Thủ tướng Angela Merkel thăm Mỹ: Nỗ lực gỡ rối tình đồng minh

Từ ngày 15/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt đầu chuyến công du Mỹ để thảo luận về nhiều vấn đề, từ kinh tế tới chính sách đối ngoại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng hôm 15/7. (Nguồn: AP)

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng hôm 15/7. (Nguồn: AP)

Vực dậy quan hệ đồng minh

Chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel lần này là cơ hội để Berlin và Washington khẳng định tầm quan trọng của quan hệ song phương.

Một quan chức cấp cao trong chính phủ Đức gọi đây là “sự tiếp nối và thể hiện tầm quan trọng của quan hệ song phương” trong bối cảnh bà Merkel sẽ rời ghế Thủ tướng vào tháng 9 tới.

Từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden coi việc hàn gắn quan hệ với Đức nói chung và Thủ tướng Merkel nói riêng là vấn đề ưu tiên. Trước đó, chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump đã coi bà Merkel là mục tiêu công kích khi phàn nàn về châu Âu.

Bà Merkel là lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến Washington kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021. Gần đây, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại các hội nghị Thượng đỉnh G7 và NATO vào tháng Sáu vừa qua.

Sau cuộc gặp song phương, hai nhà lãnh đạo cùng cuộc họp báo chung. Ông Biden cũng tổ chức tiệc chiêu đãi bà Merkel vào cuối chuyến thăm.

Các nội dung được trao đổi bao gồm vấn đề Afghanistan và Iran. Bà Merkel muốn nước Mỹ công bố kế hoạch an ninh để đảm bảo sân bay quốc tế Kabul còn mở cửa.

Các cuộc thảo luận về "sự trở lại" của Mỹ trong thỏa thuận hạt nhân Iran đang tạm lắng. Chưa rõ khi nào các bên sẽ đạt được một thỏa thuận khi chưa có phiên đàm phán nào được xếp lịch sau cuộc bầu cử Tổng thống Iran vừa qua.

Đức, Anh và Pháp – những nước tham gia thỏa thuận – đã và đang đóng vai trò trung gian để Mỹ và Iran đàm phán gián tiếp.

Thủ tướng Merkel và các nhà lãnh đạo châu Âu khác đang chịu áp lực yêu cầu Mỹ nhân nhượng trong việc để người châu Âu đến Mỹ, sau khi người Mỹ đã được đến các nước châu Âu. Người dân hầu hết các nước châu Âu vẫn đang không thể đến Mỹ do đại dịch Covid-19.

Tuy vậy, Tổng thống Biden có thể sẽ nghe theo quyết định của nhóm làm việc về Covid-19. Cơ quan này vẫn chưa đưa ra quyết định.

Ngoài ra, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 cũng đang là vấn đề nổi trội trong quan hệ hai nước, dù cả hai đều không muốn nổ ra xung đột. Dự án vận chuyển khí tự nhiên từ Nga đến Đức này hiện đã hoàn thành đến 90%.

Mỹ từ lâu phản đối dự án này. Mỹ cho rằng dự án sẽ giúp Nga có lợi thế trước Đức khi khủng hoảng nổ ra, cũng như làm suy yếu Ukraine – nước nhận khoảng 1 tỷ USD mỗi năm từ đường ống khí mà Nga đang sử dụng để bán khí đốt cho châu Âu.

Trong khi đó, bà Merkel khẳng định đây chỉ là một hợp đồng về kinh tế.

“Đây là thỏa thuận tồi tệ”, một quan chức Mỹ nói. Quan chức này gọi đây là “dự án địa chính trị của Nga mà Mỹ tin là sẽ đe dọa an ninh toàn cầu và phá hoại an ninh của Ukraine. Tổng thống Biden sẽ bày tỏ quan ngại về việc Nga sử dụng năng lượng để làm vũ khí”.

Theo ông Dan Hamilton, Giám đốc chương trình châu Âu của Wilson Center, giới chức Đức đề xuất tạm thời chưa khởi động dự án sau khi hoàn thành, khi nhu cầu chưa bức thiết.

Hồ sơ Trung Quốc và câu chuyện vaccine

Trong chuyến thăm của bà Merkel lần này, ông Biden có thể cũng tìm cách kéo Đức lại gần với quan điểm về Trung Quốc của Mỹ hơn.

Tuy Đức ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Trung Quốc về vấn đề Tân Cương, bà Merkel miễn cưỡng cổ vũ việc đối đầu rộng hơn với Bắc Kinh, do lo ngại điều này có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu của Berlin.

Các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa EU và Trung Quốc đã dẫn đến việc thỏa thuận đầu tư song phương – ưu tiên của bà Merkel – bị đình chỉ.

Bên cạnh đó, phản ứng của Trung Quốc khiến các quan chức Mỹ nhận định Bắc Kinh là nguyên nhân khiến quan hệ song phương xấu đi. Tuy vậy, quan điểm của châu Âu và Mỹ về Trung Quốc vẫn có sự khác biệt.

“Nhiệm vụ dễ dàng nhất của ông Biden là nhắc đến các giá trị, khi EU chia sẻ nhiều mối quan ngại của Mỹ”, ông Michael Hirson đến từ Eurasia Group nói.

Ông Hirson, từng là Đại diện Bộ Thương mại Mỹ tại Bắc Kinh, cho rằng, “vấn đề quan trọng nhất nằm ở chính sách thương mại và công nghệ”.

Trong Thượng đỉnh EU-Mỹ tháng Sáu vừa qua, hai bên đã đạt đồng thuận về một hội đồng thương mại và kỹ thuật mới. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu về đổi mới kỹ thuật số, cũng như đối phó với "các hành vi phi thị trường của Trung Quốc".

Thủ tướng Merkel nhiều khả năng tiếp tục phản đối việc Mỹ áp thuế quan lên thép và nhôm từ châu Âu. EU hy vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ xóa bỏ những tàn dư từ chính sách “nước Mỹ trước tiên” của cựu Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Biden đã bày tỏ ý định thực hiện điều này, nhưng hai bên đã đồng thuận tạm thời chưa hành động trước tháng 12.

Các quan chức Mỹ cũng kỳ vọng vào cuộc thảo luận về vấn đề dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine.

Bà Merkel, cũng như đa số lãnh đạo châu Âu, phản đối đề xuất này. Châu Âu cho rằng, cách nhanh hơn và hiệu quả hơn là phân phối vaccine thành phẩm đến từng quốc gia.

Một vấn đề có thể gây bất đồng khác đã được giải quyết khi EU tạm hoãn áp đặt “thuế kỹ thuật số”. Mỹ coi đây là động thái nhằm vào các công ty công nghệ lớn của nước này.

Vấn đề này tạm được giải quyết khi các nước thành viên G20 khởi động đàm phán về một mức thuế trên toàn cầu.

Các cuộc đàm phán dự kiến kết thúc vào cuối tháng 10. Đây là dự án tham vọng, bao gồm mức thuế doanh nghiệp tối thiểu mà ông Biden đề xuất, cũng như mức thuế mới áp đặt lên các công ty công nghệ ở các quốc gia có thị phần đáng kể, nhưng không đặt trụ sở.

(theo Washington Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-angela-merkel-tham-my-no-luc-go-roi-tinh-dong-minh-151610.html