Thủ tục lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt thế nào?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu, trong đó Bộ đề xuất quy định hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất quy định mới về hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt - Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất quy định mới về hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt - Ảnh minh họa

Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về "Hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt".

Trường hợp gói thầu mua thuốc, vaccine, thiết bị y tế thông qua các tổ chức quốc tế

Theo đó, đối với trường hợp: "Gói thầu mua thuốc, vaccine, thiết bị y tế thông qua các tổ chức quốc tế; gói thầu mua thuốc, vaccine trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh, bảo đảm và điều kiện khác trong quá trình thực hiện hợp đồng", hồ sơ, thủ tục như sau:

Cơ quan, đơn vị được Bộ trưởng Bộ Y tế giao lập hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

Bộ trưởng Bộ Y tế giao cơ quan, đơn vị trực thuộc thẩm định trước khi xem xét, quyết định.

Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt gồm tờ trình và các văn bản, tài liệu liên quan. Tờ trình phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt bao gồm những nội dung: thông tin cơ bản về dự án, dự toán mua sắm, gói thầu (tên dự án, dự toán mua sắm, gói thầu; nguồn vốn, tổng mức đầu tư của dự án, giá trị dự toán mua sắm, giá gói thầu; thời gian dự kiến thực hiện; các nội dung cần thiết khác); giải trình về sự cần thiết và điều kiện đặc thù đối với một hoặc một số nội dung quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật Đấu thầu (được sửa đổi, bổ sung năm 2024); dự thảo phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt gồm những nội dung chủ yếu sau: quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu và các nội dung liên quan khác để đáp ứng các điều kiện đặc thù của gói thầu, dự án, bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, giải pháp thực hiện khả thi, hiệu quả.

Đối với gói thầu có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ

Theo dự thảo, cơ quan, đơn vị được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (Thủ trưởng cơ quan trung ương), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao lập hồ sơ trình Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cơ quan, đơn vị trực thuộc thẩm định và lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao theo từng lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý về sự cần thiết và điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ đối với gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm; ý kiến của các cơ quan liên quan khác (nếu cần thiết) trước khi xem xét, quyết định.

Hồ sơ trình bao gồm tờ trình và các văn bản, tài liệu liên quan. Tờ trình về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt bao gồm những nội dung: thông tin cơ bản về dự án, dự toán mua sắm, gói thầu (tên dự án, dự toán mua sắm, gói thầu; nguồn vốn, tổng mức đầu tư của dự án, giá trị dự toán mua sắm, giá gói thầu; thời gian dự kiến thực hiện; các nội dung cần thiết khác); giải trình về sự cần thiết và điều kiện đặc thù liên quan tới lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thỗ dẫn đến không thể đáp ứng điều kiện về lựa chọn nhà thầu quy định tại các điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của Luật Đấu thầu.

Gói thầu mua vé máy bay cho đoàn đi công tác trong nước và quốc tế

Đối với gói thầu mua vé máy bay cho đoàn đi công tác trong nước và quốc tế, hồ sơ và thủ tục thực hiện như sau:

Đối với đoàn đi công tác quốc tế, căn cứ kế hoạch công tác và hành trình bay được duyệt, cơ quan, đơn vị được giao kinh phí và nhiệm vụ mua vé máy bay lấy tối thiểu 02 báo giá của 02 đại lý bán vé máy bay khác nhau (hoặc báo giá của 01 đại lý bán vé máy bay của ít nhất 02 hãng hàng không khác nhau, trong đó có hãng hàng không quốc gia Việt Nam) với cùng hành trình bay để xem xét, so sánh và lựa chọn đơn vị cung cấp vé máy bay trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu: đường bay trực tiếp, phù hợp với lịch công tác; tổng các khoản chi tiền vé (bao gồm các khoản thuế và phụ phí), tiền đi đường, tiền chờ đợi tại sân bay thấp nhất. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao kinh phí và nhiệm vụ mua vé máy bay ký hợp đồng với nhà cung cấp bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trường hợp thay đổi đường bay ở nước ngoài do nhu cầu công tác thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao kinh phí quyết định việc mua vé trên cơ sở đề nghị của trưởng đoàn công tác.

Đối với đoàn đi công tác trong nước: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao kinh phí và nhiệm vụ mua vé máy bay ký hợp đồng với nhà cung cấp bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Việc mua vé máy bay cho các đoàn đi công tác trong nước và quốc tế theo quy định trên không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Lan Phương

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/thu-tuc-lua-chon-nha-thau-trong-truong-hop-dac-biet-the-nao-102241217150756289.htm