Thứ trưởng Trần Duy Đông: 'EVFTA góp phần đa dạng hóa thị trường của Việt Nam'

Xét về tổng thể, EVFTA góp phần đa dạng hóa thị trường của Việt Nam, để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhất định, từ đó giúp đảm bảo an ninh kinh tế của Việt Nam.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội nghị.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra đánh giá này tại Hội nghị bàn tròn "Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa với Hiệp định EVFTA" do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26/3.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết trong gần 2 thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động các nguồn lực vào phát triển kinh tế xã hội, duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu… đóng góp quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề xã hội.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm 97%, đóng góp 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách, và thu hút hơn 5 triệu lao động.Trong mọi hoàn cảnh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn năng động, sáng tạo, nhạy bén, linh hoạt vượt qua khó khăn và thách thức, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, việc kết thúc đàm phán thành công, tiến tới ký kết và phê chuẩn hiệp định EVFTA là một chặng đường dài với sự nỗ lực cố gắng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Quốc hội, và Chính phủ Việt Nam. EVFTA được coi là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo công bằng lợi ích cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Cùng với hiệp định CPTPP đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và có hiệu từ đầu năm 2019, Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị xã hội trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do.

"Từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập quốc tế, lần đầu tiên Việt Nam đã vươn lên đi đầu với việc ký kết 14 hiệp định thương mại tự do với các đối tác; là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU; và thuộc nhóm nước đầu tiên trong ASEAN phê chuẩn hiệp định CPTPP", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% thuế nhập khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu của EU theo lộ trình.

Dẫn kết quả nghiên cứu gần đây, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 - 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, 4,57 - 5,30% trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, và 7,07-7,72% trong 5 năm sau đó. Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, so với không có hiệp định.

Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, EVFTA cũng đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Qua hội nhập kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, do năng lực cạnh tranh hạn chế. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này.

Thứ nhất, doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên gặp khó khăn khi huy động nguồn lực đầu tư vào công nghệ, trình độ quản lý và đào tạo nhân lực chất lượng cao; chưa có chiến lược đầu tư cho phát triển dài hạn. Có những doanh nghiệp còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư phát triển.

Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp hạn chế trong hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để trở thành các đối tác lâu dài, hướng đến mục tiêu phát triển chung.

Thứ ba, nhận thức của một số doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn ngắn hạn, chưa xác định được tầm nhìn dài hạn với tư duy chiến lược. Sự liên kết giữa các khu vực còn yếu và rời rạc không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp mà còn làm giảm hiệu quả xuất khẩu. Đây cũng là bài toán Chính phủ luôn trăn trở làm sao để tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp tư nhân trong nước, đồng thời thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lớn mạnh để chuyển dịch và tham gia nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị cũng như các cụm liên kết ngành, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh triển khai các giải pháp cụ thể.

Đơn cử, triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với trọng tâm là xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025, với các nội dung hỗ trợ về thị trường, hỗ trợ liên kết sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển thương hiệu, hỗ trợ về tiêu chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng, hỗ trợ về tài chính tín dụng, hỗ trợ sản xuất thử nghiệm…Triển khai Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu rộng vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thu-truong-tran-duy-dong-evfta-gop-phan-da-dang-hoa-thi-truong-cua-viet-nam-d140028.html