Thủ tướng Australia thăm Indonesia: Cam kết, trọng tâm và những toan tính
Tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese và các thành viên nội các, trong đó có Ngoại trưởng Penny Wong có chuyến thăm Indonesia từ ngày 5-7/6.
Theo tờ Jakarta Post ngày 4/6, chuyến thăm của tân Thủ tướng Anthony Albanese là động thái thể hiện Australia tái ưu tiên nước láng giềng Đông Nam Á này trong chính sách ngoại giao của mình, trong khi vẫn tiếp tục gắn bó với các đồng minh phương Tây.
"Rất nghiêm túc" về sự can dự ở Đông Nam Á
Trong một tuyên bố bằng văn bản ngày 3/6, Thủ tướng Albanese cho biết: “Indonesia là một trong những nước láng giềng gần gũi nhất của chúng tôi, đó là lý do tại sao tôi cam kết sẽ tới thăm nước này càng sớm càng tốt".
Australia và Indonesia “có lịch sử hợp tác và hữu nghị lâu đời, và chính phủ của tôi sẽ làm việc với Indonesia để làm sâu sắc hơn mối quan hệ này”.
Trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày, tân Thủ tướng Australia “mong muốn xây dựng mối quan hệ sâu hơn, trong đó có việc làm sống lại quan hệ thương mại và thúc đẩy hợp tác về khí hậu, cơ sở hạ tầng và năng lượng”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Indonesia cho hay chuyến thăm của Thủ tướng Albanese và các thành viên nội các Australia là cuộc gặp thường niên của các nhà lãnh đạo hai nước, với chương trình nghị sự chính dự kiến diễn ra vào ngày 6/6.
Ngoại trưởng Retno LP Marsudi và người đồng cấp Penny Wong có cuộc gặp trong tối 5/6, trước cuộc họp chính vào ngày hôm sau. Đây là lần trao đổi thứ hai giữa hai Ngoại trưởng sau cuộc điện đàm hôm 27/5.
Trước chuyến thăm, Ngoại trưởng Penny Wong khẳng định, chính phủ Australia "rất nghiêm túc về sự can dự của mình ở Đông Nam Á và chuyến thăm này thể hiện tầm quan trọng mà chúng tôi đặt vào mối quan hệ đối tác với Indonesia”.
Tân Thủ tướng Anthony Albanese cho biết chính phủ của ông muốn làm sâu sắc hơn các mối quan hệ ngoại giao trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đó là lý do chính quyền mới nhanh chóng triển khai các chuyến công du các quốc gia Thái Bình Dương ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức.
Đối tác chiến lược toàn diện thực sự
Trong khi đó, Tổng vụ trưởng Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Santo Darmosumarto nhấn mạnh ý nghĩa của việc chọn Indonesia là điểm đến trong chuyến thăm song phương đầu tiên của Thủ tướng Albanese sau khi nhậm chức hôm 23/5.
Phát biểu họp báo ngày 2/6, ông Santo khẳng định, điều này cho thấy “tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" được thiết lập vào năm 2018.
Theo ông Santo, tại cuộc hội đàm ngày 6/6, Tổng thống Joko Widodo và Thủ tướng Albanese dự kiến sẽ đề cập mối quan hệ đối tác kinh tế giữa hai nước và nỗ lực phục hồi kinh tế cũng như các lĩnh vực khác trong giai đoạn hậu đại dịch.
Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có an ninh và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), song kinh tế dự kiến sẽ là trọng tâm do tình hình kinh tế toàn cầu “không thuận lợi”.
Theo ông Santo, hai nước sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế trong bối cảnh Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Indonesia-Australia (IA-CEPA) có hiệu lực vào năm 2020 đã không được thực hiện hiệu quả do đại dịch Covid-19, mặc dù trao đổi thương mại tăng khoảng 70% vào năm ngoái.
Ưu tiên ngoại giao
Giới chuyên gia hoan nghênh chuyến thăm này trong bối cảnh chính sách ngoại giao Australia đang tập trung vào Indonesia, song Jakarta vẫn cần phải thuyết phục nước láng giềng về vai trò chủ chốt của mình trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhà nghiên cứu Fitriani thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế chiến lược (CSIS) có trụ sở tại Jakarta cho rằng với chuyến thăm này, Australia đang cố gắng thể hiện rằng Indonesia là một nước láng giềng quan trọng trong khu vực vốn là ưu tiên ngoại giao của Canberra.
Với tư cách là quốc gia giữ chức Chủ tịch G20 năm nay và Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm sau, Indonesia rất quan trọng đối với Australia.
Ngoài việc thúc đẩy Hiệp định IA-CEPA, bà Fitriani lưu ý rằng Australia và Indonesia có một số vấn đề an ninh quan trọng cần thảo luận như vấn đề người tị nạn, buôn người và khủng bố.
“Điều quan trọng đối với Australia là duy trì mối quan hệ thân thiện với khu vực thông qua Indonesia, đặc biệt là trong bối cảnh liên minh của Canberra với phương Tây - thông qua nhóm Bộ tứ và AUKUS - đã làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc”.
Cũng giống nhiều chính phủ trong khu vực, Jakarta không hề biết trước sự ra đời của AUKUS cho tới khi thỏa thuận an ninh này được công bố hồi tháng 9 năm ngoái.
Vào tháng 3 vừa qua, 4 quốc gia trong nhóm Bộ tứ - gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ - tuyên bố phản đối bất kỳ hành động đơn phương sử dụng vũ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine đang gây ra lo ngại mới về hành động quyết đoán của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hai bên vẫn cần nhau
Giáo sư Aleksius Jemadu, nhà phân tích quan hệ quốc tế thuộc Đại học Pelita Harapan, lập luận rằng dù Australia có thể muốn tái ưu tiên chính sách ngoại giao với Indonesia, sẽ không có quá nhiều thay đổi cơ bản trong chính sách đối ngoại của Australia.
“Australia muốn thuyết phục Indonesia rằng việc củng cố các liên minh với Mỹ sẽ không thay đổi cam kết của Australia trong việc coi Indonesia là một quốc gia có ảnh hưởng trong ASEAN nhằm duy trì sự ổn định trong khu vực”.
Theo chuyên gia Aleksius, Trung Quốc đã coi Australia như một phần mở rộng của Mỹ trong khu vực. Do đó, Canberra cần Jakarta để tiếp tục can dự vào châu Á xuất phát từ vị trí chiến lược trong việc kết nối Australia và châu Á.
Bên cạnh đó, Australia vẫn bận tâm đến mối quan hệ ồn ào với Bắc Kinh, nên sẽ không thể từ bỏ các liên minh phương Tây mặc dù đã gần gũi hơn với châu Á.
Điều đó có nghĩa là nước này vẫn nghiêng về quan điểm của phương Tây trong G20 liên quan đến sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
“Indonesia cần thuyết phục Australia không tham gia cuộc tẩy chay này" vì sẽ "tác động tiêu cực đến hình ảnh của Australia trong mắt chính phủ và công chúng Indonesia”.
Giáo sư Aleksius cũng cho rằng, Indonesia cần thuyết phục Australia ủng hộ quan niệm của ASEAN về hợp tác toàn diện và rộng mở ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.