Thủ tướng Anh thăm Ấn Độ: Kỳ vọng về 'sinh khí mới' với tầm nhìn chung
Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đến Ấn Độ từ ngày 25/4 trong chuyến công du quan trọng đầu tiên của ông tới một quốc gia ngoài châu Âu kể từ khi chính phủ đảng Bảo thủ thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 12/2019.
Phố Downing cho biết do đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Ấn Độ, Thủ tướng Anh Johnson đã quyết định rút ngắn thời gian chuyến thăm - các hoạt động chính sẽ tập trung vào ngày 26/4.
Theo hãng tin ANI, Ấn Độ và Anh dự kiến nhất trí đưa ra một lộ trình 2030 cho các mối quan hệ trong tương lai. Quan hệ Đối tác Ấn Độ-Anh về hành động khí hậu, năng lượng sạch và chăm sóc sức khỏe sẽ hướng tới lợi ích chung và vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Tầm nhìn 2030 sẽ tập trung vào các kết nối năng động giữa nhân dân hai nước, khôi phục hợp tác thương mại, đầu tư và công nghệ, tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh cũng như tham gia chặt chẽ hơn vào các vấn đề khu vực, trong đó có Ấn Độ Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Chuyến thăm của Thủ tướng Johnson được kỳ vọng sẽ mang lại chuyển đổi tích cực quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng và an ninh, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Tây Ấn Độ Dương (WIOR), thương mại và đầu tư, y tế, biến đổi khí hậu và giao lưu nhân dân…
Tháng trước, London đã xuất bản Báo cáo tổng thể về chính sách quốc phòng, an ninh, phát triển và đối ngoại, trong đó "xác định một sổ đổi mới về mặt chính sách", như hướng về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong khi trình bày Báo cáo tại Quốc hội, Thủ tướng Johnson cho biết ông sẽ tới Ấn Độ để "tăng cường mối quan hệ với nền dân chủ lớn nhất thế giới".
Các nguồn tin chính thức cho biết, sự hợp tác giữa Ấn Độ và Anh trong các nỗ lực giảm thiểu Covid-19 năm qua đã trở thành một điểm nhấn trong quan hệ song phương.
Với thành công trong việc cùng phát triển, sản xuất và phân phối vaccine Oxford/Astra Zeneca, chuyến thăm của Thủ tướng Johnson tới New Delhi sẽ tạo đà củng cố việc hợp tác giải quyết các đại dịch trong tương lai thông qua phát triển cơ sở hạ tầng y tế, đầu tư chung trong nghiên cứu và phát triển vaccine, trao đổi chuyên gia chăm sóc sức khỏe...
Trong cam kết hậu Brexit, Anh đã và đang nỗ lực thúc đẩy Quan hệ đối tác thương mại nâng cao với Ấn Độ và hướng tới một hiệp định thương mại tự do song phương trong tương lai.
Hợp tác thương mại và đầu tư song phương đã chứng kiến sự tăng trưởng ổn định và bền vững trong những năm gần đây. Với tư cách là các nền kinh tế lớn, Ấn Độ và Anh cam kết đóng góp và dẫn dắt các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch toàn cầu.
Anh sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 26 về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) tại Glasgow vào tháng 11/2021. London ủng hộ và kết hợp chặt chẽ với sáng kiến của New Delhi về Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế (ISA) và Liên minh về cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI).
Ca ngợi sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Thủ tướng Johnson nói rằng ông trông đợi cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ.
Phát biểu tại Hội nghị Quốc tế về Cơ sở hạ tầng chống chịu với thiên tai (ICDR) hồi tháng 3, ông nói: "Chúng tôi có một tầm nhìn chung về một tương lai bền vững cho các quốc gia và cộng đồng toàn cầu" và rất mong "được thảo luận" với Thủ tướng Modi trong chuyến thăm Ấn Độ sắp tới.
Các nỗ lực chung của Ấn Độ và Anh trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Johnson.
Cộng đồng người gốc Ấn là một trong những cộng đồng có năng suất kinh tế cao nhất ở Anh và được đánh giá cao về những đóng góp tích cực vào sự phát triển của Anh.
Chuyến thăm của Thủ tướng Johnson, vì thế, cũng được kỳ vọng sẽ chứng kiến những tiến triển trong việc hợp lý hóa và tự do hóa hơn nữa vấn đề di cư và di chuyển của công dân giữa hai nước.
(theo Mint, NDTV)