Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh dự Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2021 Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngày 8/1, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2021 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Các lĩnh vực công tác ngày càng đi vào chiều sâu
Trong năm 2020, ngành tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động, khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, bám sát chương trình, kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Bộ Tư pháp và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được thực hiện quyết liệt, ngày càng đi vào chiều sâu.
Toàn ngành thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra trong năm 2020, đồng thời củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả chất lượng công tác.
Toàn ngành thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra trong năm 2020, đồng thời củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả chất lượng công tác.
Công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh đã đạt được những chuyển biến tích cực cả về chất lượng cũng như thời gian thẩm định, góp phần đảm bảo tính thống nhất, khả thi khi ban hành.
Công tác tuyên truyền đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, các lĩnh vực hòa giải cơ sở, tủ sách pháp luật; ngày pháp luật; công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên thường xuyên được quan tâm thực hiện. Điều này góp phần nâng cao trình độ pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, người dân ngày càng được phục vụ tốt hơn khi có yêu cầu về quốc tịch, lý lịch tư pháp và công chứng… tại Sở Tư pháp.
Báo cáo cũng nêu rõ, để đảm bảo hoạt động của toàn ngành được thông suốt và đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh BR-VT đã chỉ đạo Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt quy chế làm việc của cơ quan; đồng thời thực hiện tốt sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp. Duy trì thực hiện cơ chế phối hợp trong công tác tư pháp tại địa phương..
Bên cạnh những thành tựu vượt bậc, trong công tác ngành tư pháp BR-VT còn một số hạn chế, trong đó là sự quá tải về công việc của cán bộ công chức sở và lực lượng cán bộ pháp chế. Việc xây dựng lực lượng cán bộ pháp chế cũng đang gặp nhiều khó khăn. …
Năm 2021, Sở Tư pháp xác định, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương; Ưu tiên nguồn lực hoàn thiện thể chế liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành. Kịp thời đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ những quy định còn có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn trong các lĩnh vực quản lý của ngành.
Chủ động báo cáo, phối hợp và tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tư pháp, công tác pháp chế từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công tác; đổi mới tác phong, lề lối làm việc; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm trong khi giải quyết yêu cầu của người dân, nhất là trong các lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản, hộ tịch, lý lịch tư pháp.
Tư pháp: Tăng cường vai trò tham mưu
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cảm ơn Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cấp, các ngành của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để ngành tư pháp tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác tư pháp.
Về hoạt động ngành tư pháp tỉnh BR-VT trong năm qua, Thứ trưởng đánh giá toàn ngành thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo Chương trình, kế hoạch đề ra trong năm 2020. Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được quan tâm, cơ bản đáp ứng yêu cầu về xây dựng, kiểm tra văn bản QPPL tại địa phương. Đặc biệt công tác phổ biến giáo dục pháp luật được chú trọng, đã tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ 10 Chương trình, Đề án theo hướng dẫn của Trung ương, trong đó lĩnh vực hòa giải ở cơ sở là điểm sáng, số vụ việc hòa giải thành đạt tỉ lệ cao so với các tỉnh trong khu vực (trên 87%), góp phần giảm tải cho hoạt động của các cơ quan tố tụng.
Thứ trưởng nói: “Những kết quả nêu trên của công tác tư pháp BR-VT đã đóng góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh, được Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp ghi nhận. Năm 2020, Sở Tư pháp BR-VT được đánh giá xếp hạng A, 01 tập thể và 03 cá nhân của Sở vinh dự được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen”.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng chia sẻ với một số khó khăn mà tư pháp BR-VT gặp phải trong việc thực hiện nhiệm vụ, như: nguồn nhân lực cho hoạt động tư pháp còn hạn chế, kinh phí bố trí cho hoạt động tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn hẹp…
Về phương hướng hoạt động trong thời gian tới (năm 2021 cũng như cả giai đoạn 2021-2025), thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phân tích, so với 5 năm trước đây, vị trí, vai trò của công tác tư pháp đã có sự thay đổi về nhận thức và chủ trương thực hiện. Cụ thể, năm 2020, ở cấp Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư có 06 Kết luận, Chỉ thị về các lĩnh vực liên quan đến công tác tư pháp; Chính phủ lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc về xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, trên cơ sở đó, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 về nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật với 13 giải pháp hết sức cụ thể.
Vì vậy, để triển khai hiệu quả công tác tư pháp trong thời gian tới Thứ trưởng đề nghị ngành tư pháp tỉnh BR-VT thực hiện tốt một số giải pháp.
Trước hết, căn cứ Chỉ thị số 43 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tư pháp cần xây dựng Kế hoạch cụ thể thực hiện 13 giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ. Trong thực hiện, đề nghị Sở Tư pháp cần chủ động, sáng tạo, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình và quy định pháp luật để tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả. Căn cứ vào yêu cầu phát triển của tỉnh, Sở Tư pháp cần chủ động định hướng, phối hợp các Sở, ngành chuyên môn tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND về ban hành Văn bản QPPL, nhất là các Nghị quyết của HĐND...
Bên cạnh đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật không chỉ thực hiện ở bình diện chung, toàn thể xã hội mà cần có trọng tâm thực hiện theo các dự án, đề án chuyên đề có ảnh hưởng đến mục tiêu cụ thể, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (như: các dự án trọng điểm có thu hồi đất, đền bù, bồi thường phức tạp...). Thứ trưởng cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Thứ trưởng cũng đề nghị Sở Tư pháp quan tâm, tăng cường vai trò tham mưu những vấn đến vướng mắc, phức tạp, nhạy cảm trong thực thi, áp dụng pháp luật. Đồng thời có giải pháp huy động, phát huy vai trò của Đoàn Luật sư, Hội Luật gia tỉnh, để làm sao thực hiện tốt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ: “Tư pháp phải là người gác cổng cho Chính phủ về pháp luật”.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh BR-VT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuấn trân trọng cảm ơn và tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tư pháp và sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để triển khai thực hiện các giải pháp tổng thể trong thời gian tới.