Thủ tướng Bangladesh từ chức, chạy khỏi đất nước

Ngày 5/8, hãng tin Reuters cho biết Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã từ chức và rời khỏi đất nước trong bối cảnh số người thiệt mạng trong các vụ bạo lực tiếp tục leo thang.

Thủ tướng từ chức, chạy khỏi đất nước

Tướng Waker-Uz-Zaman, Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh, đã tuyên bố về đơn từ chức của bà Hasina trong bài phát biểu trên sóng truyền hình toàn quốc và nước này sẽ thành lập chính phủ lâm thời.

Đám đông ăn mừng tại thủ đô Dhaka (Bangladesh) sau khi bà Hasina từ chức, rời khỏi đất nước.(Ảnh: Reuters).

Đám đông ăn mừng tại thủ đô Dhaka (Bangladesh) sau khi bà Hasina từ chức, rời khỏi đất nước.(Ảnh: Reuters).

Các phương tiện truyền thông đưa tin bà Hasina cùng chị gái đã lên một chiếc trực thăng quân sự rồi bay đến Ấn Độ.

Kênh truyền hình CNN News 18 đưa tin bà đã hạ cánh tại Agartala, thủ phủ tiểu bang Tripura, nằm ngay bên kia biên giới phía đông của Bangladesh.

Trong khi đó tại quê nhà, những người biểu tình xông vào dinh thự của Thủ tướng Hasina ở thủ đô Dhaka.

Hãng tin CNN cho biết đã ghi nhận nhiều đám cháy bốc lên dữ dội từ những phương tiện đậu gần nhà của bà Hasina, trong khi cảnh sát không thể kiểm soát nổi đám đông ùn ùn kéo về phía khu phố nơi tọa lạc nhà của Thủ tướng.

Đám đông tụ tập tại các phòng trong dinh thự, và một số người có thể được nhìn thấy đang mang đi tivi, ghế và bàn từ một trong những tòa nhà được bảo vệ nghiêm ngặt nhất cả nước.

Hãng tin Reuters cũng cho biết những người biểu tình ở Dhaka còn trèo lên đỉnh bức tượng lớn của nhà lãnh đạo Sheikh Mujibur Rahman, cha của bà Hasina, rồi đập phá.

Số người chết kỷ lục

Bangladesh đang bị nhấn chìm trong các cuộc biểu tình và bạo lực sau làn sóng sinh viên phản đối chính sách hạn ngạch công chức gây tranh cãi suốt nhiều tuần qua.

Tháng trước, bạo lực đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 150 người. Các đoàn biểu tình liên tục đụng độ với lực lượng vũ trang, đốt phá nhà cửa, xe cộ trên đường.

Vào tháng 7, bạo lực đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 150 người. Các đoàn biểu tình liên tục đụng độ với lực lượng vũ trang, đốt phá nhà cửa, xe cộ trên đường (Ảnh: Reuters).

Vào tháng 7, bạo lực đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 150 người. Các đoàn biểu tình liên tục đụng độ với lực lượng vũ trang, đốt phá nhà cửa, xe cộ trên đường (Ảnh: Reuters).

Thậm chí một nhà tù đã bị phóng hỏa, hơn 850 tội phạm chạy thoát. Đài truyền hình quốc gia cũng bị các đối tượng xâm nhập đốt phá, buộc phải dừng hoạt động. Các dịch vụ truyền thông, thông tin liên lạc, Internet tại quốc gia Nam Á này cũng hoàn toàn bị ngắt kết nối.

Bạo lực leo thang đỉnh điểm trong ngày 4/8, khi các cuộc đụng độ gây ra số người chết kỷ lục lên đến gần 100 người thiệt mạng, bao gồm 13 cảnh sát.

Chính phủ đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc vô thời hạn bắt đầu từ 18h ngày 4/8, đồng thời thông báo nghỉ lễ 3 ngày bắt đầu từ 5/8.

Hệ thống đường sắt và nhiều nhà máy tại quốc gia này cũng thông báo đóng cửa, dừng hoạt động vô thời hạn.

Tuy nhiên các nhà hoạt động sinh viên vẫn kêu gọi tuần hành đến thủ đô Dhaka bất chấp lệnh giới nghiêm toàn quốc với mục tiêu gây sức ép buộc bà Hasina từ chức.

Đến nay, Tổng tư lệnh quân đội Zaman đã thảo luận tích cực với lãnh đạo các đảng phái chính trị tại Bangladesh và sẽ sớm gặp Tổng thống Mohammed Shahabuddin để bàn các giải pháp tiếp theo.

"Tôi hứa với tất cả các bạn, chúng tôi sẽ mang lại công lý. Các bạn hãy tin tưởng vào quân đội. Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm, cam kết với tất cả các bạn", ông nói.

Vị tướng cũng khuyên người dân nói không với con đường bạo lực, quay trở lại với hòa bình, cho cơ quan chức năng thêm thời gian để cùng nhau giải quyết mọi vấn đề của đất nước.

Chính sách gây tranh cãi của bà Hasina dành tới 30% vị trí việc làm trong các cơ quan nhà nước cho người thân của gia đình những người đã chiến đấu giành độc lập khỏi Pakistan.

26% số việc làm khác được phân bổ cho phụ nữ, người khuyết tật và dân tộc thiểu số. Do đó chỉ còn khoảng 3.000 vị trí cho hơn 400.000 sinh viên tốt nghiệp cạnh tranh trong kỳ thi tuyển công chức dù Bangladesh hứng chịu tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ.

Thanh niên Bangladesh cho rằng chính sách này mang tính phân biệt đối xử, chỉ có lợi cho những người ủng hộ Thủ tướng Sheikh Hasina sau khi bà vừa tái đắc cử vị trí lãnh đạo đất nước lần thứ 4 vào đầu năm 2024.

Những người phản đối chính sách cũng đề nghị chính phủ áp dụng chính sách tuyển dụng dựa trên năng lực thành tích, thay vì mối quan hệ chính trị.

Lưu Gia Huy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-bangladesh-tu-chuc-chay-khoi-dat-nuoc-192240805183926139.htm