Thủ tướng Ba Lan chủ trì lễ đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Sáng 16/1, tại Ba Lan, Thủ tướng Donald Tusk chủ trì lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Ba Lan.
Sáng 16/1 (theo giờ địa phương, chiều cùng ngày theo giờ Hà Nội), lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Ba Lan được tổ chức trọng thể tại Phủ Thủ tướng Ba Lan ở Thủ đô Warsaw.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan từ ngày 15-18/1, theo lời mời của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk.
Chủ trì lễ đón, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk ra tận nơi đỗ xe đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và mời Thủ tướng Phạm Minh Chính vào vị trí danh dự.
Quân nhạc cử Quốc thiều Việt Nam và Quốc thiều Ba Lan. Thủ tướng Ba Lan mời Thủ tướng Chính phủ duyệt đội danh dự.
Tiếp đó, hai Thủ tướng giới thiệu về thành phần mỗi bên tham dự lễ đón; chứng kiến diễu binh chào mừng của đội danh dự quân đội Ba Lan.
Sau lễ đón, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk có cuộc gặp hẹp trước khi dẫn đầu đoàn đại biểu hai nước tiến hành hội đàm.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Ba Lan sau 15 năm. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Ba Lan phát triển tốt đẹp, đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Trong 75 năm qua, mối quan hệ Việt Nam-Ba Lan được xây dựng và phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục-đào tạo... Ba Lan dành sự ủng hộ nhiệt tình, giúp đỡ quý báu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay của Việt Nam. Lãnh đạo hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp nhằm củng cố và thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước. Hai nước phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ba Lan tại Đông Nam Á và Ba Lan là đối tác hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng, năm 2024 đạt 3,435 tỷ USD. Ba Lan hiện đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA). Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 11/2024, Ba Lan có 33 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 473,82 triệu USD.
Ba Lan là một trong những nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn dịch Covid-19. Hợp tác trong các lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, giáo dục, đào tạo, nông nghiệp, văn hóa, lao động giữa hai nước cũng phát triển tích cực. Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam hàng ngàn sinh viên và cán bộ khoa học và công nhân lành nghề.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hiện có khoảng 25.000 người, có truyền thống đoàn kết, hướng về tổ quốc, có nhiều đóng góp cho sở tại và quan hệ hai nước, được chính quyền Ba Lan đánh giá cao.
Với nền tảng quan hệ tốt đẹp, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lần này có ý nghĩa quan trọng; tạo đột phá, nâng tầm quan hệ hai nước, qua đó đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông Âu.
Ba Lan công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ rất sớm, ngày 4/2/1950. Ba Lan là nước duy nhất cử hàng nghìn sĩ quan tham gia cả hai Ủy ban đình chiến sau Hiệp định Geneva năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973.
Ba Lan cũng giúp đỡ đào tạo hàng nghìn cán bộ, kĩ sư Việt Nam để xây dựng đất nước trong thời bình. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, hai quốc gia đã tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau thông qua những lô khẩu trang Việt Nam gửi sang Ba Lan và hàng triệu liều vaccine ngừa Covid-19 quý giá viện trợ từ Warsaw tới Hà Nội. Sau đó là sự hỗ trợ của Chính phủ Ba Lan trong việc giúp đỡ người Việt gặp khó khăn, sơ tán khỏi Ukraine.
Về kinh tế - thương mại, Ba Lan hiện là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại Trung Đông Âu, trong khi Việt Nam là bạn hàng lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Kể từ những năm 1960 đến đầu những năm 1990, Ba Lan đã đào tạo trên 4.000 sinh viên và cán bộ khoa học; trên 3.500 công nhân lành nghề, chủ yếu trong các ngành than, đóng tàu cho Việt Nam. Hiện nay, hàng năm chính phủ Ba Lan vẫn dành cho sinh viên Việt Nam 20 suất học bổng. Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hiện có khoảng 30 nghìn người.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Bộ Công Thương tháp tùng Thủ tướng và Phu nhân trong chuyến công tác. Đi cùng Bộ trưởng, đoàn Bộ Công Thương có lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị: Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Công nghiệp, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Dầu khí và Than, Viện Nghiên cứu Chiến lược - Chính sách Công Thương, Viện Nghiên cứu Cơ khí, Báo Công Thương, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành Năng lượng, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế...
Bên cạnh việc tháp tùng Thủ tướng tham dự các hoạt động đối ngoại song phương tại Ba Lan, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Bộ Công Thương cũng sẽ có các cuộc gặp gỡ, làm việc tiếp xúc song phương với các đối tác.