Thủ tục phát mại tài sản thế chấp
Khách hàng A vay tiền của Quỹ tín dụng. Trước khi vay vốn Quỹ tín dụng có làm đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất tại huyện.
Thời điểm vay vốn khách hàng chưa có GCNQSD đất (do khu vực nông thôn địa phương chưa có giấy CNQSD đất). Khách hàng sau đó tiếp tục mang GCNQSD đất đi vay tại ngân hàng khác. Nay khách hàng không có khả năng trả nợ, Vậy Quỹ tín dụng có thể làm thủ tục thanh lý tài sản thế chấp được không.
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất: Điều kiện thế chấp quyền sử dụng đất.
Điều kiện để thế chấp quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 167 Luật đất đai năm 2013 quy định quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất như sau:
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Luật Đất Đai 2013 tại Điều 168. Thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.
Trường hợp thế chấp bạn nêu trên, mặc dù chưa có Giấy chứng nhận nhưng quỹ đã cho vay thông qua thế chấp. Nên nếu đã có đất nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không thuộc trường hợp được thế chấp quyền sử dụng đất.
Thứ hai: Điều kiện tài sản đảm bảo nhiều nghĩa vụ
Căn cứ Điều 4 Nghị định 163/2006/NĐ-CP thì tài sản bảo đảm (hay tài sản thế chấp, cầm cố) là tài sản mà một bên dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự với một bên khác. Trong đó, tài sản thế chấp là tài sản hiện có hoặc hình thành trong tương lai theo Điểm a, Khoản 2, Điều 118 Luật Nhà ở 2014.
Bên cạnh đó, theo Điều 296 BLDS 2015, một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện cho nhiều nghĩa vụ nếu thỏa mãn các điều kiện:
- Giá trị tài sản lớn hơn tổng các nghĩa vụ đang thực hiện tại thời điểm thế chấp;
- Bên thế chấp phải thông báo về tình trạng tài sản đang thế chấp cho ngân hàng nhận thế chấp tiếp theo;
- Khi thực hiện thế chấp tài sản thì phải được lập thành văn bản;
Nếu khách hàng của bạn đáp ứng được các điều kiện nêu trên thì có thể sử dụng tài sản đó để bảo đảm thực hiện cho các nghĩa vụ khác tuy nhiên phải thông báo về tình trạng tài sản đang thế chấp cho ngân hàng nhận thế chấp tiếp theo.
Các trường hợp xử lý tài sản bản đảm được pháp luật quy định tại điều 299 BLDS 2015 như sau:
Điều 299. Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm
1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Như vậy, nếu đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng mà bên khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa hoặc theo thỏa thuận của các bên thì bên nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản bảo đảm. Do bên thế chấp thế chấp một tài sản cho nhiều nghĩa vụ tại cả Quỹ tín dụng và một bên ngân hàng khác nên khi thực hiện thanh lý tài sản bảo đảm, bạn phải thực hiện thông báo bằng văn bản trong một thời gian hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác theo quy định về thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo điều 300 BLDS 2015. Tuy nhiên, trường hợp của tổ chức nên thỏa thuận với khách hàng về việc thanh toán.