'Thư từ Roma': Bài 2 – Đi học tuổi 50
Bài 2 trong loạt bài 'U50 đi du học' của tác giả Tô Phương Thủy – Đi học tuổi 50: Nỗi sợ thay đổi và hành trình tìm lại niềm vui.
Đi học tuổi 50: Nỗi sợ thay đổi và hành trình tìm lại niềm vui?
Hãy hình dung, tôi là người có một sự nghiệp khá thành công, từng đứng lớp, thuyết trình và chia sẻ kiến thức cho cả trăm người, giờ đây, trở lại giảng đường cùng những người mới tốt nghiệp đại học. Thời sinh viên, do gia đình ở Hà Nội, nên tôi chưa từng phải trải qua sự gian khó đi thuê nhà, hay cuộc sống trong ký túc xá. Và ở tuổi chạm 50, tôi quay ngược thời gian để trải nghiệm cuộc sống xa nhà, thuê phòng trọ 8m2 ở cùng một gia đình người Roma bản địa.
Đầu tiên, phải khẳng định việc vượt qua trở ngại tâm lý "mình cũng là ai đó" để đi học lại thật không dễ dàng. Tôi, tạm gọi, là người cũng được biết đến và có vị trí nho nhỏ trong xã hội, khimột thời gian dài làm việc tại một tờ báo có tiếng, trước khi đảm nhận cương vị Giám đốc Truyền thông của tập đoàn đa quốc gia, và sau đó, là một ngân hàng lớn. Vì vậy, trước khi chính thức sang nhập học tại Rome, tôi đã phải thử xem bản thân có thể thích ứng thế nào, cả về tâm lý và tiện nghi đơn sơ, khi tham gia học tiếng cùng các sinh viên nhận học bổng Erasmus sang Ý cùng thời gian với tôi, tại Đại học Hà Nội (HANU).
Do vẫn đang làm việc, nên tôi thường đến lớp muộn sau giờ làm. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên trước khi bước vào lớp học, tôi đứng bên ngoài hành lang, hít thở thật sâu và định thần chừng 10 phút. Không bất ngờ khi tôi mở cửa bước vào, cả cô giáo và các bạn sinh viên đều lên tiếng "Chào cô!" Tôi là sinh viên già nhất lớp, vị trí đó, rõ ràng, không ai muốn giành của tôi!
Lại nói về độ tuổi, khi nộp đơn, tôi đã thử sức với danh sách liệt kê khoảng 10 trường. Tuy nhiên, các trường đều lịch sự từ chối, vì độ tuổi lớn nhất mà họ nhận là 40. Còn lại có 2 trường ở Palermo và Rome hé mở cánh cửa cho tôi cơ hội.
Mọi ngả đường đều dẫn về thành Rome!
Ban đầu, tôi lựa chọn học cao học tại Đại học Palermo vì hai nguyên nhân: Đó là quê hương của Bố Già Don Corleone mà tôi mê mệt qua tiểu thuyết. Thêm nữa, khí hậu vùng biển miền Nam nước Ý rất ấm áp, phù hợp với người như tôi.
Thủ tục nhập học tại Palermo đã gần xong, cho đến khi đại diện Trung tâm văn hóa Ý tại HANU tư vấn: "Chị ở Palermo e là không hợp, vì sẽ buồn…" Vậy là hành trình của tôi được nắn lại đến thành Rome, chỉ trước khi nhập học hơn 3 tháng.
UNINT – Đại học Quan hệ Quốc tế - là một trường tư nhỏ xinh, nằm ngay cạnh tòa nhà hành chính Vùng Lazio mà Rome là thủ phủ. Trong khóa cao học thuộc chương trình Economics and International Management, chỉ có duy mình tôi gốc Á. Các sinh viên còn lại đa số là người Ý, hoặc gốc Âu từ Bỉ, Pháp, Nga, Bulgaria, Tây Ban Nha, hay Albania…
Cũng như chương trình học tại các nền giáo dục tiên tiến khác, các trường tại Ý chú trọng vấn đề tự học. Giảng viên đại học và cao học, thường được trân trọng gọi theo kính ngữ Professore (Giáo sư). Vì là Đại học Quan hệ Quốc tế, đa số các giảng viên đều là quan chức tại Bộ Ngoại giao Ý, NATO hoặc từ Nghị viện Châu Âu.
"Bánh ngọt, hay cây gậy"
Chương trình không được xếp theo lớp, mà theo các môn học. Tuy nhiên, các giảng viên tại Ý, cũng như tại UNINT nơi tôi theo học khá chặt chẽ về việc theo học đầy đủ các buổi học, và một số giáo sư sẽ thực hiện việc điểm danh tại lớp học. Nếu nghỉ quá 25% số buổi, tôi sẽ bị truất quyền thi hết môn, và có thể sẽ bị mất học bổng. Giáo sư môn học về "Lịch sử quan hệ quốc tế" còn đe thẳng thừng "Các bạn sẽ có "bánh ngọt" nếu đi học đầy đủ, còn không cây gậy "khỏi thi" đang chờ".
Tuy nhiên, UNINT khuyến khích sinh viên có thể tham dự học online, vì vậy, đây cũng là một lựa chọn thích hợp khi lỡ… ngủ nướng, hay bị trễ xe buýt. Tôi chưa từng học online buổi nào, có lẽ cũng bởi đã qua thời tuổi trẻ thèm ngủ cả ngày không biết mệt.
Danh sách tài liệu đọc thêm của mỗi môn học dài cả trang, trong lúc sách mua khá đắt. Vì vậy, tôi thường tranh thủ mượn đọc tại thư viện, hoặc đem về nhà nghiên cứu trong vòng 1 tuần. Sách cần được trả lại, trước khi có thể mượn tiếp, nếu muốn đọc thêm. Tại buổi đầu khi mới vào thư viện, tôi được người thủ thư tự động ghi danh "Professore". Âu cũng vì cái vẻ ngoài nghiêm nghị và cả độ tuổi trở lại giảng đường không giống ai của tôi.
"Mọi ngả đường đều dẫn về thành Rome" chỉ là cách dẫn lại câu nói đã quá nổi tiếng về sức ảnh hưởng của văn minh La Mã. Vì trên thực tế, các trường đại học của Ý khá lâu đời và trải dài từ miền Nam đến miền Bắc. Trong nhóm gần 30 sinh viên sang Ý du học cùng đợt với tôi, dường như có một mình tôi đến Rome. Còn lại, các em sẽ theo học tại Sienna, Florence, Bologna và nhiều tỉnh thành nổi tiếng khác của Ý.
Một số hình ảnh về Đại học Quan hệ Quốc tế UNINT. Ảnh: Tô Phương Thủy.
Rất nhiều sinh viên Việt Nam, trong đó có các sinh viên sang Ý cùng khóa với tôi, được nhận học bổng Erasmus ngắn hạn 6 tháng, hoặc nếu theo chương trình đại học và thạc sĩ có thể nhận Học Bổng Chính Phủ Ý (Invest Your Talent in Italy), Học Bổng Bộ Ngoại Giao Ý (MAECI), Học Bổng Trường, hoặc Học bổng/trợ cấp Vùng. Tôi thuộc nhóm cuối, nhận trợ cấp học bổng Vùng.
Và nước Ý vẫn đang hào phóng ôm chúng tôi vào lòng, với những trải nghiệm thật khó quên!
(còn nữa)