Thủ tục cấp phép điện tái tạo ở Pháp dễ hay khó?
Tuần trước, Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn Dầu khí TotalEnergies, ông Patrick Pouyanné đã than thở với các nghị sĩ Pháp về sự phức tạp của các thủ tục pháp lý để cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo trong nước, trong khi Chính phủ đang muốn tăng tốc độ lắp đặt.
Ông Pouyanné xuất hiện trước Quốc hội trong khuôn khổ Ủy ban điều tra về chủ quyền và độc lập năng lượng của Pháp, cho biết: “Cần 14 giấy phép để thành lập một nhà máy năng lượng mặt trời ở Pháp”.
Nhân dịp này, CEO TotalEnergies đã nói về nghịch lý giữa “tình trạng khẩn cấp về khí hậu” và khả năng tiếp cận đất đai giống như một “cuộc chạy đua marathon hành chính”, trong khi dự luật tăng tốc về năng lượng tái tạo được Thượng viện thông qua trong lần đọc đầu tiên vào đầu tháng 11/2022.
Văn bản này nhằm tập trung vào năng lượng gió ngoài khơi - một trong những “ưu tiên” - theo ông Pouyanné và năng lượng mặt trời. Đồng thời, một dự luật của Chính phủ nhằm đẩy nhanh việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân sẽ được các nghị sĩ xem xét vào đầu năm 2023, có thể sớm nhất là vào cuối tháng 12. Ông Pouyanné cho biết: “So với số megawatt mà chúng tôi lắp đặt, tỷ lệ nhân viên trong các công ty năng lượng tái tạo của chúng tôi ở Pháp và châu Âu cao gấp đôi so với các quốc gia khác, bởi vì chúng tôi phải quản lý tất cả những điều này”.
"Kết quả là: Hiện tại ở Pháp, chúng tôi đang lắp đặt những gì cần để đi đúng hướng với các mục tiêu thiết lập năng lượng tái tạo vào năm 2023", ông nói.
TotalEnergies tiến hành các dự án năng lượng mặt trời và gió ở Pháp, cũng như ở nước ngoài tại các nước như Qatar, Hàn Quốc, Anh và Brazil. Ông nói thêm: “Nếu chúng ta thực sự muốn đẩy nhanh các vấn đề về xây dựng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời và gió, chúng ta cần phải tìm ra cách để trình bày kế hoạch không gian rõ ràng, đây có thể là trách nhiệm của chính quyền địa phương và khu vực”.
Ông Patrick Pouyanné cũng thừa nhận trước các nghị sĩ rằng ông chưa bao giờ là một “fan cuồng” của năng lượng hạt nhân, đây là thứ mà ông muốn tránh xa, đặc biệt là kể từ sau thảm họa Fukushima vào 3/2011. “Rủi ro này thực sự tồn tại, và chúng tôi nghĩ rằng không thể đưa nó vào bảng tổng kết của chúng tôi”, ông nói, đồng thời cảnh báo các nghị sĩ: “Đừng lơ là với rủi ro này”.