Thư từ Đức: Bước qua khủng hoảng Covid-19
Đức là một trong những quốc gia có tỉ lệ phủ vắc-xin Covid-19 khả quan, với 64,1% trong số 83,89 triệu dân đã được tiêm 2 mũi, theo số liệu của Viện Robert Koch.
Tôi làm nghiên cứu về chính sách xã hội tại Trường ĐH Bremen. Bremen là thành phố cảng thuộc bang Bremen - bang có diện tích và dân số nhỏ nhất nước Đức, nơi xuất xứ hãng bia Beck’s nổi tiếng. Nơi này quanh năm âm u, ít nắng, bốn mùa rõ rệt.
Giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất là khi thành phố đóng cửa lần 2 trong khoảng nửa năm, từ tháng 11-2020 đến đầu tháng 6-2021.
Có những lúc Bremen áp lệnh giới nghiêm không cho phép ra đường sau 10 giờ tối trừ trường hợp khẩn cấp. Những tháng đầu năm 2021, vắc-xin Covid-19 khan hiếm trên diện rộng khi các hãng dược liên tục thất hẹn với Liên minh châu Âu (EU).
Về các biện pháp phong tỏa và xét nghiệm, Đức không có nhiều khác biệt với Việt Nam và thế giới. Các điểm khác biệt lớn nhất là Đức không xét nghiệm bắt buộc (nhưng có các trung tâm xét nghiệm miễn phí), không cấm đi mua hàng (nhưng yêu cầu tất cả cửa hàng bảo đảm giữ khoảng cách, có nước sát khuẩn ở cửa ra vào, giới hạn số lượng người tùy theo diện tích) và không cách ly tập trung mà cách ly tại nhà từ đầu dịch.
Tiêm ngừa không theo phường xã mà tập trung tại 2 trung tâm lớn cũng như phân về các bác sĩ gia đình để đăng ký theo thứ tự. Việc chi trả vắc-xin do các hãng bảo hiểm công lo liệu.
Bang Bremen tiêm ngừa theo 4 nhóm ưu tiên, theo mức độ quan trọng của ngành nghề (y tế, chính phủ, giáo viên…) và nhóm tuổi. Do công tác tại trường đại học nên tôi thuộc nhóm 3, được tiêm mũi Pfizer thứ hai vào ngày 25-7.
Kỷ niệm tôi nhớ nhất là lúc cả nhà đi công viên lần đầu sau nhiều tháng phong tỏa và một mùa đông kéo dài. Rất nhiều gia đình cũng đổ ra các không gian xanh công cộng để tận hưởng không khí đầu hè. Đặc biệt, các cụ già rất thích bắt chuyện với người lạ. Điều này chứng tỏ chăm lo sức khỏe tinh thần mùa dịch có ý nghĩa không kém điều trị y tế và khôi phục kinh tế.
Về mặt kinh tế, chính phủ Đức tung ra rất nhiều gói hỗ trợ người dân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì đây là trụ cột của kinh tế Đức. Các doanh nghiệp bán lẻ lớn thường xuyên có những chương trình kích cầu, mặc dù Đức thiên về xuất khẩu - tiết kiệm hơn là tiêu dùng.
Đối với cộng đồng người Việt, do phần lớn thế hệ đầu sang Đức - theo diện xuất khẩu lao động, học tập hoặc theo làn sóng di cư những năm 1980 - đều làm trong ngành dịch vụ như nhà hàng, tiệm làm móng… nên bị tác động nghiêm trọng. May là trợ cấp của chính phủ bảo đảm được mức sống tối thiểu nên không có tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc hay phải mất nhà.
Với tốc độ tiêm ngừa hiện nay ở Việt Nam, tin rằng dịch bệnh sẽ sớm trở thành trạng thái bình thường mới. Tất nhiên phục hồi kinh tế là quan trọng nhất nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh việc bảo đảm công bằng xã hội và tái phân phối sau đại dịch tại Việt Nam.
Dịch bệnh vừa qua đã phần nào cho thấy tình trạng lao động không chính thức, phát triển đô thị nóng và không đồng đều cũng như thiếu hụt các khoản đóng góp (từ người dân) và chi tiêu xã hội (từ chính phủ) đã tác động tiêu cực đến khả năng cầm cự của người dân và nền kinh tế.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/buoc-qua-khung-hoang-20211009211243884.htm