Thủ tục cai nghiện tại nhà rườm rà, không hiệu quả

Ngày 25/6, tại TP Hồ Hồ Chí Minh diễn ra Hội Thảo thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma túy và phòng chống HIV/AIDS do Ủy ban các vấn đề của xã hội của Quốc Hội tổ chức. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 25 và 26/6.

Hiện nay, cả nước có 102 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó 97 cơ sở cai nghiện công lập và 15 cơ sở cai nghiện ngoài công lập, với công suất theo thiết kế cho 50.082 người cai nghiện.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay cơ sở vật chất và cán bộ của cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ đáp ứng khoảng 20 – 30% số người nghiện ma túy, nếu đưa tất người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện sẽ gây áp lực rất lớn cho các cơ sở này.

Đại diện Cục phòng Chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phát biểu

Đại diện Cục phòng Chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phát biểu

Ngoài ra, hiện có 16 cơ ở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập và được cấp giấy phép hoạt động cai nghiện theo quy định. Tính đến 30/5 đã điều trị cho 1.103 người, số người nghiện đang được cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tự nguyện 746 người. Chỉ có 13/63 tình thành phố tổ chức điều trị nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, 5 tháng đầu năm 2020 đã cai nghiện cho 1.711 người nghiện.

Tại hội thảo, Trung tá Hoàng Văn Hiều, Phó trưởng phòng 2, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, cho biết hiện nay cả nước có hơn 230.000 người nghiện ma túy. Thời gian qua, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến rất phức tạp, nhất là việc sử dụng ma túy tổng hợp. Tất nhiên không phải ai sử dụng ma túy là nghiện ngay, mà phải có một quá trình. Các dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar hoạt động mạnh mẽ, thu hút giới trẻ vào để sử dụng ma túy.

Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phát biểu

Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phát biểu

Pháp luật hiện hành quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, không đủ sức răn đe. Sau khi xử phạt, cơ quan chức năng cũng không có cơ chế quản lý nên họ lại tiếp tục sử dụng ma túy, dẫn đến nghiện ma túy. Cần có cơ chế để quản lý, ngăn ngừa họ trở thành người nghiện ma túy.

Trung tá Hoàng Văn Hiều đề nghị ưu tiên cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, điều trị bằng thuốc thay thế. Sau đó nếu vẫn vi phạm thì mới đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng phải do cơ quan chuyên môn thực hiện (đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, xã hội) với sự tham gia phối hợp của gia đình, các tổ chức xã hội tại cộng đồng dân cư; phải giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức mạng lưới cung cấp dịch vụ trên cơ sở các cơ quan y tế, xã hội sẵn có ở địa phương, đáp ứng nhu cầu cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chứ không nên giao cho Chủ tịch UBND cấp xã quản lý thông qua một tổ cai nghiện, thời gian qua hầu như đều đổ dồn lên vai lực lượng Công an.

Một số đại biểu cho rằng, hiện Luật Cư trú thì sử dụng “nơi thường trú”, “nơi tạm trú”, còn trong Luật phòng, chống ma túy thì sử dụng “không có nơi cư trú ổn định” và “có nơi cư trú ổn định”. Cần thống nhất sử dụng để việc thực thi thuận lợi, nhất là việc xác định nơi cư trú của người nghiện ma túy.

Đại diện Bộ Tư pháp phát biểu

Đại diện Bộ Tư pháp phát biểu

Bên cạnh đó, nên chia độ tuổi từ 12 đến dưới 16 tuổi, từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và từ 18 tuổi trở lên. Vì theo quy định hiện hành, từ 12 đến dưới 18 tuổi không đưa vào cai nghiện bắt buộc, trong khi thời gian gần qua xảy ra nhiều vụ việc về ANTT trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có liên quan đến ma túy.

Quy định hiện hành khi đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải thông qua tòa án, điều này rất khó thực hiện. Bởi sau khi Công an làm thủ tục, có gia đình người nghiện ma túy đồng ý đưa đi cai nghiện bắt buộc, nhưng phải được sự đồng ý của tòa án. Mà thời gian từ 3 đến 6 tháng tòa mới quyết định, trong thời gian này những người này còn ở ngoài xã hội, vậy ai quản lý? Do vậy, không nên thông qua tòa án, vì thủ tục này rất rườm rà, không hiệu quả.

Theo PGS.TS. BS Đỗ Văn Dũng, Trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cần hướng dẫn tập trung vào can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng ATS (chất kích thích dạng AMPHETAMINE) chứ không hướng dẫn cho tất cả các loại ma túy tổng hợp. Kêu gọi các ban, ngành quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ ngành y tế thực hiện các can thiệp ngành giảm bớt gánh nặng của ATS lên sức khỏe cộng đồng và xã hội.

PGS.TS. BS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh phát biểu

PGS.TS. BS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh phát biểu

Bà Marie Odile Emond, Giám đốc Quốc gia cơ quan phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, nên thay thế “tệ nạn ma túy” bằng từ “rối loạn sau sử dụng ma túy”, “cai nghiện” thành “điều trị nghiện” ma túy. Vì sử dụng từ “tệ nạn ma túy” tạo sự kỳ thị và nếu đã nghiện thì phải điều trị. Đồng thời, khuyến khích cai nghiện tại cộng đồng, cai nghiện bắt buộc chỉ là giải pháp sau cùng. Bởi cai nghiện bắt buộc không hiệu quả cao và rất tốn kém cho nhà nước, luật sửa đổi nên hạn chế biện pháp này.

Bà Marie Odile Emond cho rằng cần tăng cường cai nghiện ma túy tại cộng đồng

Bà Marie Odile Emond cho rằng cần tăng cường cai nghiện ma túy tại cộng đồng

Bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng cũng cho rằng nên tăng cường hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. “Sự hiểu biết của nhân dân và và các cơ quan về nghiện ma túy cần điều trị nhiều lần và kết hợp với các biện pháp tư vấn, xã hội về dự phòng tái nghiện chứ không nên đưa vào môi trường cách ly khép kín”, bà Oanh nói.

Bà Khuất Thị Hải Oanh cũng có ý kiến cần tăng cường cai nghiện ma túy tại cộng đồng

Bà Khuất Thị Hải Oanh cũng có ý kiến cần tăng cường cai nghiện ma túy tại cộng đồng

Hiện còn một số bất cập trong quy định của pháp luật trong công tác cai nghiện ma túy. Đó là số lượng người nghiện ma túy và số chất ma túy tăng nhanh, gây khó khăn, tạo sức ép rất lớn đối với công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy. Các quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng không phù hợp thực tiễn, không khả thi; quy định về đối tượng, trình tự thủ tục hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc chồng chéo, phức tạp; thời gian cai nghiện bắt buộc quy định cứng nhắc không phù hợp với người nghiện các chất ma túy mới…

Theo ông Cao Văn Thành, Phó Cục trưởng phụ trách Cục phòng Chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cần thống nhất hai khái niệm “người nghiện ma túy” và “cai nghiện ma túy” để làm rõ bản chất là cơ sở cho việc đặt ra các quy định về cai nghiện ma túy cũng như đánh giá hoạt động cai nghiện ma túy hiện nay.

Còn về cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, ông Thành cho biết việc này giao cho UBND cấp xã gần 20 năm, quy định này không khả thi. Bởi vì UBND cấp xã là cơ quan hành chính, trong khi cai nghiện ma túy lại mang tính chuyên môn kỹ thuật… Do đó, việc cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phải do cơ quan chuyên môn thực hiện, nên giao cho UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/co-so-cai-nghien-bat-buoc-chi-dap-ung-khoang-20-30-so-nguoi-nghien-ma-tuy-600397/