Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Công tác hòa giải ở cơ sở góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Hoạt động hòa giải cơ sở những năm qua đã đóng góp như thế nào vào phát triển kinh tế xã hội đất nước? Để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới cần những giải pháp gì? PV Báo PLVN đã phỏng vấn TS. Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

-Một xã hội thanh bình, đời sống nhân dân hạnh phúc sẽ là đòn bẩy để phát triển đất nước phồn vinh, cường thịnh. Xin Thứ trưởng cho biết, hòa giải ở cơ sở đã có những đóng góp như thế nào cho sự yên bình của người dân, xã hội?

-Một xã hội thanh bình, đời sống nhân dân hạnh phúc sẽ là đòn bẩy để phát triển đất nước phồn vinh, cường thịnh. Xin Thứ trưởng cho biết, hòa giải ở cơ sở đã có những đóng góp như thế nào cho sự yên bình của người dân, xã hội?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Như chúng ta đã biết, hòa giải ở cơ sở của Việt Nam hình thành từ rất sớm, gắn với nền văn hóa truyền thống của người Việt Nam là đề cao mối quan hệ gia đình, làng xã, cộng đồng với phương châm “tối lửa tắt đèn có nhau” và quan niệm coi việc kiện tụng tại “cửa quan” luôn là lựa chọn bất đắc dĩ, là biện pháp cuối cùng “Vô phúc đáo tụng đình”. Bởi hòa giải ở cơ sở không đơn thuần là một phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn mà hiệu quả của công tác này chính là giá trị bền vững đối với việc ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kết quả hòa giải chính là sự thỏa thuận, ý chí của đôi bên tranh chấp, hòa giải viên chỉ có vai trò làm trung gian, hướng dẫn, giúp các bên tìm ra cách giải quyết tranh chấp. Hòa giải ở cơ sở giúp các bên gạt “cái tôi” để cùng đàm phán, trao đổi cách giải quyết tranh chấp trên cơ sở lợi ích, nguyện vọng của mỗi bên. Do đó, sau khi hòa giải thành, các bên tự giác thi hành thỏa thuận, mối quan hệ và tình cảm giữa các bên được khôi phục, tiếp tục duy trì. Điều này tạo nên cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho người dân, từ đó thắp sáng trong mỗi cá nhân niềm tin vào tương lai, từ ý chí, niềm tin của mỗi cá nhân sẽ tập hợp thành ý chí, niềm tin của cộng đồng, đó chính là nền tảng xây dựng và duy trì khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hòa giải ở cơ sở giải quyết tận “gốc” mâu thuẫn, tranh chấp. Kết quả hòa giải ở cơ sở sẽ không có bên thắng, bên thua, mà cả hai bên đều thắng, đều thỏa mãn được những mong muốn nhất định của mình (có khi chỉ là một lời xin lỗi đã hóa giải được mâu thuẫn). Điều này khác với trường hợp tranh chấp, mâu thuẫn được giải quyết thông qua quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ có bên thắng, bên thua, bên không hài lòng, không thỏa mãn với kết quả giải quyết, gây khó khăn cho việc hàn gắn mối quan hệ giữa các bên với tâm lý “Một đời kiện, chín đời thù”. Vì vậy, có thể khẳng định hòa giải ở cơ sở giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần vào củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

-Để công tác hòa giải ở cơ sở thật sự hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, được nhân dân ghi nhận, xin Thứ trưởng cho biết những giải pháp chủ yếu trong thời gian tới?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Để công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục phát huy hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, được nhân dân ghi nhận, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội về công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt phải xác định hòa giải ở cơ sở là một hình thức của phổ biến, giáo dục pháp luật. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Hai là, bên cạnh việc nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác hòa giải ở cơ sở thì cần vận dụng hiệu quả kỹ năng “dân vận khéo” trong thực hiện hòa giải ở cơ sở.

Ba là, tăng cường đổi mới cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị về hòa giải ở cơ sở, đặc biệt thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở và Chương trình phối hợp số 162/CTPH-TANDTC-BTP ngày 08/4/2019 giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp về phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2023.

Bốn là, xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở chất lượng, chuyên nghiệp; thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở được ban hành tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Năm là, đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở, đẩy mạnh xã hội hóa công tác hòa giải ở cơ sở với nhiều giải pháp khác nhau, như huy động những người là luật sư, luật gia, người đã từng công tác trong lĩnh vực pháp luật, đảng viên tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở hoặc hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn cho hòa giải viên ở cơ sở; huy động nguồn lực xã hội khác hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn, xây dựng và cung cấp tài liệu, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở...

-Thứ trưởng có mong muốn và gửi thông điệp gì đến các hòa giải viên ở cơ sở trên cả nước?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Hòa giải viên ở cơ sở là những cá nhân nhỏ bé trong cộng đồng, nhưng việc làm của họ là điều phi thường, với trách nhiệm, sự tâm huyết, lấy niềm vui của bà con, hạnh phúc mỗi gia đình, sự bình yên cộng đồng, tình làng nghĩa xóm là hạnh phúc của bản thân. Điều đó vô cùng nhân văn và cao quý. Nhiều hòa giải viên ở cơ sở được Đảng tin, dân mến, chính quyền tín nhiệm bởi họ không chỉ đóng góp cho an ninh trật tự, an toàn khu vực mà còn góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh, họ là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, giúp người dân gần hơn với chính quyền từ đó tạo sự đồng thuận, đồng lòng xây dựng và phát triển địa phương, đất nước giàu mạnh.

Để phát huy các giá trị đó, tôi mong muốn các hòa giải viên ở cơ sở tiếp tục đưa công tác hòa giải ở cơ sở phát triển hơn nữa vì sự phồn vinh, cường thịnh của đất nước, bởi muốn đầu tư phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia thì cuộc sống của nhân dân phải yên bình, hạnh phúc. Do đó, mỗi hòa giải viên ở cơ sở cần thường xuyên trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, nhất là kỹ năng “dân vận khéo”; là gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phải thâm nhập quần chúng nhân dân, lắng nghe dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng từ đó mới tìm được nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn, giải tỏa những bức xúc; phải xác định mình là chiếc cầu nối để hàn gắn lại tình cảm giữa các bên, xây dựng tình làng nghĩa xóm ngày một gắn kết hơn.

-Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

P.V (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/thu-truong-nguyen-thanh-tinh-cong-tac-hoa-giai-o-co-so-gop-phan-on-dinh-an-ninh-chinh-tri-trat-tu-an-toan-xa-hoi-527184.html