Thứ trưởng Nông nghiệp kể chuyện 'bứt tốc' ở hồ chứa ngàn tỷ trên Tây Nguyên
'Liên tiếp 20 năm, 3 đời Bộ trưởng Nông nghiệp đều trăn trở về dòng nước Ea H'leo, về một công trình thủy lợi lớn, với nhiều lợi ích cho Tây Nguyên. Hồ Ea H'leo xong sớm nghĩa là Tây Nguyên sẽ bớt đi 'cơn khát', Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ với PLVN.
“Khích tướng” trên công trường
Hồ chứa nước Ea H’leo (Đắk Lắk) được đề cập từ thời Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, tiếp đó là Bộ trưởng Cao Đức Phát và đến nhiệm kỳ này, công trình đã hiện thực hóa.
Dòng nước Ea H’leo sắp tới không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho cả vạn đồng bào mà còn góp phần cho Tây Nguyên thêm xanh, với hàng ngàn héc ta cà phê, hồ tiêu, rừng tái sinh, thảm thực vật vùng lân cận… nhờ khả năng tưới tiêu, kiểm soát nước ngầm của công trình.
- Phải mất tới 20 năm để có được công trình quan trọng nói trên. Điều đó chứng tỏ, ngành Nông nghiệp đã phải vượt qua không ít khó khăn trước thời điểm tiến hành chặn dòng, tích nước hồ chứa Ea H’leo hôm 26/3 vừa qua, thưa Thứ trưởng?
Công trình Ea H’leo khởi công đầu năm 2019, tuy nhiên đến cuối năm đó vì một số lý do khiến công trình rơi vào một tình thế hết sức khó khăn, tưởng như “vỡ trận”. Bộ NN&PTNT, đại diện chủ đầu tư và nhà thầu lúc bấy giờ đã phải ngồi lại nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng, thẳng thắn, thậm chí có lúc gay gắt.
Vì tính cấp thiết, chúng tôi đã ra tối hậu thư với nhà thầu rằng: “Nếu các anh không đảm bảo tiến độ, theo luật chúng tôi sẽ hủy thầu, đầu thầu lại”. Sau này nghĩ lại đó như là một biện pháp “khích tướng” đối với những người lính thợ của Binh đoàn 12/Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn.
Biện pháp cứng rắn này dường như đã chạm tới lòng tự ái của những người lính trên công trường. Vì thế, không lâu sau, nhà thầu đã điều tới đây nhiều chỉ huy có kinh nghiệm, với nhiều mũi thi công tinh nhuệ nhất. Nhờ vậy, mà chỉ sau một thời gian ngắn, nhà thầu này đã dần bắt kịp được tiến độ, đáp ứng được yêu cầu chủ đầu tư đề ra, để đến hôm, tức sau 2 năm thi công, công trình đã sắp hoàn
"Ở Ea H’leo, tôi có nói vui rằng “nếu 2 người cùng làm một việc thì thích nhau, nhưng 2 người cùng thích một việc thì sẽ ghét nhau”. Với phương châm đó, Bộ đã xắn tay áo vào cuộc làm cùng nhà thầu chứ không chỉ ngồi ký, phê duyệt các thủ tục", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.
- Được biết, đơn vị trúng thầu công trình từng bỏ thầu với giá rất thấp, và đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người từng lo khó đáp ứng được yêu cầu tiến độ. Lý do nào để công trình không những không “vỡ trận” mà nhiều khả năng sẽ hoàn thành sớm?
Khi vào thầu, nhà thầu Binh đoàn 12 đã giảm giá khá sâu (hơn 20%) khiến chủ đầu tư và các cơ quan quản lý vô cùng băn khoăn không biết liệu họ có đủ sức làm không, bởi nếu đó là một công trình đập đất thì nhà thầu có thể tự cân đối, san gạt, vận chuyển để giảm chi phí xây lắp, đằng này hồ chứa nước Ea H’leo áp dụng công nghệ bê tông trọng lực, với nguyên vật liệu đầu vào là xi măng, sắt thép… phải mua, phải chi phí rất lớn.
Thực tế đó, khiến một số người có lúc còn nghi ngờ về khả năng hoàn thành của đơn vị thi công. Tuy nhiên, suốt 2 năm qua với sự nỗ lực của nhà thầu, công trình mà nhiều năm, Bộ NN&PTNT và tỉnh Đắk Lắk trông đợi - đang tiến những bước chắc chắn cuối cùng tới vạch đích.
Tại lễ chặn dòng, tích nước mới đây, tôi đã thẳng thắn nói rằng chỉ có tinh thần của những người lính mới làm được điều đó. Rõ ràng, với giá bỏ thầu thấp như thế thì chỉ có sự quyết tâm vượt nắng, thắng mưa không ngại sớm trưa của những người lính thợ và tính kỷ luật của quân đội mới giúp nhà thầu này thay đổi được cục diện trên công trường như vậy.
Chủ đầu tư cùng làm thay vì ngồi ra lệnh
- Trong “vai” chủ đầu tư, Bộ NN&PTNT đã làm gì để công trình này có thể kết thúc đúng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, dù Ea H’leo là công trình khởi công muộn nhất trong số những công trình được bố trí từ nguồn vốn này?
Khi chỉ đạo Dự án Ea H’leo, tôi có nói vui với anh, em là “nếu 2 người cùng làm một việc thì sẽ thích nhau, những 2 người cùng thích một việc thì sẽ ghét nhau”. Với phương châm đó, Bộ đã xắn tay áo vào cuộc làm cùng với nhà thầu chứ không đứng “vai” chỉ đạo của chủ đầu tư, chỉ ngồi ký, phê duyệt các thủ tục…
Nhờ đó mà nhiều vướng mắc trên công trường như khâu GPMB, mỏ vật liệu cho thi công và cả những phát sinh ngoài dự kiến về địa chất khi xử lý nền móng công trình… chúng tôi đều đã phối hợp với địa phương, các chuyên gia hàng đầu vào tháo gỡ kịp thời cho nhà thầu để đáp ứng về tiến độ, vì hồ Ea H’leo là công trình đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, phải vào vận hành trong 2021. Vì thế, không còn cách nào khác là phải xong trong 2 năm, và thực tế nó đã thành công sau 2 năm thi công.
Rút ngắn tiến độ ở đây không chỉ có ý nghĩa về kinh tế - xã hội với địa bàn hạn hán nhất Tây Nguyên mà còn giúp nhà thầu tiết kiệm được thời gian, tiền vốn, nhân công… từ đó có thể cân đối được bài toán kinh tế khi đấu thầu công trình.
- Những kinh nghiệm rút tỉa được từ công trình thủy lợi ngàn tỷ này liệu có thể đem áp dụng ở tất cả các công trình khác mà Bộ NN&PTNT đang và sẽ làm chủ đầu tư ở các địa bàn khác, thưa Thứ trưởng?
Không phải công trình thủy lợi nào trên địa bàn cả nước cũng áp dụng và xử lý các tình huống như ở Ea H’leo, vì công trình thủy lợi mỗi nơi, mỗi loại có những đặc thù khác nhau. Nhưng với những công trình lớn, Bộ đều triển khai theo phương châm cùng làm, cùng đồng hành với đơn vị xây lắp để rút ngắn thời gian và gọn nhất thủ tục trong điều kiện cho phép.
Các công trình lớn, thậm chí là lớn nhất Đông Nam Á như thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang), Tân Mỹ (Ninh Thuận), Sông Lũy (Bình Thuận), Cánh Tạng (Hòa Bình), … đều được phối hợp điều hành như vậy.
Theo tôi, trong xây dựng cơ bản, chủ đầu tư thường nắm trong tay mình một quyền lực rất lớn, và nếu “anh” không đồng hành, không chia sẽ với các nhà thầu thì sẽ tạo ra một lực cản, một trở ngại vô hình.
Ngoài ra, để các công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, thì đừng để nợ đọng, đừng gây khó dễ khi thanh toán, vì làm làm tốt những việc này sẽ tạo ra động lực, niềm tin rất lớn đối với các nhà thầu.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
"Đập chính của hồ chứa nước Ea H’leo được thi công bằng công nghệ bê tông trọng lực (bê tông lạnh). Đây là công nghệ mới có thể giúp rút ngắn tiến độ nhưng vẫn bảo đảm các tiêu chí về kỹ thuật, và lần đầu tiên được áp dụng ở một công trình thủy lợi lớn trên Tây Nguyên.
Đáng nói, ở công trình này, nhà thầu đã sử dụng tro bay của nhà máy nhiệt điện để làm phụ gia thi công nhằm gia tăng tính bền vững của công trình. Các giải pháp kỹ thuật này được Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đánh giá cao, đồng thời phù hợp với chủ trương của Bộ Xây dựng”, Thượng tá Ông Vĩnh Hòa - Phó Tư lệnh Binh đoàn 12.