàng không. Việc bồi thường cho các gia đình nạn nhân sẽ do tòa án quyết định.

Sau thông tin trên, luật sư của một số gia đình nạn nhân đã chỉ trích đây là một “thỏa thuận ngọt ngào” cho Boeing sau khi khiến 346 hành khách xấu số thiệt mạng.

Họ cho rằng thỏa thuận này đã nhượng bộ Boeing một cách thiếu công bằng, không buộc Boeing chịu trách nhiệm cho cái chết của những nạn nhân và hy vọng Boeing cùng các lãnh đạo cấp cao sẽ nhận hình phạt nghiêm khắc hơn.

Truyền thông Mỹ đánh giá việc nhận tội của Boeing có ý nghĩa quan trọng vì tập đoàn này chưa từng bị kết tội nặng trong nhiều thập kỷ. Việc nhận tội có khả năng đe dọa đến các hợp đồng của Boeing với Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

Tuy nhiên, thỏa thuận giúp Boeing tránh phải ra hầu tòa, điều có thể khiến thêm nhiều vấn đề nội bộ của công ty bị công khai. Bên cạnh đó, động thái trên cũng sẽ giúp công ty dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm sự chấp thuận cho kế hoạch sáp nhập công ty thiết kế và sản xuất cấu trúc hàng không Spirit AeroSystems. Ngoài ra, Boeing cũng bổ nhiệm một giám đốc mới vào cuối năm nay như một cách "mở ra chương mới" sau loạt bê bối.

Trước đó, 2 chiếc máy bay Boeing 737 MAX đã rơi ở Indonesia và Ethiopia trong vòng 5 tháng từ năm 2018 đến 2019 làm ít nhất 346 người thiệt mạng. Dòng máy bay này đã bị cấm bay trong khi hãng này thiệt hại gần 20 tỷ USD tiền phạt, bồi thường cho nạn nhân và các chi phí phát sinh khác.

Bộ Tư pháp Mỹ vào năm 2021 cáo buộc Boeing phạm tội lừa đảo vì đã cố tình đánh lừa Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) trong quá trình kiểm định chất lượng dòng Boeing 737 MAX 8. Boeing sau đó đã thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ không truy tố nếu hãng xem xét lại hoạt động, nộp báo cáo thường xuyên và đồng ý trả 2,5 tỷ USD tiền dàn xếp.

Cuối tháng 6, nguồn tin của Reuters cho hay các công tố viên đang khuyến nghị Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra cáo buộc hình sự đối với Boeing.

Diệu Thanh

Theo Reuters, The New York Times

Nguồn Znews: https://znews.vn/boeing-dat-thoa-thuan-nhan-toi-post1485205.html