Thư từ Anh: Háo hức chờ đến ngày 19-7
Trong lúc cả thế giới đang lo sợ và vất vả với làn sóng nhiễm biến thể Delta (Ấn Độ) của virus SARS-CoV-2 thì chính phủ Anh lại cho phép gần 65.000 cổ động viên (CĐV) đến sân vận động Wembley cổ vũ cho tuyển Anh trong trận bán kết và chung kết Euro 2020 (diễn ra rạng sáng 12-7, giờ Việt Nam).
Tại đó, rất ít người tuân thủ nguyên tắc chống dịch Covid-19: không khẩu trang, không khoảng cách an toàn, tự do ôm nhau, nhảy múa và hò hét. Tại các thành phố lớn, một số con đường chính bị CĐV chiếm cứ, buộc các phương tiện giao thông công cộng phải dừng hoạt động. Họ vi phạm các nguyên tắc chống dịch một cách công khai mà không hề bị bất kỳ hình phạt nào.
Tại sao vậy? Đơn giản vì ở Anh trong 3 tuần qua, bóng đá là tất cả! Tỉ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 đang tăng nhanh trở lại ở vương quốc Anh trong tháng 6 và đầu tháng 7-2021 khi vòng chung kết Euro 2020 đang diễn ra. Số ca mắc tăng gấp 4 lần so với các tháng trước đó. Hơn 2.000 ca mắc mới phát hiện ở Scotland có liên quan đến các trận đấu của Euro 2020.
Tổ chức Y tế thế giới cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng 10% ở châu Âu vì Euro 2020. Trong lúc Thủ tướng Anh Boris Johnson yêu cầu tất cả người dân phải chờ đợi thêm 4 tuần (so với dự kiến) để được gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phong tỏa thì những fan bóng đá lại được hoạt động tự do.
Đến nay, khoảng 375.000 học sinh Anh buộc phải cách ly tại nhà 10 ngày vì trong lớp có người nhiễm virus SARS-CoV-2. Những hoạt động khác như đám cưới, tang lễ hay các sự kiện xã hội đều bị giới hạn số người tham dự, song duy nhất chỉ có bóng đá là được phép phá vỡ các quy tắc, luật lệ này.
Trong số các ca nhiễm mới tại Anh, biến thể Delta đã chiếm hơn 90%. Nó có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với biến thể Alpha (Anh) và cũng có khả năng "né" được hoạt động của kháng thể. Khả năng nhập viện của người nhiễm biến thể Delta cũng cao gấp đôi so với Alpha.
Biến thể này được xem là nguy hiểm nhất hiện nay khi các dòng vắc-xin hiện tại dường như hoạt động chưa hiệu quả để chống lại chúng. Theo báo cáo của Cơ quan Y tế công cộng Anh, cả hai loại vắc-xin Pfizer và AstraZeneca đều chỉ có hiệu quả khoảng 33% trên biến thể Delta (50% trên Alpha) sau 3 tuần được tiêm liều đầu tiên. Tuy nhiên, đối với người được tiêm đủ 2 liều thì vắc-xin Pfizer có hiệu quả với biến thể Delta cao hơn so với AstraZeneca (88% so với 60%).
Tỉ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 ở những người dưới 65 tuổi đã được tiêm đủ 2 liều vắc-xin thấp hơn ba lần so với những người không được tiêm. Gần 87% số người trưởng thành ở Anh được tiêm mũi thứ nhất và 65% được tiêm mũi thứ hai. Với tốc độ tiêm trung bình 260.000 liều/ngày, Thủ tướng Anh có đủ cơ sở để củng cố cho kế hoạch "giải phóng" người dân hoàn toàn vào ngày 19-7.
Sau ngày này, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể lên đến hàng chục ngàn/ngày nhưng người Anh có thể bắt đầu sống chung với dịch Covid-19 mà không phải lo sợ quá nhiều vì tỉ lệ người nhập viện và tỉ lệ tử vong sẽ thấp hơn hẳn so với trước đây. Sau ngày 19-7, người được tiêm vắc-xin hoàn toàn sẽ được tự do đi đến các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc danh sách xanh (27) và danh sách vàng (57) mà không cần phải tự cách ly khi quay trở về Anh.
Tuy nhiên, ngoài hộ chiếu, họ cần phải xuất trình thêm 3 loại giấy tờ khác, gồm: một biểu mẫu khai báo nếu có tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2, giấy chứng nhận âm tính và bằng chứng được tiêm chủng đầy đủ trước đó ít nhất 14 ngày.
Thủ tục nhập cảnh và khai báo khi người dân quay lại Anh sẽ đơn giản, được tự động hóa nhưng chắc chắn họ sẽ phải trải qua thủ tục kiểm tra khắt khe bởi các hãng hàng không và thủ tục hải quan ở nước sở tại trước khi quay lại Anh.
Chiến dịch chống Covid-19 ở Anh vẫn chưa hoàn hảo khi những người dưới 18 tuổi vẫn chưa được tiêm mũi vắc-xin nào, trừ nhóm có nguy cơ cao bị bệnh nặng khi nhiễm SARS-CoV-2. Đây là một bước tiến khá chậm so với gần 30 nước khác…
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/hao-huc-cho-den-ngay-19-7-20210711213721603.htm