Thủ tướng Anh cải tổ nội các: Bước đi lấy lại niềm tin

Nhằm củng cố lại uy tín đang có dấu hiệu đi xuống, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã quyết định cải tổ nội các, thay đổi một số nhân sự quan trọng của Chính phủ. Với lần cải tổ này, Thủ tướng B.Johnson kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực trước nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm sau khi thông tin và hình ảnh về bữa tiệc gây tranh cãi do ông chủ trì giữa lúc cả nước phong tỏa chống dịch Covid-19 hồi tháng 5-2020 được báo chí tiết lộ.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong nội bộ đảng cầm quyền.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong nội bộ đảng cầm quyền.

Theo Hãng tin Reuters, Thủ tướng B.Johnson đã bổ nhiệm ông Jacob Rees-Mogg làm Bộ trưởng phụ trách các cơ hội của Anh khi rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Trong khi đó, ông Chris Heaton-Harris đứng đầu các nghị sĩ đảng Bảo thủ tại Quốc hội và người tiền nhiệm của ông này, ông Mark Spencer trở thành lãnh đạo Hạ viện thay ông Rees-Mogg. Ông Steve Barclay, người trước đó giữ chức Bộ trưởng Văn phòng Nội các, được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng tại phố Downing. Một số thay đổi khác trong nội các của Thủ tướng B.Johnson gồm ông Stuart Andrew được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Nhà ở; bà Heather Wheeler giữ chức Thư ký Quốc hội tại Văn phòng Nội các và ông James Cleverly phụ trách khu vực châu Âu tại Bộ Ngoại giao. Một phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, cuộc cải tổ lần này được thực hiện một cách gấp rút nhằm cải thiện cách thức hoạt động tại số 10 phố Downing cũng như thúc đẩy quan hệ giữa nội các và Quốc hội.

Theo các nhà phân tích, Thủ tướng B.Johnson hy vọng, thông qua động thái lần này để xoa dịu “cơn thịnh nộ” của các nghị sĩ trong nội bộ đảng Bảo thủ do ông đứng đầu. Tất cả liên quan tới bữa tiệc tại khu vườn Phủ Thủ tướng khi cả nước Anh phải phong tỏa nghiêm ngặt hồi tháng 5-2020. Vào thời điểm đó, hầu hết học sinh đều phải nghỉ học, các quán rượu và nhà hàng đóng cửa. Hai người từ các hộ gia đình khác nhau chỉ được phép gặp nhau ngoài trời nhưng phải giữ khoảng cách 2m. Ngay cả lễ tang cũng chỉ những người là thành viên gia đình và họ hàng gần của người đã khuất mới được tham dự. Nhiều bà mẹ phải vượt cạn một mình. Việc khám, chữa bệnh rất khó khăn vì bệnh viện tập trung hết nguồn lực cho bệnh nhân Covid-19. Sau khi thông tin về bữa tiệc bị báo chí tiết lộ, đảng đối lập đã kêu gọi mở cuộc điều tra, đồng thời yêu cầu Thủ tướng B.Johnson từ chức. 17 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ đã gửi yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm. Theo quy định, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ được tiến hành nếu có 54 nghị sĩ gửi yêu cầu trên. Nếu Thủ tướng B.Johnson thất bại trong cuộc bỏ phiếu này, sẽ có một cuộc bỏ phiếu bầu lại lãnh đạo đảng Bảo thủ...

Nhiều nhận định cho rằng, Thủ tướng B.Johnson đang ở tình thế bấp bênh hơn bao giờ hết dù đã lên tiếng xin lỗi người dân Anh. Theo quan điểm của nhiều nghị sĩ, hành động của Thủ tướng và cách ông xử lý những cáo buộc này đã làm suy yếu lòng tin của công chúng vào khả năng của ông trong việc dẫn dắt họ vượt qua và thoát khỏi đại dịch. Đây là lý do tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng B.Johnson giảm mạnh trong những tháng gần đây. Đảng Bảo thủ cầm quyền cũng đã mất vị trí dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận so với Công đảng đối lập và vào tháng 12-2021 đã phải chịu thất bại trong cuộc bầu cử tại một khu vực vốn là thành trì vững chắc.

Theo các dự báo được đưa ra, trong năm 2022, nền kinh tế Anh sẽ tiếp tục phục hồi, song ở mức độ chậm hơn so với năm 2021 và phải đối mặt với không ít rủi ro. Tốc độ lây lan mạnh của biến chủng Omicron buộc Anh và nhiều quốc gia tăng cường các biện pháp kiểm soát có thể tiếp tục làm trầm trọng hơn tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Nguy cơ mất khả năng thanh toán đang dần hiện hữu và hệ lụy của Brexit cũng là những thách thức mà Thủ tướng B.Johnson cùng nội các mới phải vượt qua trong thời gian tới.

Theo Báo Nhân Dân

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/the-gioi/thu-tuong-anh-cai-to-noi-cac-buoc-di-lay-lai-niem-tin-154701.html