Thủ tướng Abe thăm TQ: Tạm tan băng của đối đầu Trung - Nhật?

Dù quan hệ hai bên đang thay đổi theo chiều hướng tích cực sau nhiều năm căng thẳng, Trung - Nhật vẫn đứng trước nhiều thách thức trong việc 'đưa quan hệ trở về bình thường.

Tại cuộc tiếp Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đến Bắc Kinh hồi đầu năm, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngỏ lời khen chiếc cà vạt màu đỏ tươi ông Kono đang đeo.

Truyền thông Nhật Bản lập tức dậy sóng, nhiều tờ báo nhận định lời khen này cho thấy thái độ trịch thượng của Trung Quốc khi ông Lý ngụ ý rằng với việc đeo cà vạt màu đỏ, ngoại trưởng Nhật Bản đang tỏ ra lo lắng trong việc “lấy lòng” Trung Quốc, vì màu đỏ mang ý nghĩa cầu may mắn.

Nhà báo Anthony Rowley của South China Morning Post nhận định chỉ với một sự kiện tưởng chừng như không đáng kể, quan hệ mong manh giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã được khắc họa rõ nét.

Lịch sử 40 năm khi là bạn, lúc là thù

Trung Quốc và Nhật Bản có đủ lý do để làm bạn, cũng như trở thành kẻ thù. Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972, hai nước đi qua nhiều thời kỳ nồng ấm cũng như căng thẳng. Khoảnh khắc Hiệp định Hòa bình và Hữu nghị Trung - Nhật có hiệu lực vào ngày 23/10/1978 được xem là “tuần trăng mật” giữa hai quốc gia.

Việc cam kết ngưng sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, chấm dứt gần một thế kỷ thù hận được ví như trang sử mới, là tâm điểm của cuộc hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và nguyên thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda. Đến tháng 11/1983, cựu tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang và cựu thủ tướng Nhật Bản Yasuhiro Nakasone đồng ý thành lập Ủy ban Hữu nghị Nhật - Trung Thế kỷ 21, hướng đến một kỷ nguyên hợp tác mới.

Những viên gạch giúp xây dựng các cột mốc này là sự tương đồng và sợi dây gắn kết truyền thống giữa hai quốc gia: sự gần gũi về mặt địa lý, văn hóa, phong tục và tôn giáo, cũng như lịch sử giao thương từ thời nhà Đường. Vào thời Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc và Nhật Bản chia sẻ cùng một mối bận tâm: hai nước đều xem Liên Xô là mối đe dọa.

Thời điểm ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu thực hiện chính sách mở cửa vào đầu những năm 1980, quan hệ Trung - Nhật lại có động lực mới khi Bắc Kinh đang “khát” công nghệ và trợ cấp từ Tokyo. Trong khi Nhật Bản đã là một cường quốc công nghiệp, Trung Quốc vẫn đang cố gắng thoát khỏi cái mác “đất nước thuộc thế giới thứ 3”. Và vì thế, Nhật Bản sẵn lòng chìa tay giúp đỡ.

Nhưng sự hào phóng của Tokyo còn bắt nguồn từ một nguyên nhân khác: xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Nhật Bản và Trung Quốc giữ quan hệ tốt đẹp từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, nhưng đến cuối thế kỷ 19, hai nước nổ ra xung đột kéo dài đến năm 1945, tức hơn nửa thế kỷ. Vào thời Thế chiến thứ 2, Nhật Bản đem quân xâm lược Trung Quốc, thôn tính vùng Mãn Châu.

Đến đầu thế kỷ 21, quan hệ hai nước một lần nữa bắt đầu rơi vào tình trạng căng thẳng. Tokyo và Bắc Kinh gặp nhiều bất đồng trong cách nhìn nhận lịch sử, trong việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và trong các chính sách an ninh quốc gia. Thời điểm này, cả hai đều hướng đến mục tiêu xác định lại vị thế đất nước trong lúc cục diện địa chính trị thế giới có nhiều biến động.

Trong những năm gần đây, quan hệ song phương xuống mức tệ hại nhất sau khi tranh chấp nổ ra ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông. Năm 2012, hàng nghìn người Trung Quốc xuống đường biểu tình trên khắp cả nước. Họ đốt cờ, phá hủy ôtô nhập khẩu từ Nhật và hô vang khẩu hiệu “biến Nhật Bản thành một tỉnh của Trung Quốc”. Riêng trong năm 2013, hơn 200 bộ phim mang thông điệp chống Nhật đã được Trung Quốc sản xuất.

Một năm sau, Bắc Kinh và Tokyo tìm được hướng giải quyết phần nào bế tắc. Năm 2014, hai bên ký thỏa thuận cải thiện quan hệ gồm 4 nội dung quan trọng, trong đó công nhận "những quan điểm khác biệt về tình trạng căng thẳng trong những năm gần đây trên Biển Hoa Đông".

Trong thời điểm hiện tại, quan hệ Trung - Nhật chứng kiến một số dấu hiệu tiến triển tích cực sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Tokyo hồi tháng 5. Thời gian tới, Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng chuẩn bị thăm chính thức lẫn nhau trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều sự thay đổi.

“Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản có những thời điểm rất nhạy cảm, và cũng có những lúc tốt đẹp. Gần đây, hai bên đang trở nên thân mật hơn và đây là một tín hiệu vô cùng tích cực đối với chúng tôi. ‘Thời đại mới’ giữa hai đất nước được kỳ vọng sẽ có tác động lớn đến đời sống người dân”, ông Tenma Shibuya, nhà sáng lập trung tâm văn hóa Nhật Bản tại Bắc Kinh, trả lời SBS News.

Ông Shibuya làm việc ở Trung Quốc được 12 năm. Vào những lúc hai nước bùng nổ căng thẳng, hoạt động quảng bá văn hóa của trung tâm bị hạn chế. Nhưng giờ đây, công việc của ông bắt đầu phát triển mạnh.

“Tôi đã ở đây từ rất lâu và đã chứng kiến nhiều đổi thay qua mỗi thời kỳ. Đối với tôi, sự thay đổi lần này là một bước tiến lớn”, ông Shibuya nói.

Trả lời Zing.vn, bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về các vấn đề châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã theo đuổi chiến lược cải thiện quan hệ với Trung Quốc từ năm 2012.

“Tôi tin rằng Tokyo đã rất kiên định về vấn đề này. Về phía Trung Quốc, mối quan hệ tồi tệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã khuyến khích Bắc Kinh bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản”, bà Glaser nhận định.

Ngày hẹn tưởng như hoàn hảo

Một tháng trước, Tokyo và Bắc Kinh thống nhất chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Abe sẽ bắt đầu từ ngày 23/10. Theo dự kiến, ông Abe sẽ thăm thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, trung tâm công nghệ của Trung Quốc, nơi nhiều tập đoàn lớn như Huawei Technologies và Tencent Holdings đặt trụ sở.

Nikkei Asian Review nhận định lịch trình này “là cung bậc hoàn hảo”. Ngày kỷ niệm 40 năm Hiệp định Hòa bình và Hữu nghị Trung - Nhật có hiệu lực được xem là thời điểm thích hợp để Tokyo và Bắc Kinh bắt đầu đặt nền móng cho thời kỳ quan hệ mới.

Tuy nhiên, đây cũng là ngày kỷ niệm của một sự kiện khác.

Vào ngày 23/10/1868, Thời kỳ Edo tại Nhật Bản kết thúc, đất nước Mặt Trời mọc bắt đầu thực hiện Cải cách Minh Trị, hay còn gọi là Minh Trị Duy tân. Đây là thời điểm dọn đường cho quốc gia nhỏ bé ở vùng Viễn Đông vươn lên trở thành đất nước có vị thế trên trường thế giới.

Vào Thời kỳ Minh Trị, Chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất nổ ra (1894-1895), Trung Quốc thua cuộc và phải nhượng lại bán đảo Liêu Đông, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ cho Nhật Bản. Sau cuộc chiến này, Trung - Nhật nhiều lần rơi vào xung đột, nổi bật có sự kiện Đế quốc Nhật Bản thành lập Mãn Châu quốc, chính phủ bảo hộ trên đất nhà Thanh, vào năm 1931, và chiến tranh Trung - Nhật lần thứ hai (1937-1945).

Vào ngày kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy tân tới đây, Thủ tướng Abe dự kiến sẽ có bài phát biểu, và cách ông Abe nói về xung đột với Trung Quốc trong quá khứ, cũng như quan hệ song phương hiện tại, là một mối bận tâm không hề nhỏ của Bắc Kinh.

Khả năng ông Abe chỉ trích Trung Quốc hoặc thậm chí nhắc đến vấn đề Biển Đông là không nhiều. Tuy nhiên, Bắc Kinh không thể bỏ qua các nguy cơ, đặc biệt khi Tokyo dường như đang chú ý hơn đến Biển Đông. Hồi tháng 9, Nhật Bản lần đầu tiên công bố kế hoạch tập trận tàu ngầm ở khu vực này, đáp trả việc Trung Quốc cùng Nga tham gia diễn tập tại Biển Nhật Bản hồi năm ngoái.

Và Bắc Kinh không thể để cho ông Tập Cận Bình mất mặt.

Nếu có thể, Trung Quốc chắc chắn sẽ muốn biết ông Abe dự định phát biểu những gì trong ngày kỷ niệm Minh Trị Duy tân, ít nhất là các nội dung liên quan đến Trung Quốc. Nhưng Nhật Bản không bao giờ chấp nhận chia sẻ những thông tin như vậy. Thủ tướng Abe không thể nào tránh khỏi làn sóng chỉ trích thậm tệ trong nước nếu người dân phát hiện ông “mách nước” cho Bắc Kinh.

Cách phản ứng thường thấy của Trung Quốc đối với những trường hợp tương tự sẽ là dời chuyến thăm đến khi dư luận quên hẳn bài phát biểu kỷ niệm Minh Trị Duy tân của ông Abe. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang rơi vào thế bế tắc, Bắc Kinh không thể bỏ lỡ cơ hội lôi kéo Tokyo về phía mình.

Hồi đầu tháng 10, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đưa ra bài phát biểu tấn công Trung Quốc trong mọi lĩnh vực. Thái độ của Washington cho thấy Bắc Kinh không có nhiều hy vọng cải thiện quan hệ một sớm một chiều. Tầm nhìn của ông Tập là biến Trung Quốc trở thành cường quốc của thế giới trong khi còn tại chức. Nhưng bài phát biểu của ông Pence cho thấy Mỹ sẽ tìm cách ngăn chặn điều này bằng mọi giá.

Trả lời Zing.vn, ông Rajiv Biswas, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế châu Á - Thái Bình Dương thuộc tổ chức IHS Markit, cho rằng trong lúc căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Nhật Bản lại có một vị thế khác.

“Hàng xuất khẩu của Nhật không bị Mỹ áp thuế nặng, trừ một vài mặt hàng kim loại. Trong thời gian tới, Tokyo và Washington cũng chuẩn bị đàm phán thỏa thuận thương mại song phương nhằm hóa giải căng thẳng. Vì vậy, có thể thấy Bắc Kinh đang đối mặt nhiều thách thức hơn”, ông Biswas nhận xét.

Trong hoàn cảnh đó, Trung Quốc chỉ có thể dời lịch trình chuyến thăm của ông Abe tối đa hai ngày. Thủ tướng Nhật sẽ đến Bắc Kinh vào ngày 25 và ở lại đến ngày 27. Với kế hoạch này, Trung Quốc hoàn toàn có thể hủy cuộc gặp vào phút chót nếu ông Abe “dám” công kích Trung Quốc trong bài phát biểu kỷ niệm Minh Trị Duy tân.

Thách thức chồng chéo từ lịch sử đến chiến lược

Phát biểu trong cuộc gặp gỡ Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono hồi đầu năm, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh mong muốn hợp tác với Tokyo để đưa quan hệ song phương “trở về bình thường”. Tuy nhiên, ông Vương thừa nhận hai bên vẫn đối mặt nhiều “trở ngại và sự băn khoăn” trong lúc quan hệ có nhiều dấu hiệu tiến triển tích cực.

“Quan hệ Trung - Nhật như con thuyền đi ngược dòng nước, nếu hai bên không cố gắng, mọi thứ sẽ trôi xuôi dòng”, Ngoại trưởng Vương nói.

Cuộc gặp sắp tới giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình được xem là một phần trong nỗ lực chèo lái con thuyền bơi ngược dòng nước. Theo nhà báo Anthony Rowley của South China Morning Post, đây cũng là một bước tiến quan trọng hướng đến việc ổn định tình hình ở châu Á, nhưng câu hỏi quan trọng là hai bên đang “bày mưu tính kế” những gì.

Nhật Bản vẫn gặp khó khăn trong việc chấp nhận Trung Quốc là một đối thủ ngang hàng trên trường quốc tế, dù Trung Quốc đã vượt qua Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Bắc Kinh cũng đã từ bỏ chiến lược ngoại giao khiêm nhường, thay đổi thái độ quyết đoán hơn. Hai cường quốc của châu Á hiện là đối thủ trực tiếp của nhau trong nhiều lĩnh vực, cạnh tranh quyết liệt về tầm ảnh hưởng trong khu vực cũng như trên thế giới.

Căng thẳng giữa hai nước không thể biến mất trong một sớm một chiều bởi sự khác biệt quá lớn về ý thức hệ, các giá trị, chế độ chính trị và các chính sách, theo nhà báo Cary Huang, chuyên gia về Trung Quốc của South China Morning Post.

Dưới thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản chủ trương theo đuổi nhiều mô hình hợp tác đa phương với mong muốn chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu Tổng thống Trump không quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, TPP có thể là sợi dây liên kết vững chắc giữa Tokyo và Washington nhằm đối phó với Bắc Kinh.

Sự chuyển mình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thập kỷ qua cũng dẫn đến sự hình thành của liên minh “Tứ giác Kim cương” giữa Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ, sáng kiến do Thủ tướng Abe khởi xướng từ năm 2007. Sau đó, dưới áp lực từ Trung Quốc, Ấn Độ và Australia rút khỏi "bộ tứ" này. Tuy nhiên trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng đẩy mạnh chiến lược hàng hải và cứng rắn hơn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, các thành viên “Tứ giác Kim cương” được tiếp thêm động lực để thắt chặt quan hệ.

Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở” của Mỹ, tầm nhìn được cho là đối trọng với chính sách mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, cũng mang đậm dấu ấn của ông Abe. Thủ tướng Nhật bắt đầu xây dựng ý tưởng này từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông vào năm 2007, sau đó, ông “bán lại” chiến lược cho chính quyền Trump.

“Nhật Bản và Mỹ đang hợp tác nhằm hiện thực hóa tầm nhìn chung cho khu vực, khác biệt hoàn toàn so với tầm nhìn của Trung Quốc”, chuyên gia Bonnie Glaser nhận xét.

Vì lý do này, nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ khả năng Trung - Nhật có thể thực sự cải thiện mối quan hệ. Theo ông Nigel Inkster, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), ngoài tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chưa được giải quyết, Nhật Bản và Trung Quốc còn có hệ thống giá trị rất khác nhau. Quan trọng hơn, Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ việc gây áp lực với Nhật Bản về cuộc chiến cách đây nửa thế kỷ.

“Trung Quốc không có vẻ gì là sẽ quên hay tha thứ. Ông Abe chắc chắn hiểu rằng mọi sự thay đổi trong quan hệ song phương có thể chỉ mang tính ngắn hạn. Tôi nghĩ cuộc gặp sắp tới giữa hai lãnh đạo sẽ diễn ra trong không khí thân thiện, nhưng không mang lại kết quả khả quan”, ông Nigel trả lời Zing.vn.

Xét đến việc ông Abe là cháu trai của quan chức từng bị cáo buộc phạm tội chiến tranh dưới thời Đế quốc Nhật xâm chiếm lãnh thổ nhà Thanh, Trung Quốc càng khó gác lại quá khứ. Cựu thủ tướng Nhật Bản Nobusuke Kishi, ông ngoại của Thủ tướng Abe, được cho là đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiếm đóng Mãn Châu, vùng đất nông nghiệp trù phú và giàu than ở phía đông bắc Trung Quốc, vào những năm 1930.

Nửa thế kỷ trôi qua, Bắc Kinh và Tokyo vẫn không thể thống nhất về quãng thời gian này. Hai quốc gia liên tục phản bác nhau về phiên bản lịch sử được mỗi bên đưa ra. Trong khi Trung Quốc nhấn mạnh những đau thương mà người dân phải chịu đựng suốt thời gian bị Nhật Bản đô hộ, chính quyền Abe lại tìm cách né tránh.

Việc ông Abe thường xuyên bày tỏ lòng tôn kính và sự ngưỡng mộ đối với ông ngoại cũng khiến Bắc Kinh “ngứa mắt”. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến làn sóng thù ghét Nhật Bản ở Trung Quốc phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, quá khứ chiến tranh không phải là lý do ngăn cản việc nối lại quan hệ, theo ông Chandran Nair, nhà sáng lập và giám đốc Viện nghiên cứu Toàn cầu vì Tương lai. Ông Nair dẫn chứng Pháp và Đức, hai cựu thù xây dựng thành công quan hệ đối tác định hình cả châu Âu. Dù vậy, vị chuyên gia cho rằng Tokyo và Bắc Kinh khó có thể xây dựng một liên minh tương tự.

Cả Paris và Berlin đều là đồng minh của Washington, vì vậy quan hệ giữa họ không đe dọa Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc được cho là có tham vọng chia rẽ Mỹ và Nhật Bản. Tokyo từ lâu đã dày công vun vén quan hệ tốt đẹp với Washington, và có thể sẽ không muốn làm phật lòng quốc gia che chở về mặt an ninh cho mình.

Cơ hội vàng để định hình châu Á

Vị chuyên gia cho rằng quan hệ Trung - Nhật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cục diện châu Á, liên quan đến nhiều vấn đề mấu chốt của khu vực như việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

“Vì vậy, đây là lúc Trung - Nhật bỏ qua mọi hiềm khích. Sau tất cả, hai cường quốc châu Á có thể thay đổi cục diện khu vực nếu họ trở thành đồng minh”, ông Nair nhận định.

Một điều trùng hợp là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe đều vừa củng cố vị trí lãnh đạo đất nước. Trong khi Trung Quốc chính thức bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước hồi tháng 3, ông Abe tái đắc cử vị trí thủ tướng lần thứ ba trong tháng 9. Cả hai lãnh đạo có đủ thời gian để thực hiện bước tiến đầu tiên hướng đến “thế kỷ của châu Á”, họ đứng trước cơ hội vàng để định hình cục diện khu vực.

Hai lãnh đạo cũng đang đối mặt với một vị tổng thống Mỹ khó lường, người đẩy quan hệ thương mại Mỹ - Trung và Mỹ - Nhật vào tình trạng căng thẳng. Theo bà Harumi Taguchi, chuyên gia về Nhật Bản thuộc tổ chức IHS Markit, Tokyo và Bắc Kinh có thể biến mối bận tâm này thành lợi thế hợp tác trong một số lĩnh vực như năng lượng, sản xuất ôtô và các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Việc Trung - Nhật cải thiện quan hệ cũng có lợi cho kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Trung, Nhật và Hàn Quốc của Thủ tướng Abe, người đang tham vọng trở thành “đầu tàu” ngoại giao của khu vực.

Và đương nhiên, không dễ dàng để hai nước thắt chặt mối quan hệ còn tồn đọng nhiều vấn đề khó giải quyết. Chuyên gia Chandran Nair cho rằng trước tiên, Trung Quốc và Nhật Bản phải chấp nhận rằng mỗi bên đều có những mối lo ngại đáng được tôn trọng.

“Đối với Bắc Kinh, quá khứ đau thương giữa hai nước cần được gác lại. Trung Quốc cũng cần đưa ra cam kết để đổi lấy việc Nhật Bản nới lỏng quan hệ với Mỹ. Về phần mình, Tokyo nên chấp nhận rằng việc phụ thuộc vào Washington sẽ ngăn cản tiềm năng của họ trong việc trở thành cường quốc độc lập trong khu vực. Nhật Bản nên hiểu rằng đối với ‘láng giềng gần’ Trung Quốc thì ‘người anh em xa’ Mỹ là một mối đe dọa”, ông Nair nhận định.

“Cuối cùng, hai cường quốc châu Á cần dành cho nhau sự tôn trọng tối đa. Mọi quốc gia, chính quyền và dân tộc đều mong muốn được đối xử công bằng, không ai muốn bị bắt nạt hoặc bị xúc phạm trên trường quốc tế. Nếu Việt Nam có thể trải thảm đỏ cho các đời tổng thống Mỹ, Trung Quốc hoàn toàn có thể làm điều tương tự với Nhật Bản và ngược lại”, ông Nair nêu.

Cách đây 2 năm, chính quyền Trung Quốc vẫn “phân biệt đối xử” với Nhật Bản trong một sự kiện quốc tế do quốc gia này chủ trì. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Hàng Châu vào tháng 9/2016, cuộc đàm phán song phương giữa Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập là cuộc gặp duy nhất Trung Quốc không treo cờ hai nước làm phông nền chụp hình.

Với những dấu hiệu tích cực trong quan hệ hai nước hiện nay, có lẽ ông Abe có thể hy vọng quốc kỳ Nhật Bản được dựng sau lưng khi ông bắt tay Chủ tịch Tập ở Bắc Kinh vào ngày 25/10.

Chi Mai
Đồ họa: Hà My

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thu-tuong-abe-tham-tq-tam-tan-bang-cua-doi-dau-trung-nhat-post886245.html