Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng: Chưa bao giờ công tác ngoại giao kinh tế được gắn với nhu cầu sát sườn của các địa phương như hiện nay
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho rằng, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng ta đã ban hành Chỉ thị, xác định rõ NGKT là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là động lực để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Chiều 25/9, tại phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, Chủ tịch UBND TPHCM, lãnh đạo các tỉnh thành với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã trả lời câu hỏi của người điều phối chương trình - TS. Trần Du Lịch.
TS. Trần Du Lịch đặt câu hỏi: Lâu nay, vai trò của kinh tế đối ngoại rất quan trọng, sắp tới, việc vận dụng ngoại giao kinh tế để thu hút đầu tư chiến lược như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nói: Xin khẳng định chưa bao giờ ngoại giao kinh tế được thúc đẩy như giai đoạn hiện nay. Đây là chủ trương Đảng đã định hướng chỉ đạo và ngay từ đầu nhiệm kỳ này đã xác định 3 trọng tâm của ngoại giao kinh tế: Ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; là động lực để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Trên tinh thần chỉ đạo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt để cụ thể hóa chủ trương của Đảng. Trong thời gian vừa qua Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo với nhiều tâm huyết quyết tâm để thúc đẩy ngoại giao kinh tế. Và trên thực tế chúng ta đã nhìn thấy những hiệu quả rất rõ ràng. Ví dụ như trong giai đoạn chống dịch Covid-19, khi đó Thủ tướng đã chỉ đạo ngoại giao kinh tế phải đặt trọng tâm vào ngoại giao vaccine, qua đó, đã tạo ra sự xoay chuyển tình thế.
Hiện nay, Thủ tướng cũng tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành trong đó có Bộ Ngoại giao cần tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao kinh tế và ngoại giao cũng phải tạo ra đột phá, xoay chuyển tình thế trong việc thu hút nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho phát triển đất nước.
Chúng tôi cho rằng, giai đoạn hiện nay, hơn lúc nào hết, việc thúc đẩy ngoại giao kinh tế vừa là yêu cầu khách quan, vừa là yêu cầu chủ quan.
Về khách quan, chúng ta đã thảo luận rất nhiều về các xu thế toàn cầu hiện nay trong một thế giới siêu kết nối thì nhu cầu hợp tác của các quốc gia cũng rất lớn để thúc đẩy hợp tác cùng phát triển.
Từ nhu cầu chủ quan của Việt Nam, đất nước cũng đang bước vào giai đoạn phát triển mới với các mục tiêu khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030, 2045. Việt Nam hiện nay cũng đã đang trở thành 1 trong 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, là 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn trên thế giới. Chúng ta cũng đã trở thành mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, do đó nhu cầu của chúng ta là cần thu hút thêm các đối tác quốc tế, các nguồn lực từ quốc tế.
Bạn bè thế giới cũng đánh giá rất cao tiềm năng của Việt Nam để có nhu cầu hợp tác. Như vậy có thể thấy chủ trương rất đúng đắn của chúng ta hiện nay là đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế vừa đáp ứng nhu cầu khách quan, chủ quan của chúng ta.
Hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ, ngoại giao kinh tế đang chú trọng vào 5 định hướng lớn:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong đó tiếp tục kiến tạo môi trường hòa bình ổn định thuận lợi cho phát triển thúc đẩy quan hệ đối tác.
Nếu như theo dõi có thể thấy trong đối ngoại cấp cao của chúng ta thì nội hàm kinh tế là then chốt và tất cả những hoạt động đối ngoại cấp cao đều hướng tới và đạt kết quả cụ thể về hợp tác kinh tế và đóng góp cho phát triển đất nước.
Thứ hai, Thủ tướng vẫn thường xuyên chỉ đạo là thúc đẩy động lực cho tăng trưởng gồm: thúc đẩy thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Thứ ba, ngoại giao kinh tế phải thúc đẩy 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực.
Thứ tư, ngoại giao kinh tế phải nắm bắt được xu thế của thời đại. Việc này Bộ Ngoại giao cùng các Bộ, ngành và qua cả hội nghị hôm nay để chúng ta nắm bắt xu thế mới nhất của thời đại, tình hình quốc tế để áp dụng phù hợp với tình hình đất nước.
Thứ năm, ngoại giao kinh tế phải gắn với các địa phương, doanh nghiệp. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta đẩy mạnh ngoại giao kinh tế gắn với các nhu cầu sát sườn của các địa phương như giai đoạn hiện nay.
Và hiện nay Thủ tướng cũng đang chỉ đạo Bộ Ngoại giao đẩy mạnh ngoại giao công nghệ, ngoại giao tập đoàn để thu hút các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực chiến lược. Đây là một số những định hướng mà ngoại giao kinh tế đã triển khai trong thời gian vừa qua cũng như là trong thời gian sắp tới.
Về câu hỏi liên quan công tác ngoại giao kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: Những vấn đề hiện nay trên thế giới tác động tới toàn cầu, toàn dân, như đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược, cạn kiệt tài nguyên, giá hóa dân số… là những vấn đề rất lớn mà không nước ngoài tự mình giải quyết được, nên phải đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi đoàn kết quốc tế.
Nền ngoại giao Việt Nam phải góp phần giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác để phát triển, trong đó có nội dung ngoại giao kinh tế, để phát triển kinh tế, tham gia xử lý các vấn đề toàn cầu, toàn dân.
Về vấn đề cụ thể, ngoại giao kinh tế cuối cùng là phải đưa nền kinh tế Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi sản xuất toàn cầu; mở rộng thị trường, đối tác, như các thị trường mới tại Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi… Hiện nay, chúng ta đã làm tốt, chúng ta phải làm tốt hơn.