Thứ tự ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Bạn đọc Nguyễn Văn Tâm ở xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết thứ tự ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 5 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30-6-2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (có hiệu lực từ ngày 15-8-2022). Cụ thể như sau:

1. Ưu tiên hỗ trợ trước cho các đối tượng theo thứ tự:

a) Hộ nghèo dân tộc thiểu số;

b) Hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng;

c) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội;

d) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật);

đ) Hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai;

e) Các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại.

2. Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cùng mức độ ưu tiên, việc hỗ trợ được thực hiện theo thứ tự sau:

a) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở hư hỏng, dột nát (làm bằng các vật liệu nhanh hỏng, chất lượng thấp) có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn;

b) Hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở (là hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở riêng, hiện đang ở cùng bố mẹ nhưng đã tách hộ, ở nhờ nhà của người khác, thuê nhà ở-trừ trường hợp được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước);

c) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có đông nhân khẩu.

* Bạn đọc Nguyễn Chí Thành ở xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự. Cụ thể như sau:

1. Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

2. Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý.

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/thu-tu-uu-tien-ho-tro-nha-o-cho-ho-ngheo-ho-can-ngheo-705459