Thủ tục nộp thuế có nhiều cải thiện mạnh mẽ!

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo tình hình triển khai các Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ góc nhìn của doanh nghiệp (DN).

Chỉ số nộp thuế là lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều cải thiện mạnh mẽ được ghi nhận trong Doing Business 2020. Tuy đã làm được rất nhiều việc nhưng so với kỳ vọng của các DN Việt Nam thì ngành thuế vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Việc cải cách các thủ tục hành chính thuế theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu thời gian và chi phí cho DN luôn là mục tiêu được ưu tiên ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo Nghị quyết 02/2019/NQ-CP, Chính phủ đặt ra mục tiêu cải thiện chỉ số Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội trong Báo cáo Doing Business lên 30 - 40 bậc so với kết quả Doing Business 2019, trong đó năm 2019 (năm công bố báo cáo Doing Business 2020), thứ hạng của Việt Nam cần tăng 7 - 10 bậc.

Thủ tục nộp thuế đã có nhiều cải cách thuận lợi cho DN. Ảnh tư liệu

Thủ tục nộp thuế đã có nhiều cải cách thuận lợi cho DN. Ảnh tư liệu

Theo Doing Business 2020, các giá trị bình quân về số lần thực hiện nộp thuế, thời gian (số giờ bỏ ra cho việc nộp thuế hàng năm) và giá trị tổng thuế suất và các khoản phải nộp so với lợi nhuận tại Việt Nam đều đã giảm đáng kể so với Doing Business 2019. Trong khi đó, chỉ tiêu “Chỉ số sau nộp thuế” gần như không thay đổi điểm số. Kết quả này có sự cải thiện rất tích cực so với năm trước đó.
Trong năm 2019, ứng dụng công nghệ thông tin được xem là một điểm sáng đáng ghi nhận của ngành thuế. Đây chính là một trong hai cải cách của Việt Nam được ghi nhận trong báo cáo Doing Business 2020.

Tổng cục Thuế đã tiếp tục nâng cấp và áp dụng hệ thống mới cho Dịch vụ thuế điện tử (eTax) để thay thế hệ thống Khai thuế điện tử (nhantokhai.gdt.gov.vn) và nộp thuế điện tử (nopthue.gdt.gov.vn) trước đây, giúp DN tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian.

Kết quả khảo sát sự hài lòng của DN về TTHC thuế mới đây, 9 nhóm nghĩa vụ thuế mà VCCI đặt câu hỏi với DN đều nhận được đánh giá là dễ hoặc tương đối dễ từ ít nhất 80% DN tham gia trả lời. Còn theo kết quả khảo sát chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, khoảng một nửa số DN trên toàn quốc đánh giá tích cực về chuyển biến trong lĩnh vực TTHC thuế.

Đáng quan tâm, bên cạnh đó, cũng theo kết quả điều tra PCI, ở các địa phương, cơ quan thanh tra, kiểm tra DN nhiều nhất là cơ quan thuế (39%), với khoảng 21% DN cho biết niên độ thanh/kiểm tra chồng chéo, trùng lặp và 23% nghĩ rằng nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp.

Một điều đáng lưu ý khác mà ngành thuế cần cải thiện đó là có đến 33% DN bày tỏ quan ngại rằng kết quả thanh tra, kiểm tra có thể bị suy diễn bất lợi cho DN. Dù vấn đề thanh kiểm tra trùng lặp còn chưa được ngành thuế giải quyết triệt để, những tín hiệu tích cực đã xuất hiện khi ngành thuế triển khai hình thức thanh tra, kiểm tra dựa trên đánh giá mức độ rủi ro.

Theo kết quả khảo sát của VCCI, trong số các DN tự nhận có rủi ro từ trung bình đến rất cao, thực tế 61% DN đã bị cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra trong năm 2019. Như vậy, trong khi tỷ lệ trung bình DN trên toàn quốc bị thanh, kiểm tra thuế là khoảng 42% thì tỷ lệ DN tự nhận có rủi ro bị thanh tra, kiểm tra là 61% (cao hơn 19 điểm phần trăm so với tỷ lệ trung bình chung).

Điều này phản ánh, việc lựa chọn DN để thanh kiểm tra dựa trên cơ chế quản lý rủi ro cho độ chính xác tương đối tốt. Như vậy, khi hệ thống quản lý thuế trên cơ chế rủi ro tiếp tục được hoàn thiện, việc thanh, kiểm tra sẽ dần đúng đối tượng hơn và giảm bớt gánh nặng thanh kiểm tra đối với các DN tuân thủ tốt pháp luật thuế.

Nguyên An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thu-tuc-nop-thue-co-nhieu-cai-thien-manh-me-174848.html