Thủ tục đề nghị xác định lại mức độ khuyết tật

Bà Trần Thị Loan (Hà Tĩnh) 66 tuổi, đang hưởng chế độ trợ cấp với người bị khuyết tật nặng, nay bị thêm tai biến, liệt nửa người không đi lại được, sống phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc hỏi, trường hợp của bà Loan như nêu trên có được khám để hưởng chế độ khuyết tật đặc biệt nặng không? Nếu đang hưởng chế độ trợ cấp khuyết tật nặng thì có được hưởng chế độ người nuôi dưỡng không? Nếu được thì hồ sơ, thủ tục như thế nào? Liên hệ với cơ quan nào để được giải quyết?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 2/1/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện và Thông tư số 08/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi Thông tư, Thông tư liên tịch có quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận nơi cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đề nghị bà Loan khi có nhu cầu xác định lại mức độ khuyết tật thì người đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật làm hồ sơ theo quy định tại Thông tư gửi Chủ tịch UBND cấp xã nơi cư trú theo quy định của pháp luật.

Chế độ người nuôi dưỡng, chăm sóc

Căn cứ tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định về chế độ đối với hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội như sau:

"2. Hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng quy định tại Khoản 6 Điều 5 Nghị định này bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:

a) Mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được quy định như sau:

- Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi;

- Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi một con dưới 36 tháng tuổi hoặc nuôi hai con dưới 36 tháng tuổi trở lên;

Trường hợp người khuyết tật thuộc diện hưởng các hệ số khác nhau quy định tại điểm này thì chỉ được hưởng một hệ số cao nhất;

Trường hợp cả vợ và chồng là người khuyết tật thuộc diện hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng quy định tại điểm này thì chỉ được hưởng một suất hỗ trợ kinh phí chăm sóc.

b) Trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang hưởng trợ cấp xã hội quy định tại Khoản 6 Điều 5 Nghị định này nhưng mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.

c) Hộ gia đình đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc hệ số một (1,0).

d) Hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc với hệ số được quy định như sau:

- Hệ số 1,5 đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng;

- Hệ số 2,5 đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng".

Như vậy, người chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng khuyết tật nặng không được hưởng chế độ mà chỉ có người chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bị khuyết tật đặc biệt nặng mới được hưởng các chế độ kinh phí hỗ trợ cho người nuôi dưỡng, chăm sóc cho đối tượng bảo trợ xã hội.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/thu-tuc-de-nghi-xac-dinh-lai-muc-do-khuyet-tat-102240219113820724.htm