Thủ tướng Anh Boris Johnson và canh bạc Covid-19 đầy rủi ro
Thủ tướng Anh Boris Johnson có kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế vào ngày 19/7 tới sau đợt phong tỏa do Covid-19. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, ông sẽ không tránh khỏi sự phản đối của một số nhà khoa học mà ông đã làm theo lời khuyên của họ từ trước đến nay.
Anh sẽ sống chung với virus
Mặc dù là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, nhưng Anh đang phải đối mặt với một làn sóng Covid-19 mới. Thủ tướng Johnson đang đặt cược vào một canh bạc: thay vì đóng cửa đất nước, ông đang hướng tới mục tiêu sống chung với virus, tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên trên thế giới về khả năng bảo vệ của vaccine trước biến thể Delta.
Thủ tướng Johnson trước đó đã trì hoãn cái gọi là "ngày tự do" thêm 4 tuần để cho phép nhiều người hơn được tiêm chủng, sau khi cảnh báo rằng hàng nghìn người có thể tử vong do sự lây lan nhanh chóng của biến thể có mức độ lây nhiễm cao hơn.
Tuy nhiên, với hơn 86% số người trưởng thành đã được tiêm vaccine liều đầu tiên và gần 2/3 số người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ, Thủ tướng Johnson đã ấn định ngày 19/7 là ngày "cuối cùng" áp dụng các hạn chế phòng dịch Covid-19.
Theo nhà dịch tễ học của Đại học Imperial (Anh) Anne Cori, người đứng sau một trong những mô hình làm nền tảng cho quyết định ban đầu của Thủ tướng Johnson về việc trì hoãn "ngày tự do", hiện vẫn còn quá sớm để tuyên bố rằng đất nước có thể sống chung với các ca bệnh gia tăng.
Phát biểu với Reuters, bà nhận định rằng việc trì hoãn gỡ bỏ các biện pháp hạn chế một lần nữa sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Bà Anne Cori nói: “Tôi nghĩ rằng việc trì hoãn sẽ giúp kéo dài thời gian, và chúng ta sẽ có những biện pháp can thiệp có thể giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh”, bằng cách tiêm nhắc lại và xem xét khả năng tiêm phòng cho trẻ em.
Hơn 100 nhà khoa học đã viết thư cho Tạp chí Y khoa Lancet, cảnh báo rằng kế hoạch dỡ bỏ tất cả các hạn chế của Thủ tướng Johnson là "nguy hiểm và vẫn còn quá sớm".
Họ cho rằng chiến lược chấp nhận mức độ lây nhiễm cao trong nước là "phi đạo đức và phi logic".
Tuy nhiên, chính phủ Thủ tướng Johnson nói rằng họ không chỉ cân nhắc dựa trên quan điểm dịch tễ học, và có thể chấp nhận việc có thêm nhiều hơn các ca tử vong do Covid-19.
Tân Bộ trưởng Y tế Sajid Javid đã trích dẫn các vấn đề sức khỏe, giáo dục và kinh tế khác do đại dịch gây ra là nguyên nhân thúc đẩy nhu cầu trở lại trạng thái bình thường, ngay cả khi số lượng các ca mắc Covid-19 có thể lên tới 100.000 ca mỗi ngày.
Một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra giữa những người tin rằng kỳ nghỉ Hè sẽ mang lại hy vọng cho việc dỡ bỏ các hạn chế trong năm nay và những người cho rằng Thủ tướng Johnson đang mắc phải một sai lầm khác.
Ông Johnson đã bị nhiều người lên án vì chần chừ áp đặt lệnh phong tỏa khiến Anh trở thành một trong những nước có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới.
Đối với biến thể Delta, vaccine dường như chỉ có tác dụng ngăn ngừa các ca tử vong và bệnh diễn biến xấu đi hơn là ngăn chặn sự lây lan.
Kết quả, mặc dù nước Anh ghi nhận sự gia tăng mạnh về số ca bệnh trong mùa Hè này, nhưng số ca tử vong không tăng nhanh như vậy.
Số ca lây nhiễm trung bình trong 7 ngày hiện đã vượt quá 25.000 ca mỗi ngày, gấp hơn 10 lần so với mức hồi giữa tháng 5/2021. Tuy nhiên, cho đến nay, số ca tử vong trung bình mỗi ngày đã ở mức dưới 30 ca kể từ giữa tháng 4/2021.
Theo các nhà khoa học, đây là bằng chứng cho thấy vaccine đang cứu sống rất nhiều người.
Còn quá sớm?
Dù vậy, hiện vẫn còn nhiều dấu hiệu cảnh báo: Anh đang chứng kiến khoảng 350 ca nhập viện mỗi ngày do Covid-19. Đây là tỷ lệ nhỏ so với các làn sóng Covid-19 trước, nhưng tăng khoảng 45% trong 7 ngày qua.
Tại Israel, một trong những quốc gia triển khai tiêm chủng vaccine nhanh nhất thế giới và là quốc gia đầu tiên nới lỏng tình trạng phong tỏa, số ca mắc Covid-19 gia tăng trong thời gian gần đây, khiến chính phủ phải xem xét áp dụng lại một số hạn chế mặc dù số ca bệnh nặng và tử vong vẫn ở mức thấp.
Ông Tim Spector, nhà dịch tễ học tại Đại học King's College London, hoan nghênh việc chính phủ thừa nhận rằng người dân phải học cách sống chung với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi về các bước đi như tuyên bố chấm dứt quy định đeo khẩu trang, một quy định không gây thiệt hại gì cho nền kinh tế và có thể giúp bảo vệ những người dễ bị tổn thương cũng như thanh niên khỏi tác động của Covid-19 kéo dài.
Ông nói: “Chúng ta có thể thực hiện nhiều thứ mà không ảnh hưởng đến nền kinh tế... và tôi cho rằng điều đó chưa được nhấn mạnh đầy đủ”.
Chính phủ Anh sẽ công bố các mô hình cập nhật vào ngày 12/7- thời điểm Thủ tướng Johnson dự kiến đưa ra quyết định cuối cùng về việc có dỡ bỏ các hạn chế sau đó một tuần hay không.
Theo người đứng đầu cơ quan y tế Anh Chris Whitty, mẫu hình hiện nay cho thấy ngay cả khi Covid-19 đạt đỉnh ở Anh thì sẽ không dẫn đến áp lực tương tự như hồi tháng 1/2021.
Còn ông David Spiegelhalter, Chủ tịch Trung tâm Truyền thông về Rủi ro và Bằng chứng Winton tại Đại học Cambridge, cho rằng đây là "một cuộc thử nghiệm. Tôi tôn trọng những đánh giá của Chris Whitty và những người khác, những người nói rằng nếu bạn định làm điều này, đây là thời điểm thích hợp để hành động”.