Thủ tướng Anh chuẩn bị tái khởi động 'Nước Anh toàn cầu' hậu Brexit
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi năm 2021 là 'năm cực kỳ quan trọng đối với nước Anh toàn cầu', khi ông cố gắng chuyển hướng tập trung từ vấn đề Brexit sang một chương trình nghị sự mới với tư cách là chủ nhà của cả Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 và Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu COP26.
Ông hy vọng sẽ nắm bắt cơ hội từ việc tổ chức hai sự kiện chính trị quốc tế quan trọng này để thúc đẩy hợp tác toàn cầu và củng cố uy tín của ông ở trong và ngoài nước.
Các cuộc thảo luận tại Phố Downing đang đề cập tới việc sử dụng Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến được tổ chức vào tháng 6 tới, để đưa ra giải pháp mang tính toàn cầu nhằm đối phó với dịch bệnh COVID-19, vạch ra chiến lược “xây dựng trở lại tốt hơn” cho thế giới và thể hiện sức mạnh của hệ thống quốc tế.
Thủ tướng Boris Johnson muốn thúc đẩy một liên minh mới được thành lập dựa trên nhóm các nền kinh tế lớn và đây là cơ hội để tái gặp mặt trực tiếp giữa nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất thế giới sau hơn một năm gián đoạn vì đại dịch.
Nếu tình hình dịch bệnh cho phép, Thủ tướng Xứ sở sương mù có kế hoạch gặp các nhà lãnh đạo G7 trước hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về các vấn đề bao gồm cách thoát khỏi đại dịch COVID-19, như tập trung vào vấn đề sản xuất, phân phối vaccine và rút ra các bài học trước những trường hợp khẩn cấp về y tế có thể xảy ra trong tương lai.
Thủ tướng Anh cũng coi Hội nghị thượng đỉnh G7 là “bước đệm” cho Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu tại Glasgow vào tháng 11, cố gắng tạo động lực để cắt giảm lượng khí thải từ các nước công nghiệp phát triển. Phần quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh Glasgow sẽ là thảo luận về tiềm năng kinh tế và khả năng tạo việc làm của việc phát triển công nghệ để giải quyết biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của nó.
Cách đấy ít ngày, một kỷ nguyên mới đã ló dạng ở Vương quốc Anh, quốc gia đã quay lưng lại với cuộc “hôn nhân” 48 năm với châu Âu, đổi lấy một tương lai tự quyết nhưng vẫn có không ít bất định thời hậu Brexit.
Các tờ báo ra ngày đầu tiên của năm mới đều đồng loạt phản ánh sự thay đổi lịch sử của nước Anh, nhưng khẳng định sự kiện vẫn gây chia rẽ sâu sắc và sẽ để lại hậu quả cho các thế hệ sau.
Trang nhất tờ Daily Express - ủng hộ Brexit – thể hiện hình ảnh Vách đá Trắng Dover, một biểu tượng lâu dài của nước Anh, với chữ “Tự do” in trên lá cờ của Liên hiệp. “Our Future. Our Britain. Our Destiny” (tạm dịch: “Tương lai của chúng ta. Nước Anh của chúng ta. Số phận của chúng ta”), tờ báo chạy dòng tít. Tờ Independent ủng hộ EU thì ít chắc chắn hơn. “Thoát trách nhiệm – hay lênh đênh?”, tờ báo đặt câu hỏi, phản ánh tâm lý bất an về con đường mà đất nước hiện đã lựa chọn.
Khi năm 2021 vừa bắt đầu, nhiều sự chú ý đã đổ dồn về biên giới vương quốc, đặc biệt là các cảng ở Eo biển Anh, để xem liệu việc kết thúc giao thương và đi lại liền mạch có gây ra sự chậm trễ hay gián đoạn nào không. Nhưng khi ngày đầu năm cũng là ngày nghỉ lễ, sau đó là dịp cuối tuần, và chính phủ đã thông báo áp dụng thanh toán theo từng giai đoạn, thì một số vấn đề trước mắt đã được dự liệu và bầu không khí tại các cửa ngõ đất nước khá yên ả.
Ông John Keefe, phát ngôn viên của Eurotunnel, công ty vận chuyển qua đường hầm Eo biển Anh, cho biết: “Dự báo giao thông trong vài ngày tới là rất nhẹ nhàng”.
Khi chuyến phà đầu tiên rời cảng Dover vào sáng sớm 1/1, các xe tải lăn bánh vào thành phố cảng Calais, miền Bắc nước Pháp, đã lần đầu tiên phải đối mặt với các quy định mới về vận chuyển hàng hóa đến và đi từ lục địa châu Âu. Mã vạch trên giấy tờ của anh lái xe người Romania Toma Moise được quét và phê duyệt chỉ trong vài giây. “Tương lai, tôi không nghĩ sẽ khó khăn”, người lái xe nói trước khi tiếp tục hành trình tới Anh.
Hiệp hội Vận tải đường bộ Anh (RHA) ước tính, khoảng 220 triệu mẫu đơn mới sẽ cần được điền mỗi năm để cho phép giao thương lưu thông với các nước EU, bao gồm cả giấy phép lái xe trên những con đường dẫn đến các cảng như Dover.
Giám đốc điều hành chính sách công của RHA Rod McKenzie nói với tờ The Times rằng: “Đây là một thay đổi mang tính cách mạng”.
Những thay đổi thực tế khác bao gồm thời gian người Anh có thể đến thăm nhà nghỉ của họ ở lục địa, đi du lịch cùng thú cưng và chấm dứt việc Anh tham gia chương trình sinh viên EU. Những người đi nghỉ mát và doanh nhân từng đi du lịch liên tục tại EU có thể đối mặt với sự chậm trễ, mặc dù những lo ngại rằng người Anh sẽ phải xin giấy phép quốc tế để lái xe ở châu Âu đã bị loại bỏ bởi một hiệp định riêng.
Thủ tướng Boris Johnson đã gọi đây là một “khoảnh khắc tuyệt vời cho đất nước này”. “Chúng ta có quyền tự do trong tay và việc tận dụng nó tối đa là tùy thuộc vào chúng ta”, ông nói trong thông điệp mừng năm mới 2021.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh lại đề cập khá ngắn gọn về những gì ông muốn xây dựng với “nền độc lập”, hoặc cách thực hiện điều đó trong khi đất nước đang phải vay số tiền kỷ lục để chi phí cho cuộc khủng hoảng COVID-19.
Những người ủng hộ Brexit coi đây là bình minh của một “nước Anh toàn cầu” độc lập mới. Trong khi đó, phe chỉ trích nói rằng, nó đảo ngược nhiều thập kỷ hội nhập với các nước láng giềng, đe dọa tổn hại nền kinh tế, và tệ nhất, có thể dẫn đến sự tan rã vương quốc khi làm suy yếu những sợi dây gắn kết xứ England, Wales, Scotland và Bắc Ireland trong nền kinh tế 3 ngàn tỷ USD.
Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, đa số người dân ở England và Wales bỏ phiếu ủng hộ rời EU, trong khi phần lớn ở Scotland và Bắc Ireland ủng hộ ở lại. Bắc Ireland, có chung biên giới với Ireland, thành viên EU, vẫn gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế của Liên minh theo thỏa thuận hậu Brexit. Trong khi đó, ở Scotland, Brexit đã củng cố sự ủng hộ cho nền độc lập của xứ này sau 300 năm liên minh chính trị với Anh.
Bộ trưởng Thứ nhất Scotland Nicola Sturgeon cho biết, một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập sẽ diễn ra trong thời gian đầu của nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo, bắt đầu năm tới. “Scotland sẽ sớm trở lại châu Âu. Hãy tiếp tục sáng đèn”, ông Nicola Sturgeon đăng trên Twitter vào tối 31/12/2020.