Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thăm Đài Bắc, Trung Quốc hai ngày liền cho máy bay áp sát Đài Loan
Sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach tới Đài Loan, trong hai ngày liền, Trung Quốc đã liên tục cho nhiều máy bay chiến đấu vượt qua đường trung tâm eo biển, vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan để đe dọa, gây căng thẳng.
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 19/9, sau khi điều 18 máy bay quân sự vào không phận gần Đài Loan vào thứ Sáu (18/9), sáng thứ Bảy (19/9) PLA lại cho 19 máy bay quân sự bay vào vùng trời xung quanh Đài Loan; Không quân Đài Loan đã sử dụng tên lửa phòng không để theo dõi và phát thanh xua đuổi qua làn sóng. Truyền thông Đài Loan cho biết, lần đầu tiên lực lượng không quân Đài Loan sử dụng các ngôn từ nặng nề trên làn sóng như “Lập tức quay trở lại và rời khỏi, nếu không các người phải chịu mọi hậu quả” để xua đuổi máy bay quân sự của Trung Quốc đại lục.
Theo ghi chép hàng không và hồ sơ phát thanh, từ 7 giờ đến 9 giờ sáng ngày 19/9, PLA tiếp tục điều nhiều máy bay quân sự bay vào eo biển Đài Loan theo nhiều hướng và từng đợt khác nhau. Không quân Đài Loan thông báo lúc 12 giờ trưa 19/9, PLA đã cho 19 máy bay quân sự, bao gồm 12 máy bay chiến đấu gồm các loại gồm 2 chiếc J-16, 2 chiếc J-10, 2 chiếc J-11, 2 máy bay ném bom H-6...và một máy bay chống ngầm Y-8. Lực lượng Không quân Đài Loan đã huy động các máy bay tuần tra xuất kích khẩn cấp để tuần tra trên không, tiến hành phát thanh xua đuổi các máy bay của Đại Lục xuất hiện trong vùng trời phía tây bắc, tây và tây nam của Đài Loan, đồng thời sử dụng tên lửa phòng không để theo dõi và giám sát các mục tiêu trên không.
Sơ đồ các máy bay chiến đấu của PLA vượt qua đường trung tâm eo biển, vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan (Ảnh: Đông Phương).
Theo báo cáo, một trong những máy bay quân sự của PLA đã bay vào vùng trời phía tây Đài Loan ở độ cao 7.000 mét. Nội dung phát thanh của quân đội Đài Loan có chút thay đổi để ứng phó với tình hình, nói: “Các người đã tiếp cận không phận của chúng tôi, ảnh hưởng đến an toàn bay, phải lập tức quay đầu rời đi, nếu không sẽ chịu mọi hậu quả”.
Theo trang tin Đa Chiều, trước đó, ngày 18/9, PLA đã cho 18 máy bay áp sát Đài Loan, 3 lần bay vượt qua đường trung tâm eo biển, lần vào gần nhất cách đảo Đài Loan 37 hải lý (68,5km).
Tờ Apple Daily dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Đài Loan nói, 18 máy bay quân sự Đại Lục đã áp sát Đài Loan trong 4 tiếng đồng hồ ở các khu vực Tây Nam, Tây, Tây Bắc và phía Bắc Đài Loan. Đây là “kỷ lục về hoạt động vượt tuyến khiêu khích rõ rệt nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng “thuyết hai Trung Quốc” năm 1999”.
Apple Daily dẫn lời tướng lĩnh cấp cao quân đội Đài Loan bổ sung, quân đội Đại Lục có kế hoạch diễn tập thực chiến, từ 7 giờ đến 10 giờ rưỡi đã cho 6 chiếc H-6 và J-16 xâm nhập vùng trời Tây Nam Đài Loan; sau đó 12 chiếc J-10, J-11 và J-16 vượt qua đường trung tâm eo biển xâm nhập vùng trời phía Bắc Đài Loan; cùng lúc đó, tàu chiến của Trung Quốc đại lục cũng vượt qua đường trung tâm eo biển ở ngoài khơi Tân Trúc. Viên tướng này cho biết, quân đội Đài Loan đã giám sát chặt chẽ, trong đó sử dụng làn sóng phát thanh xua đuổi, cho máy bay xuất kích khẩn cấp để tuần tra giám sát, các trận địa tên lửa phòng không và tàu trinh sát trên biển cũng tiến hành theo dõi giám sát.
PLA diễn tập tấn công Đài Loan tại vùng biển Hoa Đông hôm 18/9 (Ảnh: Đa Chiều).
Apple Daily dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng Đài Loan nói, cả Bộ trưởng Quốc phòng Nghiêm Đức Phát và Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Thử Quang đều tới Sở chỉ huy tác chiến Hoành Sơn để điều hành; các tàu tuần tra lớp Chenggong ở cảng Cơ Long cũng xuất bến khẩn cấp, “cả không quân và hải quân đều sẵn sàng chiến đấu, tình hình rất căng thẳng”.
Báo này dẫn lời ông Sử Thuận Văn, người phát ngôn quân đội Đài Loan nói: “Quân đội kiên trì nguyên tắc không khiêu khích, không sợ địch, tránh va chạm nổ súng trước, sử dụng các biện pháp, hành động tổng hợp nắm chắc tình hình trên không, trên biển, giám sát chặt chẽ, đảm bảo an ninh quốc phòng”.
Ông Sử Thuận Văn nói: “Hành động vượt qua đường trung tâm eo biển, tiến hành dọa dẫm quân sự của quân đội Đại Lục đã phá hoại nghiêm trọng quan hệ hai bên bờ, phá vỡ hòa bình, ổn định khu vực, gây bất bình trong cộng đồng quốc tế. Chúng tôi kêu gọi phía bên kia tiết chế, trân trọng hòa bình, không nên gia tăng căng thẳng, phá vỡ hiện trạng hai bên bờ. Hành động quấy rối ngang ngược của PLA đã gây phản cảm, ngày càng xa ngời lòng người Đài Loan. Chúng tôi kêu gọi hai bên bờ cùng nhau giữ gìn hòa bình, ổn định của eo biển và khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Hình ảnh trích video Không quân Trung Quốc công bố về máy bay H-6K mô phỏng tấn công căn cứ quân sự được cho là của Mỹ ở Guam (Ảnh: Đa Chiều).
Cùng ngày 18/9, ông Nhậm Quốc Cường, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố: “Chiến khu Miền Đông PLA tổ chức diễn tập thực chiến ở gần biển Đài Loan là hành động chính đáng để ứng phó với tình hình eo biển hiện nay, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.
Ông cảnh cáo: “Mỹ và nhà cầm quyền Đài Loan câu kết chặt chẽ với nhau, liên tiếp gây sự, dù là “dùng người Trung Quốc chống người Trung Quốc” hay “mượn tay người ngoài” đều là cuồng vọng vô ích, đi vào ngõ cụt, kẻ chơi với lửa sẽ bị bỏng”.
Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu cho rằng, “đại lục trỗi dậy hòa bình không có nghĩa là hoàn toàn tránh chiến tranh. Nếu quân đội Mỹ quá bức bách, xâm hại trực tiếp đến lợi ích cốt lõi của đại lục thì đại lục phải dám đánh và đánh giỏi, phải đánh ở biển gần đại lục thì mới đảm bảo thắng lợi quân sự và đạo lý”. Ông cũng cho rằng Trung Quốc đại lục nên kết bạn rộng và giảm bớt xích mích với các nước khác; cần phải thấy rõ rằng trong giai đoạn này và trong một khoảng thời gian trong tương lai, lợi ích và thách thức lớn nhất là phá vỡ sự đàn áp chiến lược của Mỹ và duy trì khả năng tiếp tục phát triển lớn mạnh. Các việc khác đều đứng ở vị trí thứ hai.
Máy bay chống ngầm Y-8 của đại lục bay vào không phận Đài Loan sáng 19/9 (Ảnh: Đông Phương).
Trong một diễn biến khác liên quan, theo Đa Chiều ngày 19/9, trang Weibo chính thức “Air Force Online” của Không quân Trung Quốc cùng ngày đã công bố đoạn video về chiếc H-6K tấn công một căn cứ và hình ảnh vệ tinh cho thấy đó là căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam.
Với quan hệ Trung - Mỹ ngày càng căng thẳng, thời gian gần đây Bắc Kinh liên tục phô trương sức mạnh, không chỉ thực hiện các cuộc tập trận quân sự ở Biển Bột Hải, Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông trong tháng 8, mà còn công khai chi tiết về H-6K.
H-6K là một mẫu cải tiến lớn của H-6, được nâng cấp từ máy bay ném bom hạng trung thời kỳ đầu thành máy bay ném bom chiến lược như hiện nay. H-6K lộ diện lần đầu tiên vào năm 2007. Toàn bộ phần thân được thiết kế lại, phần mũi được trang bị radar lớn, buồng lái được thay bằng kính, thiết bị điện tử được thay mới, lắp đặt hệ thống phóng dù cứu sinh và sử dụng động cơ D30-KP-2 của Nga. Có 6 mấu treo vũ khí dưới cánh.
Các vũ khí chính trên không của H-6K bao gồm tên lửa không đối đất và tên lửa hành trình, bán kính chiến đấu hơn 3.500 km. Thời gian gần đây, H-6K liên tục xuất hiện trên eo biển Đài Loan, Biển Đông, Tây Thái Bình Dương, trở thành máy bay ném bom mạnh nhất của Trung Quốc nhằm thực hiện nhiệm vụ răn đe chiến lược.